|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mọi ánh mắt đổ dồn về Đông Nam Á và Trung Quốc khi biến thể Delta bùng nổ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguy cơ trầm trọng hơn

08:05 | 17/08/2021
Chia sẻ
Làn sóng dịch COVID-19 lan rộng tại Đông Nam Á cùng với nguy cơ bùng dịch tại Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo lắng.

Làn sóng dịch mới đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Bloomberg, làn sóng dịch mới bùng phát tại châu Á đang làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại nguồn hàng sản xuất lớn nhất thế giới.

Sau khi ứng phó với các đợt dịch trước đó tốt hơn so với các khu vực khác, biến thể Delta lây lan nhanh đã khiến các nhà máy và bến cảng ở các quốc gia từng chống dịch thành công nhất rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Những vấn đề bắt đầu từ các cảng châu Á, có thể dẫn tới sự chậm trễ ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam và khiến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Đông Nam Á và Trung Quốc khi biến thể Delta bùng nổ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguy cơ trầm trọng hơn - Ảnh 1.

Một ga tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn ở Trung Quốc. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg).

Các đợt bùng phát cũng làm tồi tệ thêm tình trạng chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn trở nên đắt hơn và khó tìm kiếm trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore cho biết: "Biến chủng  Delta có thể sẽ làm gián đoạn đáng kể thương mại ở châu Á. Cho đến nay, hầu hết các thị trường đều may mắn khống chế được COVID-19. Nhưng khi dịch tiếp tục lan rộng, nhiều nơi có thể sẽ không gặp may như trước".

Đầu tuần này, giá dầu nối dài đà giảm ở thị trường châu Á do biến thể Delta lây lan rộng đã làm suy yếu triển vọng về nhu cầu dầu toàn cầu.

Cảng container bận rộn thứ ba trên thế giới ở Trung Quốc đã bị đóng cửa một phần, trong khi ở Đông Nam Á - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch, một số nhà máy ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và các sản phẩm khác.

Các nền kinh tế dựa vào thương mại có thể phải dựa vào sự bùng nổ xuất khẩu để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, châu Á sẽ dẫn đầu mức tăng 8% năm nay trong thương mại hàng hóa toàn cầu.

Trong khi đó, nguồn cung khan hiếm sẽ làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát gia tăng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc lạm phát sẽ được chứng minh không phải là nhất thời đối với người tiêu dùng Mỹ. Điều này cũng gây rủi ro các nhà hoạch định chính sách có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Đông Nam Á và Trung Quốc khi biến thể Delta bùng nổ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguy cơ trầm trọng hơn - Ảnh 2.

Dịch lan rộng tại Việt Nam và nhóm các nước Đông Nam Á ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn

Biến thể Delta - dễ lây lan như bệnh thủy đậu đã tấn công vào hệ thống chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, Bắc Kinh hay Vũ Hán từng sạch bóng COVID-19 trong thời gian dài giờ cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.

Còn Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong, đẩy khu vực này trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất toàn cầu do chậm trễ trong triển khai tiêm chủng.

Dù các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng với biện pháp chống dịch không khoan nhượng, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa một ga lớn tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn hôm 11/8 ngay sau khi phát hiện một nam công nhân mắc COVID-19.

Trước đó, Trung Quốc cũng quyết định đóng cửa cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến trong một tháng sau một đợt bùng phát nhỏ, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển quốc tế.

Đông Nam Á ghi nhận hoạt động sản xuất sụt giảm trong tháng 7 khi các nhà xuất khẩu quan trọng phải vật lộn để duy trì hoạt động của các nhà máy. Đây là dấu hiệu cho thấy COVID-19 có thể đang tạo ra sự sụt giảm trong thương mại và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của khu vực.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Đông Nam Á và Trung Quốc khi biến thể Delta bùng nổ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguy cơ trầm trọng hơn - Ảnh 3.

Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng có thể tác động lớn đến các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. 

Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia nói trên trong khi Mỹ nhập khẩu khoảng 50% chất bán dẫn từ 5 nước này.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế hạ dự báo tăng trưởng khu vực  châu Á khi một số dữ liệu kinh tế cho thấy dịch COVID-19 bùng phát đã tác động đến tiêu dùng và các hoạt động khác. Bloomberg Economics dự báo nền kinh tế toàn cầu đã sẵn sàng để tăng tốc trong quý III này nhưng chỉ riêng sự bùng phát biến thể Delta ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu tới Trung Quốc.

Trong số các lý do mà các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á, JPMorgan Chase đã nhấn mạnh rủi ro từ các quốc gia châu Á là do có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Mọi ánh mắt đổ dồn về Đông Nam Á và Trung Quốc khi biến thể Delta bùng nổ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguy cơ trầm trọng hơn - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin COVID-19 ở Indonesia. (Ảnh: Getty).

Làn sóng bùng dịch mới xảy ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu tiếp tục phàn nàn về chi phí vận chuyển đường biển có thể gấp bội so với trước đại dịch, chủ yếu là do thiếu container vận chuyển. Chỉ số container của Drewry World đạt 9.421,48 USD/container loại 40 feet tính đến ngày 12/8 - cao hơn khoảng 350% so với cùng thời điểm một năm trước.

"Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần trước đại dịch", Lanm Lai, Giám đốc thương mại nước ngoài của CNC Electric ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết.

"Năm ngoái, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng đó chỉ là ngắn hạn. Nhưng trong thời gian tới, tôi không nghĩ rằng tình trạng này sẽ được cải thiện", ông nói.

Giám đốc điều hành như Raymond Ren của Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Pinghu Kaixin, công ty sản xuất túi và vali du lịch ở Chiết Giang cũng không hy vọng sớm có sự điều chỉnh về giá vận chuyển. "Chúng ta không thể đoán trước được bất cứ điều gì trong đại dịch này", ông nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.