|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phiên livestream đạt 75 tỷ doanh thu và tâm lý FOMO

12:10 | 11/03/2024
Chia sẻ
Hầu hết những nhãn hàng có kinh nghiệm trên sàn thương mại điện tử nói chung và TikTok Shop nói riêng đều đồng tình rằng phiên livestream với doanh số khủng 75 tỷ đồng vừa qua là một case study để tham khảo, chưa thể gọi là "miếng bánh ngon".

“Con số 75 tỷ đồng là có thật hay không? Đây là câu hỏi mà chúng tôi nhận được nhiều nhất từ giới truyền thông báo chí trong những ngày qua”, đại diện TikTok Việt Nam cho hay.

75 tỷ đồng là doanh thu mà phiên phiên livestream vô tiền khoáng hậu hôm 2/3 của kênh TikTok Quyền Leo Daily đạt được.

Kéo dài suốt 13 tiếng với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung khác như Long Chun, Bà Tuyết Vlogs, Huy NL… Buổi bán hàng trực tuyến này tạo cột mốc lịch sử, gây chấn động đối với hầu hết những ai đang tham gia vào cuộc chơi shoppertainment (mua sắm giải trí) - một xu hướng thương mại điện tử được mạnh bởi TikTok nhờ khả năng đánh vào cảm xúc của người dùng, dẫn tới quyết định mua hàng nhanh chóng.

Theo chuyên gia, một buổi bán hàng trực tuyến muốn thành công cần có sự phối hợp từ ba bên gồm nền tảng (TikTok Shop), nhãn hàng và ê-kíp của nhà sáng tạo nội dung.

 Phiên livestream lịch sử của kênh Quyền Leo Daily. (Ảnh: Quyền Leo Daily).

Bà Naree Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Khối đại lý TikTok Việt Nam cho biết đối với những phiên livestream đặc biệt, từ đội ngũ nhà sáng tạo cho tới nhãn hàng đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

“Đối với nhà sáng tạo, họ phải chuẩn bị thứ tự sản phẩm lên sóng sao cho khoa học nhất. Nhà sáng tạo cũng cần phải hiểu rõ sản phẩm để giới thiệu tới khách hàng, ngoài khả năng giải trí. Nhìn chung, để có một phiên livestream thành công thì cần sự đóng góp từ nhiều bên tham gia, tạo dựng một kịch bản chuẩn chỉnh nhất”, bà Naree Nguyễn giải thích.

Trước khi sự kiện diễn, phía nhà sáng tạo và nền tảng TikTok đã liên tục chạy các chiến dịch quảng bá lớn cho phiên livestream. Bên cạnh đó, nhãn hàng cũng đóng vai trò làm trợ lực khủng với việc tung ra 3.000 deal 1.000 đồng/sản phẩm, voucher lên đến 2 triệu đồng, cùng các ưu đãi như mua một tặng một, mua hai tặng một, mua một tặng 5, giá combo,… Chưa kể các voucher khác từ nền tảng TikTok Shop cũng đã tạo nên sức hút cho phiên livestream triệu đô.

Ông Đặng Thanh Định, Founder Nerman đồng ý với quan điểm này khi cho biết cả ba bên đều đóng vai trò nhất định trong một buổi bán hàng thành công.

“Lấy ví dụ phiên livestream của Hà Linh trước đây, người dùng khi đó tìm xem Hà Linh vì biết chắc ở đây sẽ bán deal hời, giá rẻ nhất. Như vậy, mức độ uy tín của nhà sáng tạo đã góp phần tạo nên sức hút lớn cho buổi phát sóng trực tiếp. Ngoài ra, nhà sáng tạo cũng cần trợ lực từ nhãn hàng với các mức ưu đãi và hỗ trợ của nền tảng về mặt kỹ thuật”, ông Định chia sẻ.

Con số 75 tỷ đồng là một điều đáng tự hào của nhà Quyền Leo Daily cũng như các nhà sáng tạo khác tham gia. Song, đối với các nhãn hàng, điều họ cần nhìn nhận qua các phiên livestream khủng như vậy là gì?

Trao đổi với người viết, ông Lê Hải Vũ, CEO thương hiệu phụ kiện công nghệ Velasboost bày tỏ quan điểm tích cực rằng bán hàng livestream có tiềm năng rất lớn. Song, ông Vũ vẫn bày tỏ sự thận trọng trước những con số doanh thu.

