Ngành công nghệ đi qua vùng nhiễu động
Năm 2023, giấc mơ về một thế giới ảo của Mark Zuckerberg đã vụt tắt thay vào đó là những hào hứng và cả những nghi ngại khi trí tuệ nhân tạo thổi bùng cơn sốt toàn cầu.
Tỷ phú công nghệ Elon Musk có một năm đáng quên với những thất bại ở các công ty điều hành bởi những tham vọng quá lớn thì sự ra đi của những kỳ lân một thời như WeWork đã gióng lên hồi chuông về giá trị thật của các startup. Hết thời “đốt tiền”, những startup như Grab, Sea,… giờ đây phải bắt đầu giải bài toán lợi nhuận khi nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn.
Sự xuất hiện của TikTok Shop với tính năng livestream, mua sắm kết hợp giải trí của Bytedance đã phả hơi nóng vào những sàn thương mại điện tử truyền thống.
Bùng nổ cơn sốt AI
Trí tuệ nhân tạo không phải là sự kiện bắt đầu trong năm 2023 nhưng lại là xu hướng chủ đạo chi phối toàn bộ ngành công nghệ trong năm.
Vào ngày 30/11/2022, OpenAI đã công bố bản demo ban đầu tiên của ChatGPT dưới dạng thức một mô hình hội thoại, tương tác. ChatGPT nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử khi cán mốc 100 triệu người dùng vào tháng 1/2023.
Không chỉ với công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã trở thành làn sóng trong các doanh nghiệp trên toàn cầu. Từ Microsoft tới Alphabet, Meta, Apple,… đã rót hàng tỷ USD cho cuộc đua AI.
Lạ thường, công ty được hưởng lợi nhiều nhất trong xu hướng này lại là một doanh nghiệp sản xuất phần cứng: Nvidia.
Trong năm 2023, phiếu Nvidia đã bùng nổ khi chứng kiến nhu cầu về GPU chưa bao giờ lớn đến vậy. Những con chip do Nvidia sản xuẩt cung cấp “nguồn sống” cho các mô hình trí tuệ nhân tạo.
Vai trò trung tâm của Nvidia trong nền kinh tế AI là lý do khiến giá trị công ty tăng gấp 3 lần, đạt mốc hơn 1.000 tỷ USD và đánh bại mọi công ty khác trong S&P 500 trong năm nay.
Mặc dù thế giới say sưa với những điều tuyệt vời mà thứ công nghệ mới mẻ này tạo ra, nhưng số khác thì không cho là vậy. Những tâm lý nghi ngại đã bắt đầu xuất hiện trong bộ óc các nhà khoa học khi AI ngày càng trở nên thông minh hơn.
Tháng 1/2023, Hội nghị quốc tế về máy học - một trong những diễn đàn AI hàng đầu, đã ra lệnh cấm ChatGPT. Tới tháng 4, một bức thư ngỏ gây tranh cãi kêu gọi “tạm dừng” phát triển trí tuệ nhân tạo, được ký bởi những người có tầm ảnh hưởng như Elon Musk, Steve Wozniak và hàng nghìn người khác.
Và rồi ngày 17/11, OpenAI đã sa thải CEO kiêm coFounder Sam Altman trước những lo ngại về vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo và quá trình thương mại hoá sản phẩm này quá nhanh.
Tờ WSJ đánh giá những diễn biến kể trên là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành công nghệ. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc trí tuệ nhân tạo mà đại diện là ChatGPT trở thành xu hướng chủ đạo đã thay đổi thế giới trong năm qua, và tiếp theo là năm 2024.
Giấc mơ Metaverse vỡ vụn
Metaverse (vũ trụ ảo) - công nghệ nổi tiếng một thời hứa hẹn cho phép con người chu du trong thế giới ảo, đã mất phương hướng sau khi bị giới kinh doanh bỏ rơi. Trào lưu này kéo dài 3 năm. Đi đầu trào lưu là người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, khi tỷ phú này đổi tên công ty của mình thành Meta.
Sau màn ra mắt gây được nhiều tiếng vang, Metaverse đã trở thành nổi ám ảnh của giới công nghệ và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thu hút các nhà đầu tư Phố Wall.
