|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗi ám ảnh con ốc vít

19:30 | 12/06/2024
Chia sẻ
Tư duy làm công nghiệp là phải có nhà máy, phải trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đã trở nên lỗi thời trong giai đoạn hiện nay khi chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu đã được chuyên môn hoá rất cao.

 

Trước đây khi nói đến công nghiệp hoá, mọi người cho rằng phải có các nhà máy, phải trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Tư duy ấy ở Việt Nam càng nặng, vì thế rất nhiều người Việt cứ bị ám ảnh bởi con ốc vít, thậm chí có người còn cho rằng phải sản xuất ra cả thép cứng làm con ốc vít mới là sản xuất.

Thế nhưng, tư duy phải có nhà máy, phải trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đã trở nên lỗi thời, bởi sự chuyên môn hoá rất cao trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Hiện tại, có ba mô hình sản xuất như sau: Các công ty sản xuất sản phẩm truyền thống (tích hợp) thực hiện đủ 3 công đoạn, thiết kế, sản xuất và thương mại; Các công ty sản xuất thuần tuý (không thiết kế, không thương mại); Các công ty không nhà máy sản xuất, chỉ thiết kế, phần mềm, thương mại.

Mô hình các công ty sở hữu sản phẩm mà không có nhà máy hiện đang thắng thế. Apple và Nvidia là hai công ty có vốn hoá lên đến 3.000 tỷ USD, hai công ty này không có bất cứ nhà máy sản nào của riêng mình, họ chỉ thiết kế, viết phần mềm và thương mại (thương hiệu, marketing, bán hàng và dịch vụ bảo hành, bảo trì). Phần sản xuất họ thuê ngoài, Apple thuê Foxconn, Luxshare, Nvidia thuê TSMC.

Ngoài ra, có thể kể đến một số công ty đi theo mô hình trên có vốn hoá lớn như sau: Broadcom (616 tỷ USD), AMD (258 tỷ USD), Qualcomm (228 tỷ USD), IBM (156 tỷ USD), Nike (145 tỷ USD), Uniqlo (81 tỷ USD).

Đối với mô hình sản xuất thuần tuý có hiệu quả thứ hai. TSMC là doanh nghiệp đứng đầu mô hình này với vốn hoá lên tới 790 tỷ USD, tiếp theo là Foxconn (77 tỷ USD), Luxshare (31,9 tỷ USD), SMIC (25 tỷ USD), UMC (21 tỷ USD). Tất nhiên, nhóm công ty này cũng có bộ phận thiết kế nhưng không lớn.

Mô hình sản xuất truyền thống có hiệu quả thấp nhất. Một số doanh nghiệp lớn đứng đầu như Samsung vốn hoá là 374 tỷ USD, tiếp theo là Texas Instrument (176 tỷ USD), Micron (140 tỷ USD), Intel (127 tỷ USD).

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, có ý tưởng và giỏi thương mại nên đi theo mô hình thiết kế và thương mại.

Như tôi quen một bạn trẻ khởi nghiệp, sản xuất giày thể thao bằng nhựa tái chế. Ban đầu, bạn ấy sẽ thu mua chai, túi nilon bỏ đi và chế biến thành nhựa. Sau đó là thiết kế mẫu mã, màu sắc và đặt nhà máy giày gia công. Sản phẩm hoàn thiện sẽ được phân phối  nền tảng eCommerce bán online ở Đức và châu Âu. Hàng bán được, lợi nhuận tốt.

Trong trường hợp này, nếu tự sản xuất thì vừa vốn lớn, vừa giá thành cao, khả năng thất bại lớn. Thế nhưng, thuê sản xuất thì vừa không mất vốn, vừa giá thành thấp, chất lượng tốt ngang Nike (vì thuê chính các nhà máy sản xuất giày xuất khẩu), lại vừa tận dụng được công suất của các nhà máy giày hiện có.

Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, có tố chất sản xuất thì nên theo mô hình chỉ sản xuất, phần thương mại thông qua các hãng nước ngoài. Một ví dụ điển hình cho mô hình này là Van Vina (VVN), một doanh nghiệp Việt Nam chuyên sản xuất van đồng công nghiệp (van cứu hoả, van nồi hơi công nghiệp).

Chất lượng sản phẩm của VVN tốt ngang với van Italy, Hàn Quốc nên được các hãng ở Mỹ, Canada, Nhật, Đức đặt mua về phân phối lại tại thị trường. VVN chỉ tập trung sản xuất, nên chất lượng sản phẩm rất cao, giá thành rẻ. Cách bán qua đại lý là cách nhanh nhất để tiếp cận thị trường quốc tế.

Còn với các doanh nghiệp lớn, vốn nhiều, đủ cả năng lực thiết kế, sản xuất và thương mại, theo tôi, họ có thể chọn mô hình sản xuất tích hợp, nhưng lựa chọn một trong hai mô hình không sản xuất hoặc chỉ sản xuất cũng là lựa chọn tốt.

Tôi rất thích câu nói “ngày nay thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, rất tiếc rằng có rất ít người nhận ra điều ấy, thành công chỉ đến với những ai nhận thức ra sự thay đổi và có khả năng thay đổi”.

Ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng Tập đoàn FPT