|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các nước phương Tây đòi tịch thu du thuyền, dinh thự,... của giới tài phiệt Nga: Nói dễ hơn làm

10:52 | 07/03/2022
Chia sẻ
Dù nhiều nước phương Tây liên tục đưa tin về việc tịch thu tài sản của giới tỷ phú Nga, song thực tế để làm được điều này là chuyện không hề đơn giản.

Thời gian gần đây, những thông tin về việc nhiều quốc gia phương Tây tăng cường tịch thu tài sản có liên quan đến các tỷ phú Nga như du thuyền, bất động sản,… xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho biết việc tịch thu các tài sản này khó hơn tưởng tượng của nhiều người.

Những vấn đề pháp lý rắc rối

Thực tế, những tài sản này thường nấp sau các công ty vỏ bọc hoặc thiên đường thuế. Giới tỷ phú có thể sang nhượng tài sản cho người thân, hoặc trong trường hợp là du thuyền và máy bay, họ có thể neo đậu ở những nơi cách xa các khu vực pháp lý. Bên cạnh đó, giới tỷ phú cũng có một cách khác để lưu trữ tài sản, đó là tiền điện tử.

Theo Bloomberg, các biện pháp trừng phạt có thể được thông qua một cách nhanh chóng, nhưng việc tịch thu có thể cần trải qua một quá trình pháp lý kéo dài. Dù vậy, mức độ hợp tác mà chính phủ nhiều nước đưa ra hiện nay là chưa từng có tiền lệ. Các lệnh trừng phạt được đưa ra song song ở EU, Anh và Mỹ, trong khi một cơ quan giám sát tài chính toàn cầu đang thảo luận về cách tiếp cận nhằm theo dõi dòng tiền của giới tỷ phú Nga.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ trừng phạt 8 tỷ phú Nga, bao gồm cả tỷ phú Alisher Usmanov, sau khi công bố một đơn vị thi hành hoạt động thu hồi tài sản có tên "KleptoCapture", bổ sung cho một lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương.

Các nước phương Tây đòi tịch thu du thuyền, dinh thự,... của giới tài phiệt Nga: 'Nói dễ hơn làm' - Ảnh 1.

Tỷ phú Alisher Usmanov, một trong người bị Mỹ áp lệnh trừng phạt. (Ảnh: Business Insider).

Dù vậy, sự hiệu quả của các lệnh trừng phạt này còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau.

Giới tài phiệt Nga đã tích lũy tài sản từ nhiều thập kỷ trước và tái đầu tư từ quá trình tư nhân hóa của Liên Xô vào các doanh nghiệp hợp pháp. Do đó, việc thu hồi tài sản của các tỷ phú Nga là điều rất khó.

Alex Iftimie, một đối tác tại Morrison & Foerster và là cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao tại Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hoạt động thu hồi tài sản đòi hỏi một quy trình pháp lý dân sự hoặc hình sự cần sự chấp thuận của tòa án. Bên cạnh đó, một trong những cơ sở thi hành phổ biến là phạm tội rửa tiền.

Theo Anders Aslund, giáo sư tại Đại học Georgetown, các nỗ lực thu hồi tài sản có thể sẽ liên quan đến việc thu thập thông tin từ các quốc gia khác. Trong khi đó, quyền tài sản có sự khác nhau về mặt pháp lý giữa từng quốc gia, dẫn đến việc thu hồi sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

"Bạn phải xác định rõ ràng tài sản đó là gì. Tài sản đó có liên quan đến các hoạt động phi pháp hay không? Nếu có, hoạt động đó là gì?", Justine Walker, người đứng đầu về các biện pháp trừng phạt, tuân thủ và rủi ro tại ACAMS, một tổ chức thương mại dành cho các chuyên gia phát hiện tội phạm tài chính chia sẻ.

Ori Lev, một đối tác của Mayer Brown, người từng lãnh đạo bộ phận thực thi của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh ngay cả đối với những tài sản bị phong tỏa theo lệnh trừng phạt nhưng không bị tịch thu, các cá nhân có thể khiếu nại để được hủy niêm yết hoặc khởi kiện.

Tuy nhiên, các tòa án có quan điểm những cá nhân không hiện diện ở Mỹ sẽ không được quyền xét xử theo Hiến pháp, theo ông Lev.

Gabriel Zucman, giáo sư kinh tế tại Đại học California cho biết những lo ngại về quy trình thi hành có thể được giải quyết bằng cách hạn chế tịch thu tài sản đối với những người có quan hệ với ông Putin và duy trì "cường độ cao" cho các mục tiêu.

Giới tài phiệt Nga có nhiều cách để lách luật

Hai vụ tịch thu siêu du thuyền tại EU trong tuần qua là minh chứng cho việc các biện pháp tịch thu tài sản không đi xa như nhiều người đang nghĩ.

Tại Pháp, các quan chức hải quan đã chặn siêu du thuyền của Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin khởi hành khẩn cấp từ cảng La Ciotat của Địa Trung Hải, gần Marseille, theo thông tin từ Bộ Tài chính Pháp. Ông Sechin đã bị áp lệnh trừng phạt từ tuần trước. Tuy nhiên, tài sản này vẫn chưa bị nhà nước thu giữ.

