|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khởi tố Phó Tổng Giám đốc VEAM

14:26 | 20/09/2023
Chia sẻ
Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM - Mã: VEA) vừa công bố thông tin về việc khởi tố bị can đối với ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc công ty.

Cụ thể, ngày 17/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã tiến hành các công việc liên quan đến quyết định khởi tố bị can đối với ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc VEAM về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Hồ Mạnh Tuấn. (Ảnh: VEAM).

Ông Hồ Mạnh Tuấn sinh năm 1963, là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Kỹ sư cơ khí. Từ tháng 4/2016 đến nay, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc VEAM. Trước đó, ông từng đảm nhiệm vị trí này từ tháng 1/2010 đến tháng 7/2012.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2019, ông Tuấn còn đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng thành viên của Honda Việt Nam.

Sau khi ông Tuấn bị khởi tố, ban điều hành của VEAM còn 4 thành viên gồm: Ông Phan Phạm Hà, ông Lê Minh Quy, ông Văn Đình Quân, ông Phạm Anh Tuấn. Trong đó, ông Phan Phạm Hà là Tổng Giám đốc VEAM.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận 1.984 tỷ đồng doanh thu giảm 12% và 3.182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 1% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương muốn chuyển giao VEAM sang CMSC và SCIC

Hồi tháng 8, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP.

Theo đó, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai, kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp do bộ làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả các doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025. Việc này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Các doanh nghiệp đề xuất chuyển giao gồm: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA); Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN); Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam; CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu  tổng hợp; CTCP Nông thổ sản Việt Nam; CTCP Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC; CTCP Viện nghiên cứu dệt may; CTCP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, đến nay có ba doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa, trong đó VEAM do còn tồn tại khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, tại VEAM là do xảy ra một số vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra đang điều tra xử lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất đai, các khoản công nợ.

Lâm Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.