|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Profile các công ty tài chính] 'Ông lớn' thị phần FE Credit đối mặt với nhiều khó khăn sau hơn một năm bán vốn cho SMBC

07:08 | 06/04/2023
Chia sẻ
Sau nhiều năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận vào ngân hàng mẹ, FE Credit đang trải qua thời điểm khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng. Năm 2022, FE Credit ghi nhận mức lỗ kỷ lục 3.000 tỷ đồng trong khi triển vọng năm 2023 không quá sáng.

Sự khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng đã và đang ngấm sâu dần vào hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là những công ty chiếm thị phần lớn. FE Credit - "ông lớn" chiếm khoảng 45 - 50% thị phần, lần đầu tiên báo lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Ra đời khá sớm từ những năm 2014, FE Credit có tiền thân là bộ phận Tài chính tiêu dùng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Lợi nhuận trước thuế của FE Credit đã ghi nhận tăng trưởng mạnh trong các năm 2016, 2017, vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% thu nhập ròng của ngân hàng hợp nhất) thì chững lại, sau đó dần sụt giảm mạnh trong các năm tiếp theo.

Năm 2021, FE Credit chỉ còn lãi khoảng 610 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/8 so với đỉnh lợi nhuận ghi nhận vào năm 2019 (với 4.490 tỷ đồng) và lỗ 3.121 tỷ đồng trong năm 2022 (theo số liệu từ VCBS).

 

Ban lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng không đạt kế hoạch kinh doanh do quá trình phục hồi của FE Credit sau COVID-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến. Tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản và xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của công ty.    

VNDirect ước tính dư nợ cho vay của FE Credit năm 2022 giảm 2,7% so với cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ lên 16.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể so với cùng kỳ lần lượt ở mức 28%/23%, khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Tín dụng tăng trưởng thấp, tỷ lệ nợ xấu là những vấn đề "đau đầu" của các công ty tài chính trong bối cảnh hiện tại khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng bị sụt giảm mạnh sau ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính tiêu dùng này đã cho dấu hiệu chậm lại từ năm 2020, mặc dù luôn giữ vị trí số 1 về thị phần. Trong ba năm từ 2018 - 2020, tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm dần nhưng luôn ở ngưỡng trên 20%, giảm về 19,6% vào năm 2021 và ghi nhận tăng trưởng âm 2,7% trong năm 2022.

Số liệu công bố tới tháng 9/2022 của VPBank cho thấy FE Credit có khoảng 6,4 triệu khách hàng đang còn ở trạng thái "active" trong số 14 triệu khách hàng mà công ty đã tiếp cận được. Trong đó, số lượng khách hàng thẻ đạt 1,2 triệu khách.

Tỷ suất biên lợi nhuận (NIM) của FE Credit cũng đạt đỉnh tại 31,3% vào năm 2019 và sau đó sụt giảm trong hai năm liên tiếp về 21,1% năm 2021 trong khi con số NIM của năm 2022 chưa được tiết lộ.

 

Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đã tăng vọt lên 21,8% vào quý IV/2022 (theo VCBS),đây hiện là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng, trong khi trong năm trước đó chỉ ở mức 13,6% (2021) và trong giai đoạn 2018 - 2020 đều dưới mức 7%.

Các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của công ty cao hơn trung bình ngành.

Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác. Trong năm 2022, chi phí trích lập dự phòng FE Credit tăng mạnh đạt 13.681 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. 

 Nguồn: VPBank, VCBS, PV tổng hợp.

Năm 2023 được dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với FE Credit, tốc độ tăng trưởng cho vay sẽ chậm lại và công ty sẽ tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn. VPBank kỳ vọng hoạt động của FE Credit sẽ dần ổn định và có lãi vào quý III và quý IV/2023.

Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng cho vay của FE Credit trong giai đoạn 2023-2024, sẽ đạt lần lượt là 5,1%/8,2%; NIM hợp nhất ở mức 7,4%/7,3%, giảm từ mức 7,5% trong năm 2022. FE Credit ước lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trước khi quay trở lại có lãi (khoảng 1.300 tỷ đồng) vào năm 2024. 

Trong khi đó Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng rằngFE Credit sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2023 khi các hoạt động xử lý nợ xấu đã được thưc hiện ráo riết trong năm 2022.

Thương vụ bán vốn và hành trình trở thành công ty 2,8 tỷ USD của FE Credit

Tại thời điểm lợi nhuận đạt ở vùng đỉnh (năm 2019) VPBank đã lên kế hoạch bán 49% vốn của FE Credit nhằm giúp ngân hàng mẹ VPBank có thêm nguồn lực phát triển. Đồng thời, có thể tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ đối tác Nhật Bản SMBC, nơi có công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản, để tiếp tục phát triển FE Credit.

Đến tháng 4/2021, VPBank đã chính thức ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược bán 49% vốn cổ phần của FE Credit cho Tập đoàn Nhật Bản SBMC, giá trị thương vụ ước gần 1,4 tỷ USD. Giá trị công ty tương ứng với mức định giá khi đó là gần 2,8 tỷ USD.

Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tại thời điểm đó.

Trong năm 2022, sau khi hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBC, VPBank là ngân hàng có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống (hơn 30%) nhờ vốn cấp 1 được gia tăng mạnh và CAR vươn lên đứng thứ 2 toàn ngành.

Mới đây, SMBC cũng vừa chính thức trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau khi mua 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.

Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

Các chuyên gia của MBS kỳ vọng rằng sau khi hoàn thành việc phát hành riêng lẻ 15% vốn cho SMBC trong năm 2023, VPBank hoàn toàn có cơ sở nhận được một hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đương hoặc cao hơn so với năm 2022.

Diệp Bình