“Livestream là một kênh bán hàng đang bùng nổ, 75 tỷ đồng là con số để chúng tôi nhìn thấy cơ hội trong tương lai. Cửa sáng đó là góc nhìn của tôi lúc này. Cá nhân tôi cho rằng con số doanh thu cuối cùng chắc chắc có giảm, vì tỉ lệ hủy đơn, đơn ảo là có, nhưng đây vẫn là thành tích cao, đặc biệt, đáng học hỏi”, ông Vũ nói.

 Ông Lê Hải Vũ, CEO Velasboost. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phía đại diện TikTok cũng xác nhận 75 tỷ đồng là tổng giá trị đơn hàng bán ra trong phiên live của kênh Quyền Leo Daily, tuy nhiên vị này không tiết lộ chi tiết về tỷ lệ hoàn, huỷ đơn hàng.

Ông Đặng Thanh Định cho rằng với những phiên livestream có doanh số khủng, doanh nghiệp/nhãn hàng cần phải xác định rõ mục tiêu mà họ muốn hướng tới, ví dụ như quảng bá cho thương hiệu hay cụ thể hơn là thúc đẩy doanh số, giải phóng hàng tồn kho…

“Quan điểm của tôi vẫn là nhãn hàng không nên FOMO, bị hấp dẫn bởi những con số khủng”, nhà sáng lập Nerman chia sẻ. Nerman thực hiện 200-300 buổi livestream bán hàng hàng tháng trên TikTok Shop.

Đồng quan điểm, ông Lê Hải Vũ cũng tin rằng nhãn hàng cần thận trọng. “Với nhãn hàng, tôi thấy livestream là một kênh giới thiệu sản phẩm ra ngoài thị trường nhanh chóng, giá rẻ nhất, nhưng đừng để áp lực doanh số mà tiến hành giảm giá quá nhiều, về lâu về dài không có lợi, trừ khi nó là kế hoạch dài hạn.

Còn theo cuộc đua này, với tôi là nguy hiểm. Không được FOMO, nó khiến chúng ta lệch hướng và vô tình tạo ra những con số ảo, thiếu ổn định. Trong kinh doanh thì sự bền vững mới là yếu tố cao nhất. Cơ hội, thách thức, tận dụng đúng sẽ cho kết quả tốt”, CEO Velasboost bày tỏ.

Con số 75 tỷ đồng tạo ra sức hút đối với công chúng, các cuộc thảo thuận đã diễn ra nhiều tuần. Trong đó, có ý kiến tin rằng những phiên live lớn như vậy là một khoản đầu tư cho quảng bá thương hiệu nhiều hơn là mục tiêu bán hàng.

Về quan điểm này, ông Tiến Đặng, Giám đốc Marketing của L’Oreal Việt Nam cho rằng với những buổi live lớn, nhãn hàng này có thể tận dụng để truyền tải giá trị của sản phẩm tới người dùng, mục tiêu của mỗi nhãn hàng sẽ khác nhau.

“Đối với L’Oreal, chúng tôi đồng tình rằng nhãn hàng có thể sử dụng những phiên live thể kỷ để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, tuy nhiên với điều kiện trong phiên live đó, người dùng có thể hiểu hơn về giá trị của sản phẩm, ý nghĩa mà thương hiệu mang tới”, ông Tiến nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Tiến nói rằng livestream không hẳn là một kênh thuần bán hàng nên nhãn hàng cần nhắm đúng mục tiêu mà mình muốn đạt được.

Đại diện L’Oreal cho biết nhãn hàng này không định hướng chạy theo những phiên live quá lớn, thay vào đó sẽ tập trung vào kết nối với KOC/KOL qua những phiên live nhỏ hơn, bên cạnh việc xây dựng giá trị cho thương hiệu và sản phẩm. Nhãn hàng sẽ cân bằng giữa quảng bá và hiệu quả doanh số, đảm bảo mọi thứ hài hoà chứ không dồn hết vào một thứ.

 Ông Đặng Thanh Định, Founder Nerman. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Đồng tình quan điểm, ông Định cho rằng khoản đầu tư vào các buổi live khủng nhằm quảng bá thương hiệu sẽ khó lòng đạt được hiệu quả cao nhất và nhãn hãng cần phải ưu tiên cho hiệu quả về doanh thu đầu tiên.

“Chúng tôi từng làm một phiên live 72 giờ và thực sự rất mất thời gian. Trong phiên live có nhiều tình huống phát sinh, khó có thể xử lý ngay lập tức. Điều này khiến những giá trị như cảm xúc,… gần như không thể truyền tải hết được.

Chúng ta có thể chấp nhận sẽ quảng bá thương hiệu nhưng ở một mức độ nào đó. Nhãn hàng vẫn phải nhìn vào con số doanh thu, lợi nhuận sau cùng”, ông Định chia sẻ.

Thành Vũ