|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank

11:11 | 09/09/2021
Chia sẻ
Mặc dù đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng VietinBank vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.
Những thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 1.

Tân Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình. (Ảnh: VietinBank).

Mới đây, ông Trần Minh Bình đã chính thức đảm nhiệm "ghế nóng" Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), sau hai tháng kể từ khi ông Lê Đức Thọ được điều chuyển công tác.

Dưới thời ông Thọ, VietinBank đã có những bước chuyển mình rõ rệt như gỡ được "nút thắt" về vốn, đẩy mạnh mảng bán lẻ, xử lý loạt nợ xấu, trái phiếu VAMC, giảm lãi dự thu,... Lợi nhuận của ngân hàng duy trì được đà tăng trưởng đều đặn và vươn lên Top 3 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới toàn bộ thành phần trong nền kinh tế, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn và những vấn đề còn tồn đọng sẽ là những thách thức đối với tân Chủ tịch Trần Minh Bình.

Nợ xấu vẫn ở mức tương đối cao

Theo báo cáo tài chính quý II/2021, nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh 52% lên 14.477 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,34%, đưa ngân hàng vào top 3 ngân hàng có nợ xấu nội bảng, cao nhất hệ thống. Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng lên mức 4.227 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, lên mức 12.293 tỷ đồng. 

Thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC VietinBank quý II/2021.

Theo VDSC, dựa trên khẩu vị thận trọng của VietinBank và với việc các khoản nợ xấu mới thuộc về một số tập đoàn lớn vốn sẽ phục hồi nhanh chóng và nếu loại trừ khoản nợ xấu này, tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng sẽ ở mức thấp, sự suy giảm chất lượng nợ trong quý II chỉ là tạm thời.

Nếu cân nhắc đến độ trễ của việc hình thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng có xu hướng tăng nhẹ vào năm 2022, tuy nhiên bộ đệm dự phòng sẽ giúp giảm bớt áp lực cho việc trích lập.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong 6 tháng đầu năm của VietinBank giảm từ 132% về 129%. Theo ông Lê Đức Thọ, tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm 1% - 1,2% đến cuối năm 2021 và tỷ lệ LLC sẽ phục hồi lên 180%. Đây có thể sẽ là một trong những nhiệm vụ chờ đón tân chủ tịch VietinBank trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho biết Thông tư 03 được sửa đổi để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng có thể làm tăng nợ tái cơ cấu. Việc ngân hàng trích lập sớm cho phần dự phòng bổ sung (hiện hơn 40% và dự kiến còn tăng trong nửa cuối năm 2021) sẽ giúp ích.

Thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 2.

Nguồn: VDSC, VietinBank.

Hạn chế về vốn là vấn đề lo ngại

Trong tháng 6, VietinBank đã được phép tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên theo VDSC, phương pháp tăng vốn này chỉ làm tăng vốn điều lệ mà không làm tăng vốn chủ sở hữu nên không tác động đáng kể đến hệ số an toàn vốn.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2020, ông Lê Đức Thọ (Chủ tịch ngân hàng khi đó) cho biết hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank nếu tính theo Thông tư 36 và các Thông tư sửa đổi bổ sung là 9,25%.

Do đó, ngân hàng đang đứng trước thách thức phải nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng các chuẩn mực Basel II tại Thông tư 41, song các biện pháp được thực hiện đã tới giới hạn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới việc mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn tối thiểu mà còn dẫn đến khả năng khó ứng phó với các rủi ro tài chính bất khả kháng.

Các chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank sẽ ở mức an toàn hơn trong giai đoạn 2023 - 2025 nhờ tốc độ mở rộng bảng cân đối chậm, hiệu quả ổn định, đòn bẩy giảm và chuyển dịch ngân hàng bán lẻ. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nền tảng vốn khả năng vẫn là trở ngại cho tăng trưởng bảng cân đối của VietinBank trong vài năm tới dù đã chuyển dịch cho vay bán lẻ và giữ lại vốn

Thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 2.

