Masan dự kiến lãi ròng 2022 tối thiếu 4.800 tỷ, chào bán riêng lẻ 142,3 triệu cổ phiếu và 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi
Lợi nhuận 2022 tối thiểu 6.900 tỷ
Theo kế hoạch, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào ngày 28/4 tới đây. Tài liệu đại hội vừa được công bố cho biết, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu 90.000 - 10.0000 tỷ đồng và lãi ròng 4.800-6.200 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% về doanh thu và giảm 27,6% - 44% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Tại báo cáo thường niên 2021, lãnh đạo Masan kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả các mảng kinh doanh trong năm 2022.
Trong đó, động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, cùng với điều kiện thị trường thuận lợi hơn và sức mạnh từ nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa hệ sinh thái Point of Life (POL).
Trong năm nay, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 90.000-100.000 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) và lãi ròng (không bao gồm lãi/lỗ một lần) đạt 5.000-7.000 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng 1,5-12,8% về doanh thu và giảm 27,6-44% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Phía doanh nghiệp tin tưởng có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã đề ra. Trong đó, với việc đóng góp gần 65% doanh thu thuần của Masan Group trong năm ngoái, The CrownX dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần khoảng 68.000 - 76.000 tỷ đồng cho tập đoàn trong năm nay, tương ứng tăng trưởng 18% - 31% so với năm 2021.
Cụ thể, kỳ vọng về tăng trưởng của The CrownX nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn tại WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH). Việc tăng tốc chiến lược POL dự kiến sẽ thúc đẩy The CrownX tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa không chỉ nhờ việc gia tăng khả năng thu hút khách hàng của WCM, qua đó đẩy mạnh doanh thu, mà còn giúp cải thiện lợi nhuận ở các điểm bán mới và sẵn có bằng cách phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ trên cùng một điểm bán xuyên suốt từ kênh offline đến online.
Việc nhân rộng hơn nữa mô hình CVLife tại các điểm bán WCM hiện tại và điểm bán mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đồng thời duy trì lợi nhuận. Nếu thực hiện thành công của các ưu tiên này, WCM dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 38.000 - 40.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 23 - 29% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, MCH sẽ tiếp tục xây dựng nhiều thương hiệu cao cấp hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững với mục tiêu đạt doanh thu thuần 34.000 - 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 39% so với năm 2021.
Còn CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MSC) có kế hoạch tăng trưởng doanh thu thuần 17-37% lên 32.500 - 38.000 tỷ đồng.
Trên đà phát triển của mảng thịt, mạng lưới phân phối đa dạng và danh mục sản phẩm ngày càng phong phú, Masan MeatLife (MML) kỳ vọng đạt doanh thu thuần hợp nhất trong khoảng 5.000 - 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11% đến 45% (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi).
Đới với các doanh nghiệp mới như Phúc Long Heritage, động lực tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong năm nay sẽ đến từ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk tại WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, trong đó có thể bao gồm các món ăn mới. Còn Bobicast đặt mục tiêu thu hút 500.000 đến 1 triệu thuê bao trên toàn quốc trong năm 2022.
Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 14.500 - 15.000 tỷ đồng, tăng 7-11% do các yếu tố cơ bản của thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện và động lực của thị trường hàng hóa nói chung.
Bên cạnh đó, ban điều hành tiếp tục cam kết tối đa hóa số tiền thu được từ lượng đồng tồn kho được tích trữ trong suốt bốn năm qua. Giá trị thị trường của kim loại có thể thu hồi được trong kho dự trữ đồng là xấp xỉ 6.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2021.
Chào bán riêng lẻ 142,3 triệu cổ phiếu và 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi
Tại đại hội tới, HĐQT Masan sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành tối đa 142,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc chứng khoán chuyên nghiệp với tỷ lệ 12% (có thể chào bán một hoặc nhiều lần). Giá bán sẽ không thấp hơn trị giá sổ sách theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của công ty. Tổng giá trị theo mệnh giá 1.423 tỷ đồng.
Số cổ phiếu trên sẽ hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc trước ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch phát hành 5,9 triệu ESOP với giá bán là 10.000 đồng/cp, bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Ngoài ra, Masan dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với kỳ hạn 5 năm, giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo BCTC hợp nhất năm 2021. Thời gian phát hành trong năm 2022 hoặc 2023 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
Theo đó, Masan sẽ phát hành 59 triệu cổ phiếu (chiếm 5% số cổ phiếu đang lưu hành) để chuyển đổi trái phiếu. Mục đích phát hành trái phiếu để đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài.