|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗ lực xây dựng 'thế giới nước' giữa hoang mạc của Dubai khiến thiên nhiên phải trả giá

17:47 | 25/11/2023
Chia sẻ
Dubai chi hàng tỷ USD để cung cấp nước sạch cho dân cư và du khách, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những cố gắng này đang gây hại cho tài nguyên thiên nhiên ở vùng Vịnh Ba Tư.

Vòng quay Ain Dubai tại một hòn đảo nhân tạo ở Dubai. (Ảnh: New York Times). 

 

Tuy là một phần của sa mạc Arab, Dubai lại giống như xứ sở thần tiên dưới nước hơn. Du khách có thể thỏa sức lặn trong hồ bơi sâu nhất thế giới hoặc trượt tuyết bên trong một siêu trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, ở Dubai còn có một đài phun nước - được cho là lớn nhất thế giới. Công trình này phun hơn 83.000 lít nước vào không trung theo nhịp điệu phát ra dàn loa xung quanh.

Tuy nhiên, để duy trì sự trù phú, Dubai cần sử dụng rất nhiều nước sạch - một tài nguyên hiếm có đối với thành phố này. Giải pháp của Dubai là sử dụng công nghệ tiêu tốn rất nhiều năng lượng: khử muối nước biển.

Nỗ lực của Dubai đi kèm với cái giá đắt. Giới chuyên gia cho biết quá trình khử muối đang gây tổn hại cho Vịnh Ba Tư bởi nó đang tạo ra một thứ gọi là nước muối cô đặc.

Chất thải này cùng với các hóa chất được sử dụng trong quá trình khử muối làm tăng độ mặn ở vùng Vịnh. Chúng cũng làm tăng nhiệt độ nước và làm tổn hại đa dạng sinh học, ngành đánh bắt cá và các cộng đồng ven biển, theo tờ New York Times. 

Nếu Dubai không hành động ngay lập tức để chống lại tác hại của hoạt động khử muối, quá trình này cùng với biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ tại hơn 50% vùng nước ven biển ở Vịnh Ba Tư tăng khoảng 3 độ C vào năm 2050, theo nghiên cứu được đăng trên nền tảng ScienceDirect.

Mọi người xem buổi biểu diễn tại đài phun nước Dubai trên Hồ Burj nhân tạo. (Ảnh: The New York Times). 

Ngoài việc phục vụ cho các hoạt động giải trí hào nhoáng của Dubai, nước còn rất cần thiết để duy trì sự sống. Theo báo cáo năm 2022, Cơ quan Điện và Nước Dubai đã cung cấp nước cho hơn 3,6 triệu cư dân cùng với hơn 4,7 triệu du khách. Trong tương lai, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục tăng lên.

Báo cáo cho biết thêm vào năm ngoái, Dubai đã khử muối khoảng 620 tỷ lít nước. Khi thành phố này sản xuất được 1 lít nước khử muối, khoảng 1,5 lít nước muối cô đặc sẽ bị thải ra biến.

Khử mặn nước biển là công nghệ quan trọng đã được các nước vùng Vịnh sử dụng trong hàng chục năm, bao gồm Bahrain, Kuwait, Arab Saudi và Qatar. Khác với các láng giềng giàu dầu mỏ, nền kinh tế Dubai chủ yếu phụ thuộc vào du lịch, bất động sản và hàng không.

Ông Khaled Alawadi, Giáo sư tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, bình luận: “Dubai muốn xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Bất kỳ địa điểm du lịch nào cũng muốn vượt trội so với các đối thủ tiềm năng trong khu vực”. 

Bể bơi Deep Dive Dubai. (Ảnh: New York Times). 

Deep Dive Dubai, bể bơi sâu nhất thế giới, được thiết kế theo hình dạng một con trai khổng lồ, lấy cảm hứng từ nghề lặn biển lấy ngọc. Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới, sử dụng trung bình 946.000 lít nước mỗi ngày và yêu cầu công suất làm mát tối đa tương đương với 10.000 tấn băng tan.

Dự án xây dựng các hòn đảo nhân tạo của Dubai cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của vùng Vịnh. Một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước trung bình quanh đảo Palm Jumeirah đã tăng khoảng 7 độ C trong vòng 19 năm.

Nghiên cứu khác chỉ ra rằng công cuộc cải tạo đất, cùng với nước muối cô đặc và chất thải công nghiệp là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của loại tảo biển cực nhỏ gây ra hiện tượng thủy triều đỏ. Một số nhà máy khử muối phải ngừng hoạt động vì những loại tảo này. 

Dubai đã công bố các chương trình môi trường để giải quyết nhu cầu tiêu thụ tài nguyên khổng lồ. Thành phố này thậm chí còn nhắm đến bầu trời để làm nguồn nước thay thế. Dubai cũng thuê hàng loạt nhà khoa học để tìm cách kích thích mây bằng hóa chất nhằm tạo ra mưa. 

Thác nước tại Dubai Mall, trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới tính theo tổng diện tích đất. (Ảnh: New York Times). 

Ông Faisal al-Marzooqi, Phó Giáo sư tại Đại học Khalifa, đã hối thúc quan chức chính phủ ngăn chặn các cơ sở sử dụng nước uống được cho mục đích không liên quan, ví dụ như sản xuất kim loại hay vận hành công viên nước. Ông giải thích: “Tại thời điểm mà nước rất quý giá như hiện nay, chúng ta không nên sử dụng nước cho trò chơi giải trí”.

Ông nói thêm rằng độ mặn tăng cao ở vùng Vịnh rất nguy hiểm và sẽ đe dọa sự đa dạng sinh học, bởi nước tại nơi đây vốn đã quá mặn. Khoảng 70% các rạn san hô ở Vịnh Ba Tư đã biến mất, dẫn đến 21 loài cá phụ thuộc vào san hô có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2021, sự thay đổi trên khiến ngành du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá của khu vực này thiệt hại tổng cộng 94 tỷ USD mỗi năm. Phó Giáo sư al-Marzooqi cảnh báo: “Đây là rắc rối cực kỳ lớn”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang