Người dân có đang thắt chặt chi tiêu nhìn từ doanh số bán nhà, bán đất, bán ô tô?
"Khách đến ăn đêm vắng lắm, nói chung năm nay làm ăn khó khăn hơn mấy năm trước", chị Ngà, chủ quán ăn đêm ở khu vực phố cổ Hà Nội nói.
Chia sẻ trên của một tiểu thương nhỏ ở Hà Nội tất nhiên không đại diện cho số đông, cũng có thể chỉ là phán đoán mang tính cá nhân.
Vậy còn số liệu đang cho thấy những gì? Cầu tiêu dùng liệu có đang suy yếu, người dân có hay không tâm lý thắt chặt chi tiêu do lo ngại suy thoái toàn cầu? Doanh số bán ô tô, xe máy; lượng tiêu thụ căn hộ, nhà phố; kế hoạch sắp tới của một số ông lớn bán lẻ cho thấy phần nào bức tranh hiện tại.
Doanh số bán hàng ô tô giảm gần mạnh nhất trong vòng 9 năm
Theo cáo bán hàng quý I/2023 của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2023 giảm 22% so với cùng kỳ. Xe ô tô du lịch giảm 26%; xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 48% so với quý I/2022.
VAMA cũng cho biết doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 34% trong quý I đầu năm, trong khi xe nhập khẩu giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy tính từ 2015, doanh số bán hàng ô tô quý I lần thứ hai giảm mạnh. Mức giảm sâu nhất được ghi nhận vào quý I/2020 (thời điểm bắt đầu dịch COVID-19), với mức giảm hơn 33%.
Về doanh số bán xe máy, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết doanh số bán hàng quý I/2023 là hơn 634.600 xe, giảm 15,78% so với quý I/2022. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong quý I kể từ 2018 đến nay.
Lượng tiêu thụ bất động sản mọi phân khúc đều giảm
Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý I/2023 của DKRA, nguồn cung mới phân khúc căn hộ là 1.378 căn, giảm 59% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ là 864 căn, giảm 66% so với quý I/2022.
Trước đó trong quý I/2022, tỷ lệ tiêu thụ phân khúc này đạt xấp xỉ 76% nguồn cung mở bán mới với khoảng 2.596 căn. Trong quý I/2021, lượng tiêu thụ là 4.416 căn.
DKRA nhận định sức cầu chung toàn thị trường sụt giảm đáng kể so với cuối năm 2022, tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động phổ biến từ 19% - 38% giỏ hàng mở bán.
Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, nguồn cung mới trong quý I đạt 375 căn, giảm 39% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ đạt 54 căn, giảm 87% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ở phân khúc đất nền, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ lần lượt giảm 79% và 94% so với quý I/2022.
Tinh hình cũng kém khả quan ở khu vực Đà Nẵng và vùng phụ cận, báo cáo của DKRA cho biết lượng tiêu thụ phân khúc căn hộ trong quý I giảm 33%, lượng tiêu thụ phân khúc nhà phố/ biệt thự giảm 86%.
Nguồn cung mới và lượng tiêu thụ phân khúc đất nền lần lượt giảm 92% và 98% so với quý I/2022.
Cầu tiêu dùng có đang suy yếu?
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu trong nước suy giảm thể hiện qua chỉ số PMI cũng tương ứng với tốc độ tăng trưởng đang giảm dần của doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ.
Trong tháng 4/2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 13,4% trong tháng trước. Trong đó, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ lần lượt tăng 9,7% và 18,8% so với cùng kỳ.
4 tháng đầu năm, lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), thấp hơn mức tăng 10,3% trong quý I/2023.
Trong lĩnh vực bán lẻ, doanh thu bán lẻ thực phẩm vẫn duy trì được mức tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng may mặc, gia dụng phương tiện đi lại tăng khá thấp, riêng văn hoá, giáo dục tăng trưởng âm 1,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch tăng lần lượt 25,8% và 109,4% so với cùng kỳ. Lĩnh vực du lịch đang phục hồi dần đều, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng 2023 gấp 19,2 lần cùng kỳ nhưng chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng khách du lịch từ Trung Quốc cải thiện dần qua các tháng nhưng chỉ bằng 14,8% lượng khách cùng kỳ năm 2019.
Với góc nhìn lạc quan hơn, chia sẻ trên kênh Tài chính và Kinh doanh ngày 9/5, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng tiêu dùng trong nước có bị ảnh hưởng tuy nhiên không phải quá tiêu cực.
"Tiêu dùng trong nước không suy giảm quá mạnh, người dân vẫn chi tiêu, tiền trong nền kinh tế vẫn có. Cầu yếu là do tâm lý người tiêu dùng, còn hành vi chi tiêu thì không yếu", ông nói.
Quan điểm cầu yếu do tâm lý cũng từng được GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề cập đến tại họp báo Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 tổ chức cuối tháng 4 vừa qua.
"Thị trường bất động sản lao dốc kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có sự sụt giảm rất lớn về nhu cầu tiêu dùng. Có thể người dân chưa hết tiền tích lũy, cũng không phải đã không còn khả năng chi tiêu nhưng vì sự sụt giảm trong thị trường bất động sản dẫn đến xu hướng hạn chế tiêu dùng. Niềm tin, dự định về nguồn thu trong tương lai của người dân bị sụt giảm", GS.TS Phạm Hồng Chương nói.
Trong khi đó, ông Phan Lê Thành Long, sáng lập và CEO của AFA Group cho rằng khi nói đến tiêu dùng trong nước, điều cần quan tâm là các loại hàng hóa dịch vụ khác nhau sẽ cho số liệu khác nhau.
Yếu tố quan trọng giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không quá tệ đến từ câu chuyện Trung Quốc mở cửa và du lịch hưởng lợi nhờ thu hút khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Long cũng đề cập đến tình trạng một số ngành không thiết yếu như tiêu dùng hàng hóa như thiết bị điện tử, điện thoại, ti vi, tủ lạnh ghi nhận sụt giảm rất lớn. Về câu chuyện tiêu dùng trong nước, theo ông, phải phân tích từng khía cạnh nhỏ và xem vấn đề lớn nằm ở đâu.
Về phía doanh nghiệp bán lẻ, những thông tin từ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của hai ông lớn là Thế Giới Di Động và FPT Retail cho thấy một năm nhiều khó khăn do sức mua sụt giảm.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp.
Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung - cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.
Kết quả là, doanh thu quý I/2023 của Thế Giới Di Động rơi về mức thấp nhất 6 quý và ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm (doanh thu thuần đạt 26.990 tỷ đồng và giảm 26% so với cùng kỳ).
Trong khi đó Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn một nửa, còn 240 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh về sức mua của chuỗi FPTShop.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức hôm 14/4, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FRT nhận định năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh; chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy giảm.
Do đó, FRT dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục. Dự kiến tới quý III/2023, tình hình mới khả quan hơn.
Đối với các mặt hàng dược phẩm, mặc dù những mặt hàng thiết yếu nhưng dự báo cũng bị ảnh hưởng do xu hướng khách hàng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
Nhận định chung về khu vực tiêu dùng thời gian tới, trong báo cáo mới công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tăng trưởng doanh thu bán lẻ sẽ yếu đi do mức so sánh cao trong những tháng tới. Chuyên gia tại đây cũng cảnh báo người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do thị trường lao động suy yếu, chi phí vay cao và chi phí sinh hoạt tăng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/