|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nhân tuổi Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam

15:34 | 20/02/2021
Chia sẻ
Tuổi Sửu đứng thứ hai trong 12 con giáp, mang hình tượng của một chú trâu. Người tuổi Sửu thường được biết đến với khả năng lãnh đạo và sự nhẫn nại đáng nể, họ chịu khó và bền bỉ theo đuổi mục tiêu. Chính với những điểm mạnh này, nhiều doanh nhân sinh năm Sửu đã và đang có nhiều thành công trên thương trường, khẳng định vị thế của bản thân và doanh nghiệp mà họ dẫn dắt.
Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long (sinh năm 1961, Tân Sửu) hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) - doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Long cũng thường xuyên góp mặt trong danh sách tỷ phủ của Tạp chí Forbes. Theo thống kê gần nhất của Forbes vào cuối tháng 10/2020, ông Long đang có tài sản ròng 1,5 tỷ USD, là người giàu thứ 1.787 trên thế giới và giàu thứ 4 Việt Nam.

Năm 2020 là đỉnh cao sự nghiệp của vị chủ tịch Hòa Phát này, khi tập đoàn liên tiếp thiết lập những kỷ lục trong sản xuất và kết quả kinh doanh. Cụ thể, năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức sản lượng 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng (HRC) với gần 700.000 tấn.

Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Lệ Khanh (sinh năm 1961) được mệnh danh là "nữ hoàng cá tra" của ngành thủy sản. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê An Giang, tuổi thơ bà Khanh gắn liền với sông nước.

Nữ doanh nhân này từng kinh qua vị trí Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang trước khi thành lập Vĩnh Hoàn và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến nay.

Năm 2020, bà Trương Thị Lệ Khanh là một trong hai đại diện của Việt Nam lọt Top25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.

Về doanh nghiệp, năm vừa qua diễn ra không mấy tích cực với Vĩnh Hoàn. Giá cá tra giảm mạnh trong năm cùng sản lượng bán hàng đi xuống khiến doanh thu năm 2020 của Vĩnh Hoàn đạt 7.037 tỷ đồng, giảm 10,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 705 tỷ đồng, giảm đến 40,3% so với năm 2019.

Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hùng Minh (sinh năm 1961) đã công tác tại CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) tại vị trí Kế toán trưởng kể từ những ngày đầu khi doanh nghiệp mới thành lập năm 1997.

Đến năm 2007, ông Minh được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thaco. Vào tháng 4/2013, ông Minh tiếp tục được giao nắm giữ ghế Tổng giám đốc công ty, phụ trách điều hành Thaco cùng Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương.

Kết thúc năm 2020, HAGL Agrico chính thức về tay Thaco thông qua công ty mẹ là Thagrico (Thadi cũ). Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của HAGL Agrico, lãnh đạo Thaco cho biết đã rót vào HAGL Agrico 40.000 tỷ đồng nên "không thể không làm".

Theo liệu thống kê được Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, việc nắm giữ các thương hiệu như Mazda, Kia, Peugeot và đa dạng chủng loại sản phẩm đã góp phần giúp Thaco tiếp tục dẫn đầu về doanh số bán hàng trong tháng 12 và cả năm 2020.

Cụ thể, trong tháng 12, Thaco bán ra 15.869 xe ô tô các loại, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 16% so với năm 2020. Tính chung cả năm, Thaco bán ra 100.727 xe, tăng 10% so với năm 2019.

Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Trần Kinh Doanh (sinh năm 1973) từng giữ nhiều vị trí then chốt trong khối Phát triển kinh doanh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) từ năm 2007. Ông Doanh là người trực tiếp hoàn thành nhiệm vụ đưa hệ thống thegioididong.com có mặt ở 63 tỉnh thành cả nước.

Tháng 4/2013, ông Doanh được bầu là Thành viên HĐQT của MWG. Năm 2016, ông được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT điều hành của CTCP Thương Mại Bách Hoá Xanh. Tháng 4/2019, ông Doanh chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của MWG.

Trong năm qua, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận mức doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp xấp xỉ 20% trong tổng doanh số của MWG.

Kết thúc năm 2020, MWG đạt 108.546 tỷ đồng doanh thu và 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chưa tháng nào ghi nhận lỗ.

Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 5.

Ông Tâm tham gia vào Ban điều hành Nam A Bank từ năm 2008 thông qua chức vụ Phó Tổng giám đốc. Tới tháng 3/2018, ông Tâm chính thức trở thành người đứng đầu Ban điều hành của nhà băng này, giữ vị trí Tổng giám đốc.

Năm 2020, tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của Nam A Bank đạt 3.194 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm trước. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 5% lên 1.631 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 71,4% với 1.564 tỷ đồng.

Những doanh nhân sinh năm Tân Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Vũ Minh Trí (sinh năm 1973) hiện đang là Phó Tổng giám đốc của VNG – đơn vị được mệnh danh là "kỳ lân" ngành công nghệ Việt Nam. VNG là chủ quản của ứng dụng Zalo và Zalo Pay. Ngoài ra, VNG được biết đến là công ty phát triển và nhập khẩu hàng loạt game online đình đám như Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunny, Khu vườn trên mây...

Trước khi tham gia Ban lãnh đạo của VNG (tháng 7/2018), ông Trí từng có 5 năm công tác với cương vị Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam. Ông Trí cũng từng kinh qua những vị trí lãnh đạo cao cấp, gồm Tổng Giám đốc Yahoo! Việt Nam; Tổng Giám đốc Sony Ericsson Việt Nam; Tổng Giám đốc Qualcomm phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan.

Những doanh nhân tuổi Sửu nổi bật trên thương trường Việt Nam - Ảnh 7.

Biến cố ập đến khi bà Thảo đệ đơn ly hôn với ông Vũ vào năm 2015. Cuộc ly hôn nghìn tỷ kéo dài 4 năm mới đi đến hồi kết từng tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông và thu hút chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, bỏ qua những tai tiếng từ cuộc hôn nhân với chồng cũ, bà Thảo là người có kinh nghiệm trực tiếp điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên từ năm 2006 đến năm 2014. Sau ly hôn, bà Thảo có trong tay khối tài sản "khủng" gồm bất động sản, tiền, vàng, ngoại tệ… với tổng giá trị khoảng 3.749 tỷ đồng.

Hiện, bà Diệp Thảo giữ vai trò Tổng Giám đốc Công ty Trung Nguyên International (TNI) và là người sáng lập ra thương hiệu King Coffee.