[Profile các công ty tài chính] Mcredit và sự bứt phá lên Top 3 thị phần, nợ xấu vẫn là nỗi lo
Là một trong những công ty tài chính đi sau, Mcredit đã có những bước phát triển ấn tượng trong 5 năm trở lại đây với thị phần chiếm 12%, lọt Top 3 công ty tài chính có dư nợ lớn nhất trên thị trường (theo công bố từ công ty).
Mcredit được thành lập ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do MB sở hữu 100% vốn, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tín dụng tiêu dùng. Bà Vũ Thị Hải Phượng Phó Chủ tịch MB được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Mcredit.
Tháng 10/2017, MB hoàn tất thủ tục bán 49% của Mcredit cho đối tác Nhật Bản Shinsei Bank, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, MB sở hữu 50% và 1% vốn còn lại do Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu. Thương vụ ước tính mang về cho MB khoảng 615 tỷ đồng lợi nhuận.
Hai lợi thế từ các cổ đông và hệ sinh thái MB
Sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ và hệ sinh thái các công ty có liên quan với Tập đoàn MB là những lợi thế tạo nên sức bật cho Mcredit ngay từ những ngày đầu ra đời.
Việc nằm trong hệ sinh thái của MB đã mang lại cho Mcredit những lợi thế về chi phí vốn và mạng lưới bán hàng rộng lớn. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động Mcredit đã có thể đạt mức hoà vốn nhờ việc đẩy mạnh việc bán lẻ qua hệ thống 13.000 điểm bán lẻ của Viettel/VNPost.
"MCredit đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ (POS) sẽ giúp Viettel/VNPost có khoảng 13.000 điểm bán lẻ. Tuy MCredit chỉ có 648 POS có nhân viên của mình và đặt tại các nhà bán lẻ trong khi FE Credit có 12.600 nhưng khả năng khai thác cơ sở hạ tầng do Chính phủ sở hữu là tài sản chính của công ty. Điểm đặc biệt này cho phép MCredit hòa vốn ngay trong năm đầu hoạt động", báo cáo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay.
Cùng với đó, khoảng 64% nguồn vốn hoạt động của Mcredit là vốn vay được tiếp nhận từ hai "ngân hàng mẹ". Các nguồn vốn này chủ yếu có kỳ hạn ngắn (dưới 1 năm), lãi suất cạnh tranh, kèm cam kết quay vòng 100% đã giảm áp lực thanh khoản cho công ty trong ngắn và trung hạn. Điều này tạo nên một lợi thế mà khó có công ty tài chính nào có được.
Thị phần và lợi nhuận đều tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp
Sau khi bán vốn, trong năm 2018, Mcredit đã tăng vốn điều lệ thêm 60%, từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng; đưa tổng tài sản tăng 163%; quy mô tăng trưởng tín dụng tăng 254%; số lượng hồ sơ khách hàng tiếp cận là 743.000. Lợi nhuận trước thuế của công ty ước đạt 300 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2018, dư nợ cho vay của Mcredit là 5.480 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,93%. Thị phần của MCredit đã đạt 5,2%, lọt Top 6 trên thị trường tài chính tiêu dùng chỉ sau hai năm hoạt động
Mặc dù Mcredit không công bố báo cáo tài chính nhưng dựa vào báo cáo của ngân hàng mẹ MB, các chuyên gia của BVSC ước tính NIM của Mcredit đạt khoảng 25,08% (quý I/2018).
Năm 2020, năm đầu tiên của dịch bệnh COVID-19, các công ty tài chính tiêu dùng đều lâm vào tình trạng khó khăn và Mcredit cũng không tránh khỏi. Theo số liệu được chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư MB, dư nợ của Mcredit đến hết tháng 7 đã suy giảm 8%. Tỷ lệ nợ xấu của Mcredit thời điểm đó ở mức 6,5% và nợ tái cơ cấu chiếm 4% tổng dư nợ.
Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế đã phục hồi trong quý III/2020, đạt 90 tỷ đồng (tăng 13% so với quí trước, một phần nhờ công ty đã tiết giảm được đáng kể chi phí vận hành). Trước đó, công ty ghi nhận lợi nhuận đạt gần 120 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Mcredit đã bứt tốc rất nhanh trong năm 2021 và 2022. Nếu như năm 2020, thị phần của Mcredit mới chỉ khoảng 6,4%, đến năm 2021 đã lên 9,6% và năm 2022 ước tính khoảng 12%.
"Hiện tại Mcredit đang có ROE dẫn đầu thị trường với tỷ lệ xấp xỉ 41% (ngân hàng có ROE cao nhất mới chỉ khoảng 30%).
Trong tương lai tỷ lệ này có thể giảm xuống bởi công ty có kế hoạch tăng mạnh vốn chủ, nhưng sẽ phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu", ông Lê Quốc Ninh, CEO của Mcredit chia sẻ với truyền thông vào đầu năm nay.
Nếu như cơ cấu doanh thu của công ty tài chính tiêu dùng nói chung trước nay chủ yếu đến từ lãi tín dụng thì nay đã có sự thay đổi và doanh thu ngoài lãi của Mcredit đang có mức thay đổi dẫn đầu 21%, cao hơn so với bình quân ngành là 18%.
Nguồn thu ngoài lãi trên của Mcredit đã thay đổi tỷ trọng từ mức 15% trong năm 2019 tăng nhẹ lên 16% trong năm 2020 và tăng tốc rõ nét hơn trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chiếm 1/5 tổng doanh thu
Năm 2022, doanh thu của Mcredit đạt 5.687 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lên tới 1.201 tỷ, tăng 100% so với cùng kỳ. MB cho biết, nhờ tăng trưởng năm qua, Mcredit đã đạt Top 3 thị trường về dư nợ cho vay. Theo báo cáo tài chính của MB, dư nợ cho vay của Mcredit cuối năm 2022 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.
Rủi ro nợ xấu tiếp diễn
Theo đánh giá trong báo cáo mới nhất của Chứng khoán KB (KBSV), chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ vẫn ở mức tốt trong khi tài sản của Mcredit kém hơn theo xu hướng chung của ngành tài chính tiêu dùng cùng việc đẩy mạnh cho vay trong năm nay nhằm chiếm lĩnh thị phần tài chính tiêu dùng (Mcredit đã vượt qua HDSaison để đứng thứ 3 về quy mô cho vay).
Tỷ lệ nợ xấu của Mcredit vẫn duy trì ở mức cao 6,5%, tăng 0,29 điểm % so với năm trước, góp phần kéo tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của ngân hàng MB về 1,09% (tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ là 0,88%).
Nợ nhóm 2 hợp nhất của MB tăng chủ yếu đến từ Mcredit, chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong khi giai đoạn trước thường dưới 50%, với quy mô dư nợ đạt 4.693 tỷ VND (tăng 272% so với năm trước).
Để phòng ngừa rủi ro, công ty cũng đã tăng dần bộ đệm dự phòng rủi ro qua các năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Mcredit tăng từ 39% từ năm 2021 lên mức 90,3% vào cuối năm 2022 trong khi tại ngân hàng mẹ là 295,4%.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nợ nhóm 2 của ngân hàng và Mcredit tăng cao chủ yếu từ nợ tái cơ cấu khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối quý II/2022 cũng như môi trường kinh doanh kém hơn trong bối cảnh lãi suất cao.
Tuy vậy, ngân hàng vẫn có thể phải đối mặt với rủi ro chi phí dự phòng tăng trong năm 2022 khi quy mô nợ nhóm 2 tại Mcredit có xu hướng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/