Khu đất Emart từng có kế hoạch xây siêu thị thứ 2 tại TP HCM
Trong bài viết được phát hành vào ngày 18/5, tờ Korean Times thông tin Tập đoàn Emart sẽ bán 100% vốn tại công ty Emary Việt Nam cho CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Theo đó, siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn tiếp tục kinh doanh tại tại thị trường gần 100 triệu dân với mô hình nhượng quyền. Đồng thời, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco.
Từ cuối năm ngoái đã xuất hiện nhiều thông tin Emart rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Song, phía Emart đã bác bỏ những thông tin này. Thay vào đó, Ông Chun Byung Ki, Tổng Giám đốc Emart Việt Nam thông tin tập đoàn thay đổi chiến lược sang tìm kiếm đối tác có năng lực tại Việt Nam để cùng mở rộng mô hình kinh doanh.
Cũng theo tờ Korean Times, quyết định mới nhất của Emart diễn ra sau nhiều lần tập đoàn gặp trở ngại trong việc mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cụ thể là chính quyền địa phương chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch xây dựng.
Thương hiệu Emart lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015 với siêu thị có quy mô vốn đầu tư 60 triệu USD tại số 366 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM.
Song song với siêu thị đầu tiên, Emart có kế hoạch đầu tư tiếp siêu thị thứ 2 tại thị trường TP HCM. Tháng 5/2018, Emart cùng CTCP Xây lắp và Vật tư Xây dựng (CBM) khởi công dự án Trung tâm thương mại - siêu thị Emart 2 tại số 12/78 đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp.
Theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP HCM ngày 26/6/2018, dự án được xây dựng trên khu đất 25.640 m2, trong đó đất xây dựng công trình hơn 25.088 m2. Khu đất này trước đây của CTCP Da giày Sagoda, doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa theo Quyết định 735/2001/QĐ-TTG ngày 15/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi có thông tin khởi công đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai như tiến độ do khu đất làm dự án vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tại cuộc họp ngày 11/6/2020, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kết luận, Da Giày Sagoda đã cổ phần hóa năm 2001 - thời điểm pháp luật không quy định phải có phương án sử dụng đất trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (sản xuất da giày) sang đất thương mại, dịch vụ (thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ - siêu thị) không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án phê duyệt.
Do vậy, Da giày Sagoda được phép thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ - siêu thị theo quy định pháp luật về đầu tư. Việc chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo Điều 52, điểm g khoản 1 Điều 57, Điều 58 Luật Đất đai, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (ngày 15/5/2014) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Cũng tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao báo cáo đề xuất UBND TP HCM quyết định việc chấp thuận cho Da giày Sagoda chuyển mục đích sử dụng đất đối với khu đất tại số 12/78 Phan Huy Ích, từ đất cơ sở sản xuất kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ với thời hạn thuê đất 50 năm và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm cùng UBND quận Gò Vấp và các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 tại khu vực dự án, sau đó cập nhật vào quy hoạch chung của quận Gò Vấp, báo cáo UBND TP thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Dù có địa chỉ tại số 12/78 Phan Huy Ích nhưng khu đất này nằm ngay mặt tiền đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Phía trước khu đất làm dự án hiện nay là các cơ sở kinh doanh cây kiểng. (Ảnh: Nguyên Ngọc).