|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Infographic] Loạt doanh nghiệp đã khăn gói rời khỏi thị trường Nga

15:27 | 07/03/2022
Chia sẻ
Danh sách các công ty, thương hiệu nước ngoài thông báo ngừng kinh doanh, sản xuất dịch vụ tại Nga đang tăng lên từng ngày.

Ngày 6/3, ứng dụng TikTok đã thông báo họ "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc phải dừng tính năng livestream sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin ban hành đạo luật trừng phạt người đưa thông tin sai sự thật về quân đội Nga. 

Trước đó, TikTok đã phải dừng đăng tải các video mới về chiến sự ở Ukraine. Không chỉ mỗi TikTok, danh sách các công ty nhập hội "chạy" khỏi nước Nga vừa ghi nhận thêm cái tên mới là công ty kiểm toán KPMG và PricewaterhouseCoopers, theo Forbes.

Nga thậm chí còn mạnh tay chặn kết nối của Facebook và Twitter, hai mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Đây là động thái đáp trả hành động "thiếu công bằng" của hai nền tảng này đối với các kênh truyền thông nhà nước Nga. Facebook đã dán nhãn và hạn chế truy cập với nhiều kênh thông tấn do chính phủ Nga hậu thuẫn như RT, TASS,... Cùng động thái trên, Twitter còn hạn chế các nội dung liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Xung đột ở Ukraine đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu đối với nền kinh tế Nga. Ngoài các lệnh trừng phạt do Mỹ và Phương Tây áp đặt lên chính quyền Tổng thống Putin, nhiều công ty lớn đã hưởng ứng lời kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh ở Ukraine. 

Mở đầu làn sóng rời bỏ nước Nga là nhà sản xuất điện thoại iPhone, Apple. Hôm 1/3, hãng Táo khuyết cho biết họ đã tạm dừng bán các sản phẩm của hãng ở Nga, hạn chế các ứng dụng của hai kênh truyền thông nhà nước Nga là RT và Sputnik ở nước ngoài. Ngoài ra, Apple cũng đã vô hiệu hóa tính năng giao thông của Apple Maps ở Ukraine "như một biện pháp phòng ngừa và an toàn cho công dân Ukraine", theo công ty thông báo.

Một ông lớn sản xuất điện thoại thông minh khác là Samsung cũng cho biết họ sẽ tạm dừng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga “do các diễn biến địa chính trị hiện tại”. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình phức tạp này, để xác định các bước tiếp theo", tập đoàn Hàn Quốc cho hay.

Trong lĩnh vực dầu mỏ - lĩnh vực công nghiệp chủ đạo trong nền kinh tế Nga, nhiều ông lớn nước ngoài cũng đã đưa ra động thái rút lui. Đơn cử, tập đoàn dầu khí khổng lồ BP đã thoái 20% cổ phần của công ty dầu khí Nga Rosneft, rút lui khỏi HĐQT. 

Trong khi đó, một ông lớn trong ngành dầu khí khác là Shell cũng đã thông báo rút lui khỏi một số dự án liên doanh với gã khổng lồ dầu khí của Nga, Gazprom. Trong số dự án mà Shell ngừng hợp tác với tập đoàn dầu khí nhà nước Nga, nổi bật với cái tên Dòng chảy phương Bắc 2.

Điểm mặt những ông lớn đã 'tháo chạy' khỏi nước Nga - Ảnh 1.

(Nội dung: Vượng Phát | Đồ họa: Đức Bùi).

Ngày 24/2, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, miền Đông Ukraine. Sau hơn 10 ngày tiến quân vào lãnh thổ Ukraine, quân đội Nga đã bao vây thủ đô Kiev, kiểm soát thành phố Kherson, đảo Rắn và hai nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, giao tranh vẫn đang diễn ra tại hai thành phố Kharkov và Mariupol, nơi mà quân đội Nga đã bao vây trong nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được.

Trong bài đăng trên Facebook ngày 5/3, nghị sĩ David Arakhamia, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine, cho biết vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 7/3. Phái đoàn của Ukraine và Nga đã có hai vòng đàm phán kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước láng giềng vào ngày 24/2, song cả hai quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận thống nhất.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.