Hệ số LDR của VietinBank qua các năm. (Nguồn: VNDirect Research, VietinBank)

Báo cáo của VDSC cho rằng VietinBank vẫn còn có những khó khăn. Trong đó, ước tính rằng dư địa hạn chế trong việc cải thiện tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (hệ số LDR) đang gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong bối cảnh cơ sở huy động mở rộng tương đối chậm và mức trần tỉ lệ LDR sắp được áp vào cuối năm 2021.

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ LDR của VietinBank đạt 87%, gần chạm ngưỡng giới hạn 90% do NHNN đặt ra.

Chi phí huy động vốn cao, tỷ lệ CASA ở mức thấp 

Theo báo cáo của VNDirect, chi phí huy động vốn của VietinBank ở mức cao so với các ngân hàng khác trong hệ thống.

Cụ thể, cơ cấu tài sản sinh lãi của ngân hàng đang phần nào phản ánh tình trạng thanh khoản thấp. Các chuyên gia phân tích cho biết hoạt động cho vay khách hàng chiếm gần 75% tài sản sinh lãi,  trong khi đó tài sản có tính thanh khoản như hoạt động cho vay liên ngân hàng và danh mục đầu tư chỉ chiếm lần lượt 7,6% và 9% của tổng tài sản sinh lãi vào cuối năm 2020.

Những thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 5.

Chi phí vốn và CASA của VietinBank qua các năm. (Nguồn: VnDirect).

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng đạt 17,9% tính đến cuối tháng 6 năm 2021, thấp hơn so với trung bình các ngân hàng vừa và lớn là 20%. 

Việc thu hút được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao đóng vai trò quan trọng với ngân hàng nhờ tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Việc tỷ lệ CASA của VietinBank đang ở mức khá thấp có thể khiến việc cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng, bớt đi một phần lợi thế trong việc cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.

Trong khi đó, tỷ lệ CASA cao phản ánh giá trị mà mỗi ngân hàng tạo ra trong chiến lược ngân hàng bán lẻ. Đối mặt với cuộc đua khốc liệt trong lĩnh vực bán lẻ, việc cải thiện tỷ lệ CASA có thể là một trong những mục tiêu của VietinBank trong thời gian tới nếu muốn duy trì và mở rộng "miếng bánh" thị phần béo bở trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Theo VDSC, việc cạnh tranh về CASA giữa các ngân hàng sẽ lớn dần, đặc biệt là nhóm ngân hàng tư nhân. Vì thế, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư hiệu quả để có thể duy trì tỷ lệ CASA cao trong dài hạn. 

Ngân hàng nào sử dụng hạ tầng, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, cạnh tranh phí... sẽ thu hút được khách hàng

Cải thiện năng suất làm việc của nhân viên 

Thách thức chờ đón tân Chủ tịch VietinBank - Ảnh 5.

Top 10 ngân hàng có nhân viên hoạt động hiệu quả nhất. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp)

Tính đến tháng 6/2021, lợi nhuận trước thuế bình quân mỗi nhân viên VietinBank đem lại mới chỉ đứng thứ 7 trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, trung bình mỗi nhân viên đem lại nguồn lợi nhuận là 73,2 triệu đồng mỗi tháng, bị các ngân hàng tư nhân dẫn trước khá xa dù có mức tăng trưởng đáng kể là 41,8% so với cùng kì.

Điều này cho thấy ngân hàng cần nỗ lực hơn trong việc tối ưu hoá hoạt động của nguồn nhân lực ở giai đoạn mới, kéo gần khoảng cách thậm chí vượt qua các ngân hàng Top đầu.

Chia sẻ về kế hoạch trung hạn 2021 - 2023, VietinBank nhấn mạnh nguồn nhân sự sẽ là một trong những yếu tố đột phá của ngân hàng trong giai đoạn này.

Song song với đó, chuyển đổi số cũng là yếu tố then chốt trong thực thi thành công chiến lược. Ngân hàng đặt ra yêu cầu trong giai đoạn mới đối với các khối kinh doanh và các khối nghiệp vụ, khối hỗ trợ,… phải thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm tài nguyên, chi phí, tăng cường hiệu quả khai thác và mở rộng danh mục khách hàng.

Phương Nga