|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Internet vệ tinh có đe doạ tương lai ngành viễn thông truyền thống?

07:19 | 18/10/2022
Chia sẻ
Tương lai truyền - phát internet có thể sẽ được định hình lại bởi công nghệ vệ tinh.

Kể từ khi lần đầu tiên đến Ukraine vào mùa xuân năm nay, các thiết bị thu nhận internet vệ tinh Starlink do công ty SpaceX của Elon Musk sản xuất, đã trở thành một kênh liên lạc quan trọng cho quân đội nước này.

Internet vệ tinh cho phép quân đội Ukraine duy trì kết nội mạng ngay cả khi viễn thông và internet truyền thống bị phá huỷ trong cuộc xung đột với Nga. Đến nay, theo CNN, đã có khoảng 20.000 thiết bị thu sóng vệ tinh Starlink được tặng cho Ukraine. 

Tại sự kiện ra mắt sản phẩm Far Out hồi tháng 8, Apple cũng đã cho ra mắt thế hệ iPhone 14 với tính năng kết nối vệ tinh để thực hiện cuộc gọi khẩn cấp nhằm cứu hộ người dùng đang gặp nguy hiểm mà không cần sử dụng sóng của nhà mạng. Trước đó, có một vài thiết bị đã sử dụng công nghệ này như Thuraya X5-Touch, Huawei Mate 50,...

Rõ ràng, bằng cách kết nối với các trạm vệ tinh xoay quanh quỹ đạo trái đất, thay vì sử dụng sóng từ các trạm phát sóng mặt đất của nhà mạng, những thiết bị như Starlink của SpaceX hay iPhone 14 của Apple,… đang dần trở thành một đối trọng đối với các hãng viễn thông toàn cầu.

Internet vệ tinh - công nghệ từ tương lai

Theo tạp chí hàng đầu về công nghệ PCMag, công nghệ internet vệ tinh đã có từ nhiều thập kỷ. Nó hoạt động tương tự như truyền hình vệ tinh. Để thiết lập cơ sở hạ tầng ban đầu, nhà cung cấp dịch vụ sẽ phóng các vệ tinh lên không gian để quay quanh trái đất. Các trạm trên mặt đất sẽ phát tín hiệu tới các vệ tinh trên quỹ đạo, sau đó những vệ tinh này có thể chuyển tiếp dữ liệu trở lại cho người dùng trên trái đất. 

Để thu nhận internet từ vệ tinh, người dùng cần có một bộ thu. Bộ thu thường được đặt cố định tại nhà hoặc cơ sở kinh doanh, nơi quang đãng, có khả năng thu tín hiệu từ bầu trời mà không bị cản trở. Người dùng sẽ kết nối modem với bộ thu để chuyển tín hiệu đến thành internet để sử dụng bình thường. 

Bộ thu sẽ cần nguồn điện để hoạt động. Internet vệ tinh không phụ thuộc vào dây cáp, cáp quang hay đường dây điện thoại. Việc phóng vệ tinh vào không gian cũng rất tốn kém, theo Cnet. Tuy nhiên, khi đã thiết lập được mạng lưới hoàn chỉnh, nhà cung cấp internet vệ tinh băng thông rộng có thể có nhiều khách hàng hơn, ngay cả ở những vùng sâu vùng xa - nơi mà các nhà mạng viễn thông không mặn mà để đầu tư cơ sở hạ tầng.

 Một buổi phóng vệ tinh lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Kennedy. (Ảnh: Getty).

Hiện trên thế giới có ba đơn vị đang triển khai dịch vụ internet vệ tinh, gồm: Starlink, Viasat và HughesNet. Trong đó, Viasat và HughesNet đã cung cấp dịch vụ này trong nhiều thập kỷ. Trong khi với Starlink của SpaceX, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 3.000 vệ tinh quay quanh trái đất. SpaceX có kế hoạch triển khai ít nhất 12.000 vệ tinh và tham vọng là 30.000 vệ tinh khác để đảm bảo phủ sóng internet trên toàn cầu.

Trước đó, tháng 7/2020, Uỷ ban truyền thông liên bang Mỹ đã phê duyệt dự án Kuiper của Amazon để triển khai hàng nghìn vệ tinh, nhằm cung cấp dịch vụ băng thông rộng dựa trên vệ tinh. Amazon lên kế hoạch để thực hiện 83 vụ phóng vệ tinh trong 5 năm tới. 

