Kinh tế TP HCM ngấm đòn vì COVID-19, sản xuất công nghiệp, số DN thành lập mới đều giảm mạnh
Các ngành công nghiệp đồng loạt đi xuống
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 22,4% so với tháng 7. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 49,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 6,7%.
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP HCM giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 4,1%.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng mạnh từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián doạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Xét riêng ngành công nghiệp cấp II, chỉ có 6/30 nhóm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất kim loại tăng 15,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,8%; chế biến gỗ; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 5,7%... Ngược lại, so với cùng kỳ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm mạnh nhất đến 47,9%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 23,6%; sản xuất trang phục giảm 18,5%; khai khoáng khác giảm 17,4%; sản xuất đồ uống giảm 17,0%.
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm, đa số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh hơn so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất trang phục giảm 18,5%; sản xuất đồ uống giảm 17,0%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 6,9%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 6,7%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm truớc. Trong đó, ngành cơ khí giảm 2,6%; ngành hóa dược giảm 5,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,7%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 8,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 năm 2021 ước tính giảm 27,7% so với tháng 7 năm 2021 và giảm 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2021 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, sản xuất đồ uống giảm 19,1%; sản xuất trang phục (18,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (13,1%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (10,6%); Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (10,3%) là những ngành có mức giảm sâu nhất.
Đáng chú ý là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng này ước tính tăng 11,4% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tồn kho tăng đột biến 644,1%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 76,4% hay tồn kho sản xuất hóa chất tăng 65,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP HCM trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn chồng chất, có nguy cơ đứt gãy sản xuất do toàn thành phố tập trung mọi nguồn lực kiểm soát dịch COVID-19 trước 15/9. Chỉ có những khu vực sản xuất thuộc vùng xanh được hỗ trợ duy trì sản xuất; và công nhân được ưu tiên tiêm vắc xin, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Các công trình trọng điểm ngưng trệ
Về đầu tư xây dựng, vốn từ ngân sách địa phương và Trung ương phân bổ về ước thực hiện 8 tháng 13.267 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ; đạt 37,1% so với kế hoạch.
Riêng tháng 8, khối lượng thực hiện ước đạt 567 tỷ đồng, chỉ bằng 42,4% so với tháng 7/2021; 23% so với tháng 6/2021; 13% so với cùng kỳ. Đây là thời điểm việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các dự án đang thi công cầm chừng.
Trong thời gian thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9, rất ít dự án có đủ điều kiện "3 tại chỗ" được tiếp tục thi công. Ngoài ra giá vật tư ngành xây dựng tăng, công tác đấu thầu, chọn thầu bị chậm trễ; một số nhà sản xuất bê tông tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp nguyên liệu cho các công trình.
Các công trình trọng điểm đang gặp khó khăn bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đáng kể nhất là dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)… tạm ngưng thi công, hoặc thi công cầm chừng.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chỉ thi công gói thầu nhà ga Bến Thành, do chủ thầu đáp ứng đủ điều kiện áp dụng Chỉ thị 16. Tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt trên 88%. Thời gian đưa vào vận hành kỹ thuật phải chuyển từ cuối 2021 sang giữa năm 2022;
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 phải thi công cầm chừng do các nhà máy cung cấp bê tông tạm dừng hoạt động, tiến độ đạt trên 70% và dự kiến sẽ hợp long cầu vào cuối quý 3/2021.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và việc tiếp tục tăng cường siết chặt giãn cách xã hội trong tháng 8 nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất gặp phải khó khăn khi tạm ngưng hoạt động, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Vì vậy, thành phố chỉ ghi nhận 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký 6.646 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 8, giảm 85,5% về số giấy phép và giảm 95,4% về số vốn. Lũy kế đến ngày 15/8, thành phố đã cấp phép 21.762 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 365.200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 15,9% và vốn giảm 34,1%.
Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố có số lượng giấy phép là 16.124, chiếm 74,1% trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép trong 8 tháng đầu năm, giảm 11,9%; vốn đăng ký 244.532 tỷ đồng, chiếm 67% tổng vốn, giảm 47,7%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố kể từ đầu năm đạt 2,18 tỷ USD (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần), giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sức mua kém, doanh thu bán lẻ và dịch vụ ảm đạm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 dự ước đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 24.188 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 49,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng đều giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm và nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) có mức giảm thấp nhất lần lượt ở mức giảm là 12,2% và 13,2%.
Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 8 ước đạt 362 tỷ đồng, giảm 57,3% so với tháng trước và giảm đến 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú là 38 tỷ đồng giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 91% so với tháng cùng kỳ năm trước. Nguồn thu này chủ yếu đến từ các đơn vị đăng ký phục vụ người dân có nhu cầu cách ly có thu phí tại các khách sạn.
Tương tự, hoạt động ăn uống tháng 8 ước đạt 324 tỷ đồng, với mức giảm lần lượt so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước là 59,8% và 95%. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, hình thức kinh doanh thức ăn mang về và tại chỗ buộc tạm ngừng để phòng chống dịch, doanh thu của ngành 15 đạt mức thấp và chủ yếu đến từ đơn vị cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, khu cách ly và phục vụ tình nguyện viên.
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 609.351 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 352.969 tỷ đồng, chiếm 57,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Một số nhóm sản phẩm vẫn tăng trưởng như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2021 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 3,83% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 2,51% so với bình quân năm 2020.
Nguyên nhân bởi thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm, nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng cao. Trong khi, nguồn cung hàng hóa vẫn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối và truyền thống đang tạm ngưng hoạt động để phòng dịch. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên.
Nhằm kiểm soát tình hình, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai phiếu/thẻ đi chợ, siêu thị, khuyến khích các điểm bán hàng lưu động, tăng cường kiểm tra, siết chặt việc sốt giá, tăng giá nhằm góp phần ổn định giá cả trên thị trường trong thời điểm hiện nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/