|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhóm doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu

16:58 | 29/08/2023
Chia sẻ
Tính từ cuối tháng 6 đến nay, có 13 đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản với giá trị phát hành gần 26.000 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa).

Thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 7 đến nay, có 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công bố huy động trái phiếu thành công.

Trong đó doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn nhất phải kể đến Công ty TNHH Capitaland Tower với 4 lô trái phiếu có tổng giá trị gần 12.240 tỷ đồng. Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng (đáo hạn vào cùng ngày 25/7/2028) và lãi suất thực tế 1% mỗi năm. Capitaland Tower là đơn vị phát triển dự án The Sun Tower (Landmark 60 Bason) tại khu đất 6.042 m2 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son.

Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Liên Lập (chủ đầu tư của dự án khu nhà ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP HCM) vừa thông báo huy động thành công gần 1.500 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 5 năm) trong ngày 18/8.

Chủ đầu tư Khu đô thị mới Trung Minh A là Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh huy động thành công hai lô trái phiếu với tổng giá trị 600 tỷ đồng trong tháng 7, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12,5%/năm.

CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) ngày 23/8 công bố hoàn tất phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng.

Trong danh sách còn có các doanh nghiệp chưa đại chúng lần đầu phát hành trái phiếu. Đơn cử như Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt cũng vừa công bố hoàn tất phát hành 4.100 tỷ đồng trái phiếu trong ngày 25/8 (đáo hạn vào ngày 25/11/2024).

Cũng trong ngày 25/8, CTCP Phú Thọ Land hoàn tất phát hành 1.900 tỷ đồng trái phiếu. Lãi suất phát hành của lô trái phiếu là 10,5%/năm, kỳ hạn trả lãi là 3 tháng/lần.

Ngày 21/8, Công ty TNHH Đầu tư Nhà ở xã hội Thuận Thành (chủ đầu tư dự án NOXH Thuận Thành tại Bắc Ninh) hoàn tất phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu (đáo hạn vào ngày 21/7/2028).

Ngày 30/6, CTCP Đầu tư Bất động sản TMT phát hành và hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 2.015 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 84 tháng, đáo hạn vào ngày 30/6/2030.

Cũng trong ngày 30/6, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Mỹ Khánh cũng vừa mới huy động thành công 2.245 tỷ đồng từ trái phiếu.

Như vậy, tính từ ngày 30/6 đến ngày 29/8, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 26.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Doanh nghiệp đang cần "phao cứu sinh"

Trên thực tế, các chủ đầu tư địa ốc đang chịu nhiều áp lực về dòng tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn. So với việc hoạt động phát hành thì hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ có phần sôi động hơn.

Theo tổng hợp của nhóm phân tích Chứng khoán VnDirect, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 8/2023. Tính đến ngày 23/8 đã có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng.

(Nguồn: HNX, VNDirect).

Trong khi đó, tính đến ngày 24/08/2023 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

(Nguồn: HNX, VNDirect).

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong tình thế thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu hiện nay dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị tắc các nguồn vốn khác như bị tắc nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng thì việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Do đó, việc NHNN ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN là tin mừng rất lớn, rất phấn khởi đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng thuộc các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng.

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, HoRE mới đây đã đề nghị NHNN tiếp tục với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định.

Theo đó, Hiệp hội này đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng.

Bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa (1/10/2023), tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. Tức lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1/10/2024.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cho phép mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, HoREA đề nghị NHNN tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập tại Thông tư số 06.

Nguyên nhân là bởi Thông tư 10 của NHNN chỉ mới ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này, chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.

Hà Lê

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.