Các hãng viễn thông có nên lo lắng?

Hiện Viasat và HughesNet đang cung cấp dịch vụ internet vệ tinh rộng khắp tại Mỹ. Trong khi đó, dù hứa hẹn sẽ phủ sóng toàn cầu vào mùa thu năm nay, Starlink của SpaceX vẫn đang bị giới hạn ở một số quốc gia/khu vực.

Các quốc gia có thể tiếp cận với internet vệ tinh gồm: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Ireland, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Úc và New Zealand. Sắp tới là Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Chile. Giới hạn địa điểm cung cấp dịch vụ đang là rào cản của loại hình internet vệ tinh. Tuy nhiên, theo thời gian bản đồ phủ sóng sẽ nhiều hơn đáng kể khi có nhiều vệ tinh được phóng lên quỹ đạo hơn.

 Các quốc gia đang có sẵn dịch vụ internet vệ tinh. (Nguồn: PCMag).

Những tiến bộ công nghệ gần đây cũng đã giúp internet vệ tinh đạt được tốc độ băng thông rộng cơ bản. Tuy nhiên, nó vẫn đắt hơn hầu hết các gói internet viễn thông truyền thống khác, với tốc độ tốt hơn và độ trễ thấp hơn.

Dữ liệu từ Ookla - một website theo dõi dữ liệu tốc độ internet, hiện Starlink đang cung cấp tốc độ tải xuống trên 100 Mbps ở 15 quốc gia vào năm ngoái, và tốc độ tải lên trung bình khoảng 12 Mbps, tốt hơn khoảng 5-6 lần so với các đối thủ là Viasat và HughesNet.

Starlink đang có mức phí 110 USD/tháng. Người dùng cũng phải trả khoản phí một lần 599 USD cho bộ định tuyến Wifi và bộ thu vệ tinh Starlink. Trong khi đó, một gói Internet cáp quang có thể cung cấp tốc độ tải xuống lên tới 5.000 Mbps - 10.000 Mbps với chi phí rẻ hơn rất nhiều -chỉ với gần 50 USD/tháng. Tốc độ tải lên cũng tương đương như vậy. 

 Một thiết bị thu phát sóng internet vệ tinh. (Ảnh: Starlink).

Internet vệ tinh cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. SpaceX lưu ý rằng: “Mưa lớn hoặc gió cũng có thể ảnh hưởng đến kết nối internet, dẫn đến tốc độ chậm hơn hoặc khó kết nối”. Điều này không xảy ra với mạng viễn thông thông thường.

Ngoài ra, với nhiều vệ tinh có quỹ đạo xa trái đất, độ trễ cao là một vấn đề đối với internet vệ tinh. Để truy cập một trang web, người dùng phải chờ lâu hơn so với mạng internet cáp quang. Điều này có thể được giải quyết khi các hãng triển khai vệ tinh của mình ở những quỹ đạo thấp, gần trái đất hơn nhưng đây không phải là việc một sớm một chiều.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet vệ tinh cũng tránh triển khai tại khu vực thành thị. Tờ PCMag nhận xét rằng có rất ít lý do để thử và cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ internet trên mặt đất - những đơn vị có thể cung cấp các gói internet tốc độ cao giá rẻ.

Ngoài ra, Elon Musk cũng chỉ ra rằng công nghệ vệ tinh cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ băng thông internet cho những người dùng sống ở các địa điểm đông dân cư. “Starlink là lựa chọn tuyệt vời cho khu vực có mật độ dân số từ thấp tới trung bình. Nhưng internet vệ tinh không phù hợp với đô thị mật độ cao”, Musk nói. “Vì vậy, người dùng thực sự cần có 5G để trải nghiệm tốt hơn”.

Có thể thấy, dịch vụ internet vệ tinh chưa hẳn là mối lo cho các hãng viễn thông truyền thống, khi công nghệ và giá cả chưa thực sự chín muồi. Tập trung vào những đối tượng khách hàng ngách như người dùng nông thôn, quân đội,… sẽ là bước đi phù hợp hơn cho các công ty cung cấp internet vệ tinh hiện tại.

Thiên Trường

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.