|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Profile các công ty tài chính] HD Saison duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, NIM phục hồi lên trên 30%

07:30 | 29/03/2023
Chia sẻ
HD Saison là một trong số ít các công ty tài chính tiêu dùng giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, mang về 1.152 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp HD Saison có lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng.

Thành lập năm 2007 và là công ty tài chính phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động tại Việt Nam, HD Saison có tên ban đầu là Công ty TNHH MTV Tài Chính Việt Société Générale (SGVF) với 520 tỷ đồng vốn đầu tư.

Tháng 10/2013, SGVF được mua lại 100% bởi HDBank và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM, gọi tắt là HDFinance với trên 1.100 điểm POS tại 53 tỉnh thành.

Sau đó, dưới sự góp vốn đầu tư chiến lược từ tập đoàn tài chính Credit Saison (công ty phát hành thẻ tín dụng lớn thứ ba tại Nhật) vào tháng 4/2015, HDFinance chính thức đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH HD Saison, gọi tắt là HD Saison. 

Ngày 7/6/2022, NHNN đã chấp thuận cho HD Saison thay đổi mức vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.350 tỷ đồng. Trong đó, HDBank sở hữu 50% vốn điều lệ; Credit Saison sở hữu 49% và CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) sở hữu 1%.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc – CTCP Tập đoàn Sovico,  Tổng Giám đốc Vietjet, hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thành viên của HD Saison.

 Nguồn: HDBank.

Lợi thế cạnh tranh từ hệ sinh thái

HD Saison kế thừa toàn bộ sản phẩm cho vay, nền tảng công nghệ thông tin, hệ thống chấm điểm tín dụng, và hệ thống quản lý rủi ro từ Tập đoàn Societe Generale. Bên cạnh đó, công ty cũng hưởng lợi từ việc hợp tác chiến lược với Credit Saison, là công ty phát hành thẻ tín dụng lớn thứ ba tại Nhật.  

Quy mô tài sản được HD Saison liên tục mở rộng từ chỉ 2.000 tỷ vào năm 2013 nay đã lên tới 17.900 tỷ đồng (cuối năm 2022). Hệ sinh thái HD Bank - HD Saison - Vietjet Air cũng là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc kích hoạt bán chéo sản phẩm.

Số lượng khách hàng của công ty đã tăng từ 3,5 triệu khách hàng (năm 2017) lên 11,3 triệu khách hàng (năm 2022), tương ứng với đó, số điểm giao dịch cũng tăng từ 11.500 lên 24.500 điểm.

 Số lượng khách hàng của HD Saison. (Nguồn: HDBank).

Phân khúc được HD Saison hướng đến là khách hàng có thu nhập thấp bình quân mỗi tháng từ 180-300 USD và chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Các mảng được công ty tập trung là cho vay tín chấp với dịch vụ tiêu dùng các mặt hàng như xe máy, ô tô, điện máy, điện thoại, nội thất...

Tính đến ngày 31/12/2021, danh mục cho vay của HD Saison bao gồm 24,6% cho vay xe máy; 24,3% cho vay thiết bị gia dụng; 51% cho vay tiền mặt và 0,1% các sản phẩm khác như phát hành thẻ tín dụng quốc tế.

Công ty đã liên tục dẫn đầu trong mảng cho vay mua xe máy trong nhiều năm với thị phần năm 2022 mảng này chiếm khoảng 41%, tiếp đó là Home Credit (20%) và Jaccs (16%).

HD Saison thường tập trung vào các khoản vay giá trị nhỏ và thời hạn ngắn, phần lớn các khoản vay có giá trị dưới 30 triệu đồng và thời hạn dưới một năm. Việc này giúp công ty kiểm soát được rủi ro tín dụng đối với từng khách hàng và giảm thiểu rủi ro tập trung của danh mục cho vay.

HD Saison duy trì được đà tăng trưởng, NIM phục hồi lên trên 30%

Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng chưa kịp phục hồi, HD Saison là một trong những công ty tài chính vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2022.

Tổng cho vay của HD Saison đạt 16.700 tỷ đồng, tăng 24,6% so với đầu năm và chiếm 6,8% trong tổng dư nợ hợp nhất của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế của công ty sau khi đi ngang trong hai năm diễn ra đại dịch, đã tăng nhẹ trở lại vào năm 2022 với mức tăng 15% so với năm 2021.

Lũy kế cả năm, HD Saison lãi trước thuế 1.152 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp HD Saison có lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng, cũng là khoảng thời gian khá khó khăn đối với mảng tài chính tiêu dùng. 

Tổng thu nhập hoạt động của HD Saison ghi nhận tăng 21,7% so với năm ngoái lên trên 5.700 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 5,7%, đạt 2.178 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) giảm từ 44% xuống 38,2%, mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2017-2022). 

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) của HD Saison đã ghi nhận xu hướng giảm từ năm 2017 - 2021, từ 30% xuống 26,8%, sau đó phục hồi lên 30,2% vào năm 2022.

Tỷ suất sinh lời ROAE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) và ROAA (lợi nhuận trên tổng tài sản) của công ty lần lượt đạt 24,2% và 5,8%, cao hơn so với năm 2021. Trong khi đó, chi phí vốn cũng tăng từ 5,9% năm 2021 lên 7,4% vào năm 2022.

Tỷ suất sinh lời và NIM của HD Saison qua các năm

  Nguồn: HDBank.

Kể từ năm 2012 đến nay, cùng với sự tăng trưởng tài sản gấp 9 lần, tín dụng sau khi ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên trong năm 2021, đã bật tăng trở lại trong năm 2022 (tăng gần 26%) lên 16.839 tỷ đồng. 

Báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng HD Saison có thể đạt được mức tăng trưởng cho vay này do nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục hồi sau các hạn chế về giãn cách xã hội trong năm 2021 và thỏa thuận với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho công nhân các khu công nghiệp trên cả nước.

Ngoài ra, HD Saison cũng có quy trình thẩm định tín dụng tương đối thận trọng. Tỷ lệ nợ xấu của công ty đã giảm từ mức 7,29% vào năm 2021 xuống còn 7,11%, song vẫn cao hơn thời điểm trước dịch (chỉ dao động quanh mức 5-6%).

Tỷ lệ CIR và tỷ lệ nợ xấu của HD Saison qua các năm

   Nguồn: HDBank.

Phương Nga