Các nước phương Tây đòi tịch thu du thuyền, dinh thự,... của giới tài phiệt Nga: 'Nói dễ hơn làm' - Ảnh 2.

Siêu du thuyền của ông Sechin đang neo tại Pháp. (Ảnh: Bloomberg).

Trong khi đó, siêu du thuyền của tỷ phú Usmanov được cập cảng ở Hamburg, Đức và sẽ cần giấy tờ hợp pháp để khởi hành. Một cơ quan địa phương cho biết "sẽ không có chiếc du thuyền nào được phép rời cảng nếu không có sự chấp thuận từ cơ quan chức năng".

Ngoài ra, nhiều du thuyền hạng sang do giới nhà giàu Nga sở hữu đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia đã áp lệnh trừng phạt. Trong số các tàu đang đi vòng quanh Maldives lúc này có chiếc Nord dài 141 m, thuộc sở hữu của Alexey Mordashov, một tỷ phú ngành thép đã bị EU áp lệnh trừng phạt từ đầu tuần trước.

Du thuyền và máy bay chỉ là một khía cạnh nhỏ. Các tỷ phú Nga còn sở hữu những khối tài sản khổng lồ, bao gồm tài khoản ngân hàng, quỹ tín thác hoặc bất động sản nằm trong một loạt công ty vỏ bọc nước ngoài.

Yuliya Guseva, giáo sư tại Trường Luật Rutgers cho biết: "Các cơ quan quản lý có thể bị choáng ngợp bởi khối tài sản cũng như giao dịch khổng lồ của họ".

Rebecca Lee, lãnh đạo công ty chia sẻ dữ liệu web OpenCor Enterprises cho biết: "Việc thành lập các công ty và kết hợp hàng trăm công ty như vậy thành các mạng lưới phức tạp trên toàn cầu, thường là ở các khu vực pháp lý nước ngoài rất bí mật, gây khó dễ cho các cơ quan chức năng".

Thực tế, đã có tiền lệ về việc giới tỷ phú Nga dùng các công ty vỏ bọc để né tránh các lệnh trừng phạt.

Các công ty vỏ bọc có liên hệ với Arkady và Boris Rotenberg, hai anh em tỷ phú thân cận với ông Putin, đã chuyển hơn 120 triệu USD cho Nga trong thời hạn 4 ngày vào năm 2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea, theo báo cáo của Thượng viện Mỹ năm 2020.

Hai anh em tỷ phú này cũng sử dụng đơn vị trung gian để mua tác phẩm nghệ thuật cho các công ty mà họ sở hữu hoặc tài trợ, theo báo cáo. Số tiền mua tại các nhà đấu giá và thông qua các đại lý tư nhân ở New York, lên tới 18,4 triệu USD.

Tiền điện tử - thách thức của các cơ quan chức năng

Sự xuất hiện của tiền điện tử khiến cạnh lệnh trừng phạt càng khó để thực hiện. Giới tỷ phú có thể qua mặt các tổ chức tài chính truyền thống khi hoạt động trên thị trường này.

"Chúng ta đang ở nút giao với tiền mã hóa. Nói thẳng ra là chúng ta cần tập trung vào loại tội phạm mới sử dụng tiền mã hóa", Phó Tổng chưởng lý Lisa Monaco chia sẻ trên Bloomberg TV.

Các cơ quan chức năng Mỹ gần đây đã đạt được một số bước tiến mới trong việc theo dõi dòng tiền mã hóa bất hợp pháp. Dù vậy, Mỹ cũng phải mất hơn 5 năm để thu giữ 3,6 tỷ USD Bitcoin bị đánh cắp trong một vụ hack sàn giao dịch tiền tệ Bitfinex.

Để gây áp lực với Nga, chính phủ các nước cần hành động dứt khoát và nhanh chóng.  Iftimie cho biết việc tập hợp nguồn lực của cơ quan chính phủ cũng như phát huy tối đa thẩm quyền của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đảm bảo những vụ truy thu tài sản không bị sa lầy vào các cuộc đấu đá tại tòa án.

Trong khi đó, Zucman nói rằng khối tài sản ở nhiều khu vực sẽ là một trở ngại lớn. Điều đó có thể được giải quyết bằng cách thúc đẩy các quốc gia cùng tham gia áp lệnh trừng phạt. Thụy Sĩ, quốc gia nổi tiếng về thái độ trung lập trong các vụ việc chính trị, cũng đã theo chân EU áp lệnh trừng phạt lên Nga. Thiên đường thuế Monaco cũng làm điều tương tự

"Nếu các con đường bị đóng cửa ở Anh và Mỹ, thậm chí là Thụy Sĩ, Singapore, thì tiền sẽ chảy về đâu? Nó sẽ đi đến điểm yếu nhất", Justyna Gudzowska, giám đốc chính sách tài chính bất hợp pháp tại tổ chức điều tra Sentry cho biết.

Quốc Anh