|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ VPBank: Ngân hàng đã nhận được đặt cọc 10% từ SMBC, số tiền hơn 3.500 tỷ đồng, có tham gia nhận chuyển nhượng bắt buộc

16:07 | 18/04/2023
Chia sẻ
Năm 2023, VPBank dự kiến tăng trưởng 33% dư nợ tín dụng, tăng 41% số dư tiền gửi khách hàng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 24.000 tỷ đồng.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ VPBank. (Nguồn: PV).

Chiều 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với nhiều vấn đề quan trọng trình các cổ đông thông qua như kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn điều lệ, chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và một số nội dung khác

Tính đến 14h00, số cổ đông tham dự đạt 297 cổ đông, tương đương 76,41% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với lợi nhuận đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến đạt 877.000 tỷ đồng, tăng 39%, trong đó dư nợ cấp tín dụng tăng 33% đạt 636.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá ước tăng 41%, đạt 518.000 tỷ đồng.

  Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VPBank. (Nguồn: VPBank).

Theo nhận định của chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng trưởng này tương với việc tăng 53% đối với các nguồn thu nhập chính (không bao gồm phí trả trước hoạt động bảo hiểm trong năm 2022). Do đó, kế hoạch này là một thách thức trong bối cảnh kinh tế hiện tại khi mà nhu cầu tín dụng thấp và chi phí tín dụng có thể gia tăng.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định những gì ban lãnh đạo dự kiến và trình bày với cổ đông, ngân hàng có đủ khả năng thực hiện. Đến cuối năm 2023, VPBank dự kiến vốn chủ sở hữu lên trên 150.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, lãnh đạo ngân hàng cho biết khó khăn với công ty tài chính tiêu dùng FE Credit vẫn còn, HĐQT đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc FE Credit. Ban lãnh đạo đánh giá mảng tài chính tiêu dùng mặc dù có khó khăn do COVID-19 và khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng với hơn 60% người dân chưa thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank cán mốc hơn 103.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2021 và đạt mức tăng trưởng kép 28,4% trong 5 năm. Ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Dự kiến chia cổ tức tiền mặt 10%, chào bán riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài

Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 10%, số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 7.934 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý II và quý III/2023.

Thời gian cụ thể do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2022.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation, tương đương 15,005% vốn điều lệ VPBank sau phát hành. Giá chào bán là 30.159 đồng/cp. Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến chào bán là quý II và quý III. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài được thống nhất nâng lên mức tối đa 30% để đảm bảo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau thương vụ, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng.

Việc đạt thoả thuận với với SMBC về thương vụ phát hành riêng lẻ 15%, tương đương quy mô 35.900 tỷ đồng là một trong những động lực tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2023. Theo dự kiến của VPBank, thương vụ dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II hoặc quý III/2023.

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ lớn nhất hệ thống.

 Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: DB).

Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng sẽ sử dụng 5.000 tỷ đồng để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn, để phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của khách hàng; 6.000 tỷ để đầu tư góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và các kế hoạch đầu tư góp vốn khác và 905 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin,…

Ngân hàng dự kiến sẽ bầu bổ sung nhân sự một thành viên vào Hội đồng quản trị và một thành viên vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 sau khi SMBC trở thành cổ đông của VPBank. Theo đó, Hội đồng quản trị có 6 thành viên, Ban kiểm soát có 4 thành viên.

Việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên BKS sẽ được thực hiện tại cuộc họp Đại hội cổ đông gần nhất sau khi thương vụ hoàn tất và trên cơ sở xem xét ứng cử viên do Nhà Đầu Tư đề cử và phụ thuộc vào các chấp thuận cần thiết từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu về là 302,2 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành trong đợt này sẽ bị phong tỏa tối đa 3 năm và được nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự trong mỗi thời kỳ.

Ban lãnh đạo VPBank cũng tiếp tục trình cổ đông về kế hoạch tìm kiếm, tham gia, triển khai các cơ hội, phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác... trong các lĩnh vực mà VPBank được phép tham gia.