Viễn cảnh tươi đẹp của vũ trụ ảo không thể cứu được Metaverse và việc thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm sau cùng đã dẫn đến sự suy tàn của nó. Metaverse “hấp hối” khi nền kinh tế bước vào suy thoái và xu hướng AI sáng tạo nổi lên.
Bắt đầu từ tháng 1, lần lượt Microsoft, Disney, Walmart,… đóng cửa không gian làm việc ảo cũng như kết thúc các dự án nghiên cứu Metaverse. Hàng tỷ đô la được đầu tư và sự phóng đại đến nghẹt thở xung quanh một khái niệm nửa vời đã dẫn đến hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn người mất việc làm.
Metaverse đã chính thức kết thúc vòng đời khi Zuckerberg và Meta - công ty khởi xướng xu hướng này, chuyển sang lãnh địa nhiều tiềm năng hơn với thông báo: “Khoản đầu tư lớn nhất duy nhất của Meta là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm” của họ.
Metaverse đang trên đường đến “nghĩa địa của những ý tưởng thất bại trong ngành công nghệ” - cách dùng từ của tờ Insider.
Việc làm ngành công nghệ chìm trong bóng tối
Đầu năm nay, làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt đã được chính những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thúc đẩy, bao gồm Google, Amazon, Microsoft, Yahoo, Meta và Zoom.
Theo Layoffs.fyi, tổng số nhân sự bị sa thải trong năm 2023 tính đến hết tháng 11 là 224.503 người - con số lớn hơn cả năm 2020 và 2021 cộng lại.
Amazon là công ty sa thải lớn nhất, sau đó là Meta, Google và Microsoft.
Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo trước những lo ngại về suy thoái kinh tế, điều này dường như là lý do để lạc quan, “an ủi” cho các quyết định sa thải nhân sự.
Động lực phục hồi của lĩnh vực công nghệ diễn ra chậm, dẫn đến các công ty công nghệ tiếp tục cắt giảm lực lượng lao động của họ và chuyển từ tư duy tăng trưởng sang tư duy dựa trên hiệu quả trong điều kiện thị trường khó khăn.
Năm đáng quên của Elon Musk
Tờ WSJ viết rằng ở một khía cạnh nào đó, đây là những ngày tháng đặc biệt khó khăn của Elon Musk. Vị tỷ phú nắm trong tay một loạt các doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu xu hướng như Tesla, SpaceX,… đã có một năm đáng thất vọng.
Đầu tiên phải kể đến số liệu "bết bát" của mạng xã hội Twitter sau một năm về tay Elon Musk. Sau khi mua lại với giá 44 tỷ USD năm 2022, tháng 7/2023, Musk đổi biểu tượng chim xanh của Twitter thành chữ “X”. Diện mạo mới cùng một số thay đổi đã thổi làn gió ngược vào nền tảng với sự sụt giảm rõ rệt về lượng người dùng, doanh thu, nhân sự, và kèm theo đó là lượng tin giả gia tăng.
Đây cũng là năm đầu tiên X là chuyển từ quảng cáo sang dịch vụ trả phí. Tuy nhiên, số tiền từ dịch vụ đăng ký trả phí không thấm vào đâu so với 4,5 tỷ USD doanh thu quảng cáo cả năm mà Twitter từng kiếm được trước khi được tiếp quản bởi Elon Musk.
Theo Sensor Tower, 5 nhà quảng cáo hàng đầu đã giảm 67% chi tiêu cho quảng cáo trên X so với thời điểm trước khi Elon Musk điều hành. Thậm chí một số công ty quảng cáo lớn cho biết họ không có ý định chi tiền cho X.
Theo Fidelity, công ty nắm giữ cổ phần tại X, cho biết vào tháng 5 rằng định giá cổ phần của họ chỉ còn bằng 1/3 mức giá khi Musk chốt thương vụ mua lại.
Về phía “con cưng” Tesla, theo đuổi cuộc chiến giá với các đối thủ trung Quốc đã ăn mòn lợi nhuận hãng xe điện này. Kết quả kinh doanh quý III của Tesla đều thấp hơn so với ước tính của giới phân tích.
