|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Infographic] Nhiều tiền để mua máy bay hay mua máy bay để nhiều tiền?

05:10 | 02/03/2019
Chia sẻ
Việc hai hãng hàng không Vietjet Air và Bamboo Airways mới đây kí kết các văn bản đặt mua máy bay trị giá hàng tỉ USD đã thu hút sự quan tâm và nhiều câu hỏi về nguồn tài chính cho hoạt động này.

Ngày 27/2 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietjet Air và Bamboo Airways đã kí các văn bản đặt mua tương ứng 100 máy bay Boeing 737 MAX và 10 máy bay Boeing 787 Dreamliners.

Tổng giá trị niêm yết thương vụ của Vietjet là 12,7 tỉ USD, còn của Bamboo Airways cũng lên tới 3 tỉ USD do Boeing 787 là dòng máy bay cỡ lớn, thân rộng.

Đây không phải là lần đầu các hãng này kí kết các văn bản tỉ đô. Năm 2016, Vietjet Air kí hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá 11,3 tỉ USD, dự kiến bắt đầu bàn giao từ năm 2019 này. 

Năm 2018, Bamboo Airways cũng kí kết thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3,1 tỉ USD và 20 máy bay Boeing 787-9 trị giá 5,6 tỉ USD.

Giá trị của những thỏa thuận thương mại này lớn gấp nhiều lần qui mô tài sản của các hãng bay Việt.

Không có đủ tiền, làm sao để mua máy bay?

Thực tế trong ngành hàng không, hầu như không có hãng hàng không nào có sẵn tiền để thanh toán hết đơn hàng mua hàng chục chiếc máy bay đời mới. Khi đó, các hãng sẽ phải sử dụng đến nghiệp vụ Bán và Thuê lại (Sale and Leaseback).

Đây là một nghiệp vụ rất thông dụng trong ngành hàng không, được hầu hết các hãng sử dụng để nhanh chóng phát triển đội bay trong bối cảnh eo hẹp về tài chính.

Cụ thể, các hãng hàng không có nhu cầu phát triển đội bay sẽ đặt mua một số lượng lớn máy bay (từ vài chục tới vài trăm chiếc) với các tập đoàn sản xuất như Airbus và Boeing. Ban đầu, hãng hàng không chỉ cần đặt cọc trước số tiền từ 1 đến 5% giá trị đơn hàng.

Khi đặt mua số lượng lớn, các hãng bay được hưởng chiết khấu khá sâu so với giá niêm yết.

Sau khi máy bay bắt đầu được bàn giao, hãng hàng không sẽ lập tức bán lại chiếc máy bay đó cho một doanh nghiệp khác, ghi nhận một khoản doanh thu và lợi nhuận lớn (vì các hãng mua được máy bay với giá chiết khấu từ Airbus hay Boeing). Ngay sau đó, hãng bay này sẽ thuê lại chiếc máy bay mà mình vừa bán và trả tiền thuê hàng năm.

[Infographic] Nhiều tiền để mua máy bay hay mua máy bay để nhiều tiền? - Ảnh 1.

Mua máy bay rồi bán lại có làm tăng doanh thu?

Theo cách hạch toán kế toán cũ, các hãng hàng không coi tiền thu được từ bán máy bay là doanh thu, tiền thuê lại máy bay là chi phí. Toàn bộ doanh thu được ghi nhận ngay lập tức vào năm tài chính hiện tại, trong khi chi phí bị dàn đều trong suốt thời hạn thuê (thường lên tới 10-12 năm).

Hàng hàng không muốn bán máy bay với giá càng cao, ghi nhận doanh thu năm hiện tại càng cao thì sau này cũng phải thuê lại máy bay với chi phí cao tương ứng.

Đây là cách hạch toán "đẩy rủi ro vào tương lai".

Tuy nhiên, theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 16 (IFRS 16) được ban hành tháng 1/2016 và có hiệu lực từ năm 2019, giao dịch Bán và Thuê lại cần được hạch toán theo đúng bản chất của mình: tức là một giao dịch vay tiền để mua máy bay, với tài sản bảo đảm chính là chiếc máy bay vừa mua.

Theo IFRS 16, khi hãng hàng không sử dụng nghiệp vụ Bán và thuê lại, tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán sẽ tăng lên, còn doanh thu và lợi nhuận không bị ảnh hưởng.

Song Ngọc

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên VN-Index tăng điểm diện rộng
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô 294 tỷ đồng. Giao dịch giải ngân chủ yếu tập trung trên HOSE với hơn 243 tỷ đồng.