Giá trị giao dịch, giá trị góp vốn, hợp tác... từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Ngân hàng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

Phần Thảo luận:

- Xin ban lãnh đạo cho biết về tiến độ thực hiện thương vụ hợp tác với SMBC? thương vụ này có giúp gì cho VPBank?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Ngày hôm qua (17/4), chúng tôi đã nhận đặt cọc 10%, tương đương 3.590 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sau khi nhận được phê duyệt của NHNN và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn tất và đối tác chiến lược sẽ chuyển tiền để tăng vốn.

Việc hợp tác với SMBC giúp cho VPBank có lợi thế về vốn, củng cố về vốn chủ sở hữu, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng cường hoạt động cấp vốn tín dụng cho khách hàng.

- VPBank có tham gia chương trình mua lại các tổ chức tín dụng yếu kém hay không? và ngân hàng có tiềm năng được nới room ngoại hay không?

 Chủ tịch Ngô Chí Dũng: VPBank có tham gia chương trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém và là một trong 4 ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các TCTD thuộc diện chuyển nhượng bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại việc này đang trong qua trinh nghiên cứu đề xuất phê duyệt nên tại thời điểm hiện tại thì chúng tôi chỉ có thể thông báo như vậy.

Về việc có được nới room hay không, theo đề án của NHNN có hai ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49%. Đề án nằm trong quá trình đang được thực thi nên chúng tôi chưa thể nói chi tiết hơn.

- Tình hình kinh tế khó khăn nhưng ban lãnh đạo ngân hàng có kế hoạch tham vọng. Xin ông cho biết cách thức thực hiện và trong quý I đã thực hiện bao nhiêu %?

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Kế hoạch tham vọng của VPBank được xây dựng trong chiến lược 5 năm. Thời điểm này cũng có những biến đổi, khó khăn, song ban điều hành khẳng định duy trì mục tiêu đạt được kế hoạch đó.

Động lực tăng trưởng của VPBank đến từ hai phân khúc chiến lược là bán lẻ dự kiến tăng 40% và SMEs tăng xấp xỉ 35%. Dư nợ tín dụng bán lẻ đạt 200.000 tỷ đồng, phát triển cân bằng giữa các nhóm sản phẩm, đóng góp hơn 60% số dư huy động. Riêng trong 3 tháng đầu năm, mảng bán lẻ của VPBank tăng trưởng 40.000 tỷ huy động và là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng cao

Trong 3 tháng đầu năm, huy động của VPbank tăng gần 12% và đến thời điểm này tăng 12,5%. Đây là chiến lược của ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn để đảm bảo cho kế hoạch tăng trưởng cao. 

Song song, VPBank chuyển hướng chiến lược xây dựng tập đoàn tài chính đa năng, chuyển phân khúc dn vừa và lớn từ phân khúc phụ thành phân khúc chính.

Một phân khúc khác có thể tăng trưởng trong năm nay là   phân khúc FDI. Mục tiêu của ngân hàng trong năm nay là đưa số lượng khách hàng DN FDI từ 80 lên 300-600. Chúng tôi đã tuyển dụng một đội ngũ rất mạnh từ SMBC hỗ trợ xây dựng fanpage có gần 3000 doanh nghiệp nhật bản tại Việt Nam. Nhiệm vụ đề ra hiện nay là làm sao để 10-15% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia cùng với VPBank.

Như vậy, ngân hàng phối hợp cùng SMBC phục vụ doanh nghiệp lớn, còn đối tác trung và vừa do VPBank phục vụ.

Một số động lực khác là đưa vào nền tảng công nghệ hỗ trợ khách hàng cá nhân, tiếp tục phát triển ngân hàng số. Năm nay ngân hàng dự kiến tăng 3,5 triệu khách hàng cá nhân mới, từ 9 triệu lên 11-12 triệu khách hàng.

Trong năm 2022, công ty chứng khoán dù mới ra đời nhưng đã đóng góp 500 tỷ lợi nhuận và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm 2023 cùng với công ty bảo hiểm.

Trong quý I, ngân hàng mẹ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5% còn FE Credit tiếp tục ghi nhận lỗ và không hoàn thành kế hoạch. Với 4.000 tỷ lợi nhuận đạt được, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường, nhưng với tăng trưởng tới đây thì mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng từ 2,19 lên 2,6%. Tỷ lệ nợ xấu quý I tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý II, giảm dần trong hai quý cuối năm về 2,2%.

- Năm nay ngân hàng chia cổ tức tiền mặt 10%, năm tiếp theo có tiếp tục chia cổ tức tiền mặt không?

 Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Trong chiến lược 5 năm phát triển, ngân hàng định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Vốn của VPBank đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và đủ dành ra 30% lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.

- Tình hình kinh doanh của FE Credit ra sao? Khi nào lợi nhuận FE trở về dương?

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Chúng tôi khẳng định rằng thời điểm hiện tại thị trường tài chính tiêu dùng rất khó khăn, kết quả kinh doanh của FE Credit trong năm ngoái và quý I không tốt nhưng chúng tôi cũng đã có chương trình phục hồi mới.

Ban lãnh đạo đang có kế hoạch cấu trúc lại sao cho công ty không bị lỗ trên cơ sở đánh giá tài chính tiêu dùng tiếp tục là mảng tiềm năng.

- Tình hình số dư trái phiếu hiện nay của VPBank? VPBank có rủi ro gì với số dư trái phiếu của Novaland?

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: TPDN đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức tín dụng. Hiện VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ TPDN, so với thời điểm cuối 2022 đã giảm 5.000 tỷ dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ nay đến 20.000 tỷ vào cuối tháng 6.

Trong đó, gần 60% là trái phiếu lĩnh vực BĐS, 40% là các lĩnh vực khác trong đó có các doanh nghiệp như Masan, Becamex, CII,...

Trong nhóm trái phiếu BĐS, VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển BĐS, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Đồng thời, 100% TPDN có TSBĐ, VPBank là người đầu tư đồng thời là người quản lý TSBĐ đó, do đó chúng tôi có khả năng xủ lý nếu trái phiếu có vấn đề.

Hiện tại, Chính phủ đang cho phép giãn nợ trái phiếu nhưng việc này cần hết sức cân nhắc.

Novaland là một trong 44 nhà BĐS mà VPBank đầu tư. Trái phiếu của Novaland có số dư không nhiều, dưới 1% tổng dư nợ, có TSBĐ. Hiện VPBank đang quản lý dòng tiền cho vay KHCN mua dự án, dòng tiền vẫn còn để chi trả các nghĩa vụ nợ.

Từ nay cho tới cuối năm chúng tôi không có sức ép về nợ xấu với Novaland. Tuy nhiên việc cơ cấu lại nợ cho Novaland là cấp thiết đang tìm giải pháp có thể là thông qua chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản.

Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ trái phiếu chính phủ (TPCP), là tài sản có thanh khoản tốt, năm ngoái chúng tôi đã giảm xuống tối thiếu về số dư TPCP nhưng trong năm nay chung tôi nâng tỷ trọng thêm.

- Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank ? 

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Tỷ lệ LDR của ngân hàng hiện nay nếu tính theo các quy định của NHNN là 82%. Còn tính theo cách thông thường tỷ lệ LDR là 100%. Trên thị trường hiện nay, đa số ngân hàng đều có LDR nằm trong khoảng từ 90 - 120%.

Về tỷ lệ bao phủ dự phòng, tỷ lệ này của ngân hàng không cao chỉ hơn 70% nhưng tổng dự phòng tới đến 19.000 tỷ, trong đó một nửa để write off nợ xấu. Tất nhiên chỉ số này vẫn rất quan trọng nhưng qua phân tích, đánh giá, ngân hàng dự phòng đủ để đảm bảo phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.

Tất cả các tờ trình được ĐHĐCĐ thông qua.

Phương Nga - Diệp Bình