|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Trung Quốc phản ứng thế nào trước luật livestream

17:37 | 19/06/2024
Chia sẻ
Việc công nhận livestream là một nghề chính thức giúp nhà chức trách Trung Quốc đưa những người hoạt động trong lĩnh vực này vào vòng pháp luật.

4 tiếng mỗi ngày, Qian Yongjing đứng trước camera tại văn phòng ở Thâm Quyến, cô nói với những người xem livestream về những cách đạt được thành công trong môi trường công sở thông qua giao tiếp và trí thông minh cảm xúc.

Nữ livestreamer 40 tuổi này phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Douyin (TikTok), Kuaishou và Xiaohongshu. Những nền tảng này giúp cô có hơn 5 triệu người theo dõi và con số này vẫn đang tăng lên. Mặc dù không tiết lộ thu nhập chính xác, Qian cho biết thu nhập hàng tháng của mình lên đến 6 chữ số nhân dân tệ.

Một phiên livestream của Qian Yongjing. (Ảnh:Qian Yongjing/CNA).

Đây là một thực tế tương đối mới đối với cô. Giống như nhiều người khác, Qian có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy về giao tiếp nơi công sở đã buộc phải chuyển hướng sang kinh doanh online khi đại dịch COVID-19 ập đến vào năm 2020.

Nhóm của cô tại Homeland - một công ty sáng tạo nội dung có trụ sở ở Thâm Quyến, do cô thành lập vào năm 2015, đã trải qua nhiều lần thử nghiệm và sai sót trong hai năm đầu chuyển đổi. Họ cần thành thạo việc sử dụng nền tảng trực tuyến để tiến hành bài giảng và phân tích nhu cầu của thị trường online.

"Chúng tôi đã rất khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua được. Chúng tôi tin rằng lĩnh vực này (livestream) không chỉ quan trọng trong thời kỳ đại dịch, mà điều đó đã được chứng minh", cô Qian nói với CNA.

Theo Hiệp hội Dịch vụ phát sóng Trung Quốc, có hơn 15 triệu người livestream ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Mặc dù vậy, nghề này vẫn chưa được công nhận chính thức, điều đó có nghĩa là những người làm việc trong lĩnh vực đó không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của chính phủ trong các khía cạnh như đào tạo và phát triển.

Nhưng điều này có thể sớm thay đổi khi Trung Quốc đang tìm cách chính thức công nhận nghề livestream cùng với hàng loạt các nghề nghiệp khác. Động thái này diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực củng cố thị trường việc làm trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp của người trẻ gia tăng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước hàng loạt thách thức trong và ngoài nước.

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã công bố danh sách 19 nghề dự kiến sẽ được công nhận. Danh sách này được mở để lấy ý kiến người dân cho đến hết ngày 7/6, sau đó được sửa đổi trước khi ban hành.

Các vai trò như người dẫn livestream, người vận hành hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhân viên kiểm thử xe thông minh và nhân viên bảo trì hệ thống sản xuất thông minh đã lọt vào danh sách rút gọn.

Việc đưa người dẫn livestream vào danh sách đã thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ người dân. Trong khi một số người bày tỏ sự hoài nghi, thì hầu hết các bình luận đều tích cực. Một cuộc thăm dò không chính thức của Sina News trên Weibo cho thấy 57% trong số 1.756 người được hỏi cho rằng livestream là một nghề béo bở.

Một bình luận khác nhận xét: "Có rất nhiều người livestream ngoài kia. Bất kể nội dung họ làm là gì, đây là một bước tiến tất yếu”. Những người khác lại thảo luận về tác động tiềm ẩn. "Ngoài việc mua thiết bị livestream, giờ bạn còn phải nộp thuế", một người dùng viết.

Cơ quan hữu quan định nghĩa người dẫn livestream là người tham gia phát sóng trực tiếp hoặc dịch vụ tương tác thông qua các phương tiện như âm thanh, video và đồ họa. Ngoài ra còn có 7 lĩnh vực công việc được liệt kê, bao gồm viết kịch bản nội dung livestream.

Năm nay, 11,7 triệu sinh viên Trung Quốc dự kiến tốt nghiệp sẽ tham gia lực lượng lao động. Livestream được biết đến là một trong những công việc có rào cản gia nhập thấp hơn so với các ngành nghề khác.

Cư dân mạng Trung Quốc thường nói vui rằng sinh viên nữ sẽ làm người bán hàng livestream và nam giới sẽ làm người giao đồ ăn: ”Những người bán hàng livestream đặt đồ ăn giao tận nơi khi đói và những người giao đồ ăn xem livestream khi mệt mỏi, tạo thành một vòng tròn khép kín hoàn hảo”.

Áp lực việc làm với người trẻ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Một nghề nghiệp khi được công nhận chính thức sẽ mang lại một số lợi ích cho cả những người hiện đang làm việc trong lĩnh vực đó, cũng như những người đang tìm kiếm việc làm liên quan. Giáo sư Lưu Nhị Đoàn, chuyên gia lao động thuộc Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc (CIER), cho rằng danh sách này giúp mọi người có thông tin khi tìm kiếm việc làm mới, vì họ có thể tham khảo những nghề nào vừa xuất hiện hoặc đã bị loại bỏ. Ngoài ra còn có một lý do thực tế hơn, đó là ”khi nghề nghiệp được công nhận hợp pháp, nhà chức trách sẽ có thể theo dõi việc thu thuế chặt chẽ hơn", ông nói.

Theo ông, nhìn từ góc độ rộng hơn, điều này thậm chí có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp. "Trước đây, những người này có thể tuyên bố mình thất nghiệp, nhưng giờ đây họ không thể làm như vậy nữa khi nghề nghiệp của họ được chính thức hóa. Họ không còn nằm trong vùng xám”.

Qian, người bán hàng livestream tại Thâm Quyến, tin rằng động thái này có thể cải thiện chất lượng tổng thể của những người dẫn livestream vì họ sẽ phải tuân theo các quy định và yêu cầu chặt chẽ hơn. "Một số người dẫn không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị loại bỏ mặc dù internet tự nó đã là một bộ lọc tự nhiên", cô nhận xét.

Chen - một người dẫn livestream khác, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. "Ngành này sẽ được hợp thức hóa hơn vì nội dung định hướng giá trị tiêu cực như khoe của sẽ bị loại bỏ bởi nhà chức trách", cô gái 30 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, nói.

Cô nói thêm rằng cha mẹ khó có thể kiểm soát những gì con cái họ xem trên internet. "Hy vọng là  khi có những người livetream tử tế, các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy an toàn hơn khi cho con xem video livestream”.

Anh Lư Hạo Nhiên, 29 tuổi, một nhà quay phim tự do ở Trung Quốc, chỉ ra rằng những người bán hàng livestream cũng có thể được hưởng lợi về tài chính. "Điều này giúp họ thu hút các nhà quảng cáo", anh nói.

Tuy nhiên, anh ấy cho rằng định nghĩa mô tả công việc này còn hạn chế. "Chúng tôi thường sử dụng thuật ngữ ‘người bán hàng livestream' để mô tả những người bán sản phẩm thông qua livestream. Nó không bao gồm các công việc như blogger du lịch hoặc ẩm thực”.

Anh Lư đăng các video du lịch lên Douyin và Xiaohongshu vào thời gian rảnh rỗi. Anh có hơn 700.000 người theo dõi và từng xuất hiện trong chương trình của đài truyền hình quốc gia CCTV.

Thách thức thứ hai là về thu nhập. Mặc dù livestreamer có thể kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo, nhưng thu nhập này không ổn định. Anh Lư Hạo Nhiên chia sẻ rằng công việc quay phim tự do của anh mang lại thu nhập hàng năm lên tới 500.000 nhân dân tệ (khoảng 69.000 USD), trong khi thu nhập từ quảng cáo trên mạng xã hội chỉ khoảng 7.000 đến 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Ngoài ra, nghề influencer (người ảnh hưởng) - một nghề có nhiều hoạt động giống với livestreamer - hiện không nằm trong danh sách các nghề được công nhận chính thức.

Đức Huy