Chuyên gia phân tích tài chính Kevin Paffrath tiết lộ với Yahoo Finance mô tả cuộc họp báo cáo thu nhập của Tesla trong quý III là kinh khủng. Elon Musk đã hành động “như một đứa trẻ” và nói rằng Musk có thời điểm “suýt bật khóc” khi nói về tình hình công ty.
Nhà đầu tư hết kiên nhẫn với startup công nghệ
Ngày 6/11, kỳ lân WeWork chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ở thời kỳ đỉnh cao - năm 2019, công ty trị giá khoảng 47 tỷ USD nhưng tại thời điểm phá sản, cổ phiếu WeWork đã giảm hơn 98% kể từ đầu năm, đưa định giá xuống dưới 45 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 cùng nhiều tác động khác như cú đấm trực diện vào WeWork khiến mô hình kinh doanh của họ gần như bế tắc hoàn toàn. Dẫu vậy, WeWork vẫn tiếp tục mở rộng quy mô mà phớt lờ đi những cảnh báo tài chính khi lỗ ròng tới 4,2 tỷ USD kể từ năm 2016 và mỗi quý startup này đốt hơn 700 triệu USD.
Cái kết của WeWork là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các nhà đầu tư thường dễ tin theo ý tưởng bay bổng của các nhà sáng lập mà quên đi giá trị thật sự của startup. Trước sự thất bại của các startup đình đám như vậy các nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn với giai đoạn “đốt tiền”, buộc các công ty khởi nghiệp phải tìm kiếm lợi nhuận.
Đầu năm nay, để thuyết phục về khả năng sinh lời của mình, Sea - công ty internet lớn nhất Đông Nam Á, gần như đã ngừng mở rộng tất cả các mảng kinh doanh, rút khỏi các thị trường không hiệu quả, cắt giảm hàng nghìn việc làm, đóng băng tiền lương,… Tất cả những điều này đã giúp công ty mẹ Shopee lần đầu tiên có lãi trong quý I/2023.
Hay như kỳ lân GoTo cũng bước vào hành trình tìm kiếm lợi nhuận để trấn an các nhà đầu tư sau giai đoạn “đốt tiền”. Thậm chí, GoTo sẵn sàng “cắt máu” lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử Tokopedia cho TikTok để giảm gánh nặng chi phí.
Tất cả đều hướng tới mục tiêu có lãi cho mảng kinh doanh chủ lực là gọi xe công nghệ. “Chúng tôi tiếp tục hướng tới mục tiêu có lãi với việc đưa mảng gọi xe đạt EBITDA điều chỉnh dương”, ông Jacky Lo, Giám đốc tài chính của GoTo nhấn mạnh.
Thế lực mới của thương mại điện tử
Trong năm 2023, thương mại điện tử đã dịch chuyển từ xu hướng truyền thống sang các nền tảng mới nổi. Những cái tên như Temu, Shein hay TikTok Shop đang dần trở nên nổi tiếng bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Bằng việc biến nền tảng trở thành một siêu thị khổng lồ, nơi người bán chỉ cần cung cấp hàng hoá và việc bán hàng sẽ được nền tảng lo liệu đã khiến Temu hay Shein trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất. Trong khi đó giá rẻ là chiến lược để các nền tảng này thu hút người dùng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Với TikTok Shop, đơn vị này đã vươn lên trở thành thế lực đáng gờm trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Momentum Works cho biết doanh số bán hàng của TikTok Shop trong khu vực đang trên đà tăng từ 4,4 tỷ USD vào năm ngoái lên mục tiêu 15 tỷ USD vào năm nay.
Thành công của TikTok Shop đến từ việc tập trung vào mô hình kết hợp giữa nhu cầu giải trí và mua sắm bằng thuật ngữ “shoppertainment”. Shoppertainment đánh vào tính giải trí, khả năng quyết định mua hàng bằng cảm xúc của người dùng thông qua các video ngắn được phát trên TikTok. Nói cách khác, sáng tạo nội dung đóng vai trò chính trong việc khiến người xem quyết định chọn mua sản phẩm.