|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một đại gia giao đồ ăn của Đức vừa chân ướt chân ráo vào Nhật Bản đã vội rút quân vì thị trường châu Á quá cạnh tranh

09:01 | 28/12/2021
Chia sẻ
Khắp Châu Á, thị trường giao đồ ăn rất khắc nghiệt với nhiều đối thủ cạnh tranh và dần trở thành mảng kinh doanh có biên lợi nhuận thấp.
Một đại gia giao đồ ăn của Đức vừa chân ướt chân ráo vào Nhật Bản đã vội rút quân vì thị trường châu Á quá cạnh tranh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Nikkei.

Ông lớn giao đồ ăn Đức sớm bỏ cuộc tại Nhật Bản

Chưa đầy một năm sau khi gia nhập thị trường Nhật Bản, "ông lớn" giao đồ ăn Đức Delivery Hero, nổi tiếng với thương hiệu Foodpanda tại Châu Á, tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường này. Lý do Delivery Hero đưa ra là cạnh tranh khốc liệt và thiếu tài xế, theo Nikkei.

Động thái của Delivery Hero cho thấy những thách thức cho các công ty giao đồ ăn tại Nhật Bản và thị trường Châu Á nói chung. 

Mặc dù thị trường giao đồ ăn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, các công ty giao đồ ăn đang buộc phải tính toán lại các chiến lược tăng trưởng của mình. Các nhà phân tích kỳ vọng hoạt động thâu tóm, sáp nhập, co gọn lại của ngành này sẽ diễn ra trong vài năm tới.

Delivery Hero gia nhập thị trường Nhật Bản với thương hiệu Foodpanda vào tháng 9/2020. Đón đầu nhu cầu giao đồ ăn gia tăng do đại dịch COVID-19, Delivery Hero kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ trở thành một thị trường quan trọng và đổ nhiều đầu tư vào thị trường Nhật Bản.

Jakob Angele, CEO Foodpanda, người lãnh đạo vận hành thị trường Châu Á – Thái Bình Dương từ trụ sở Singapore, đã ở Nhật Bản trong 3 tháng từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 để xây dựng mô hình kinh doanh ở thị trường này.

Với kinh nghiệm thành công ở nhiều quốc gia, từ Singapore đến Bangladesh, Foodpanda tự tin với việc tiến vào thị trường Nhật Bản. Foodpanda bắt đầu từ các thành phố lớn như Kobe, Yokohama và Nagoya, với mục tiêu mở rộng dịch vụ giao hàng nhanh ra ngoài cả lĩnh vực đồ ăn. Thế nhưng, là một công ty đến thị trường muộn, Foodpanda gặp cạnh tranh khốc liệt ở Nhật Bản.

Sự thống trị của doanh nghiệp đến sớm

Hiện tại, dẫn đầu thị trường Nhật Bản là 2 công ty: Uber Technologies và Demae-can (một công ty địa phương do Line đầu tư). Theo người phát ngôn Uber, dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats hiện đang có khoảng 130.000 nhà hàng trên nền tảng tại Nhật Bản. 

Trong khi đó, Demae-can có khoảng trên 100.000 cửa hàng. Cả hai dịch vụ này đều đang đẩy mạnh đầu tư để có thêm người dùng. Demae-can ghi nhận lỗ ròng 20,6 tỷ yên (180 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.

Foodpanda không công bố số lượng nhà hàng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện diện của nó rõ ràng yếu hơn so với 2 đối thủ nói trên. Trong số 3.600 người tham gia một khảo sát cho ICT Research thực hiện hồi tháng 2, 428 người cho biết đang dùng Demae-con trong khi đó 426 người dùng Uber. Chỉ 34 người sử dụng Foodpanda.

Bên cạnh đó, nhu cầu do COVID-19 thúc đẩy cũng thu hút thêm nhiều "tay chơi" khác. Đối thủ của Uber tại Mỹ DoorDash vào Nhật Bản hồi tháng 6. DoorDash bắt đầu mở rộng sau khi dành 8 tỷ USD để mua Wolt (Phần Lan), một dịch vụ đã hoạt động tại Nhật Bản từ tháng 3/2020. Năm ngoái, Didi Chuxing, một công ty gọi xe Trung Quốc, cũng ra mắt dịch vụ giao đồ ăn ở Osaka và đang tiếp tục mở rộng.

"Kể từ khi ra mắt dịch vụ, bức tranh thị trường Nhật Bản đã thay đổi mạnh", một người đại diện của Foodpanda tại Singapore, nói với Nikkei.

Một thị trường cạnh tranh gay gắt

Việc Foodpanda rút khỏi thị trường phần lớn thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thị trường Nhật Bản nơi các công ty đối mặt với nhiều khó khăn trong cả việc có thêm người dùng và nhân viên giao đồ. Dù vậy, tình hình tương tự cũng đang ghi nhận ở các thị trường Châu Á khác, nơi chi phí marketing và chi phí thu hút khách hàng, tài xế đang cản đà lợi nhuận.

Ví dụ, ở Singapore, Foodpanda, Deliveroo (Ảnh) và Grab đang cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, thị trường Indonesia lại chủ yếu là cuộc đấu giữa các công ty Đông Nam Á. Tại đây, Gojek và Grab đang là những "tay chơi" lớn nhất, trong khi đó, Shopee cũng đang nhanh chóng mở rộng.

Trước khi Foodpanda tuyên bố rời thị trường Nhật Bản, hoạt động sáp nhập, co gọn ở mảng giao đồ ăn trong khu vực thực tế đã diễn ra.

Hồi tháng 7, Gojek bán phần lớn hoạt động kinh doanh của mình tại Thái Lan, gồm cả mảng giao đồ ăn, cho AirAsia. Gojek chỉ có 7% thị phần thị trường giao đồ ăn ở Thái Lan trong năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với Grab (50%), Foodpanda (23%) và Line (20%), theo Momentum Works.

Thị trường giao đồ ăn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở nhiều thị trường. Tôgnr giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) mảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á được dự đoán tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2025, từ con số 12 tỷ USD của năm 2021, theo một báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co.

Dù vậy, Foodpanda cho thấy không phải ai cũng được hưởng lợi từ đợt tăng trưởng này. "Giao đồ ăn sẽ trở thành một mảng kinh doanh có biên lợi nhuận mỏng, cần đến lưu lượng khổng lồ để có được lợi nhuận", ông Jianggan Li, CEO Momentum Works, nói với Nikkei Asia.

Thay đổi môi trường điều hành, quản lý cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Điều này đòi hỏi các công ty phải tính toán lại mô hình tăng trưởng. Hồi tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ quan ngại về mức thu nhập thấp của các nhân viên giao đồ và kêu gọi mức độ bảo hộ cao hơn.

Khi cạnh tranh nóng lên, nhiều công ty bắt đầu mở rộng ra mảng giao đồ tươi sống và nhiều dịch vụ giao đồ, theo yêu cầu khác.

Sau khi rời Nhật Bản, Foodpanda cho biết sẽ mở rộng mô hình giao đồ tươi sống "thương mại nhanh" ở các thị trường khác. Grab cũng đang mở rộng dịch vụ giao đồ tươi sống GrabMart. Gần đây, Grab thâu tóm một chuỗi siêu thị ở Malaysia để đẩy mạnh hoạt động này.

"Cạnh tranh vẫn khốc liệt", ông Li nói và khẳng định vẫn có nhiều công ty trường vốn. "Do đó, thách thức cho mỗi công ty là tăng lưu lượng phục vụ trong khi đó tối ưu hiệu quả vận hành ở mọi cấp độ. Họ cần làm điều này trong một môi trường cạnh tranh cao", ông nhấn mạnh.

"Ở một số thị trường, chúng ta đã có nhiều hơn 2 công ty giao đồ ăn lớn, chưa để đến các startup giao đồ tươi sống mới", vị chuyên gia nhận định. "Rất khó để thấy các thị trường trong trung hạn có chỗ cho nhiều công ty có lợi nhuận hơn".

Thái Sơn