|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hành trình làm giàu của ông chủ Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền

15:52 | 28/06/2022
Chia sẻ
Tỷ phú Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) vừa qua đã tiệm cận trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi giá cổ phiếu DGC nằm trong vùng đỉnh lịch sử, giá trị vốn hóa gần 17.000 tỷ đồng.

 Đồ họa: Justin Bùi.

Quá trình đi lên của ông Đào Hữu Huyền gắn bó mật thiết với sự phát triển của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, khi từng bước đưa công ty này trở thành doanh nghiệp hóa chất hàng đầu Việt Nam.

Từ kỹ sư ngành hóa đến ông chủ Hóa chất Đức Giang

Trở về sau khi đi du học Áo với chuyên ngành hóa học, ông Đào Hữu Huyền (sinh năm 1956) đã thành lập doanh nghiệp là Công ty TNHH Văn Minh vào năm 1993 chuyên nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về bán cho thị trường trong nước. Hiện Công ty Văn Minh vẫn còn hoạt động với người đại diện là bà Nguyễn Thị Hồng Lan, vợ của ông Huyền.

 Đồ họa: Justin Bùi.

Đến tháng 4/2004, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) đã hoàn thành công tác và chuyển đổi mô hình dưới hình thức công ty cổ phần. 

Đến năm 2007, khi nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 20%, ông Đào Hữu Huyền và người vợ Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại lượng lớn cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất tại DGC. Cũng từ đây, ông Huyền chính thức lèo lái công ty với vai trò Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT, bắt đầu đưa DGC theo hướng phát triển mới.

Trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2014, DGC chủ yếu sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa, các hoạt động này chiếm gần 70% doanh thu thuần của công ty trong các năm 2012, 2013.

Không lâu sau, nhận thấy sản phẩm phốt pho là mặt hàng chiến lược của thế giới, ông Huyền quyết định chi 2.000 tỷ đồng để đầu tư Tổ hợp nhà máy hóa chất Đức Giang Lào Cai. 

Cùng với Nhà máy phốt pho vàng của công ty lúc đó thì dự án tại Lào Cai (khánh thành năm 2014) đang là tổ hợp hóa chất chế biến sâu quặng apatit lớn và đa dạng sản phẩm tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cả hai dự án nói trên đã đưa DGC sang trang mới của ngành hóa chất.

Cũng năm 2014, ông Đào Hữu Huyền quyết định đưa Hóa chất Đức Giang lên niêm yết trên sàn HNX với số vốn điều lệ xấp xỉ 335 tỷ đồng.

Phốt pho vàng là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp ứng dụng; trong đó, có ngành công nghiệp bán dẫn, linh kiện điện tử. Năm 2021, phốt pho và các sản phẩm hóa chất chiếm 60% doanh thu DGC nhưng chiếm đến 80% theo tỉ trọng xuất khẩu.

Sau tái cấu trúc, chuỗi giá trị phốt pho của DGC đã hoàn thiện hơn với đầy đủ các sản phẩm như phốt pho vàng, axít phốt pho ric nhiệt (HPO) và trích ly (WPA), các loại phân bón (SSP, DSP và MAP), phụ gia thức ăn chăn nuôi (DCP) và các loại chất tẩy rửa

Bên cạnh đó, DGC còn có lợi thế rất lớn khi Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á có nguồn quặng Apatit tại Lào Cai- nguyên liệu cơ bản để sản xuất phốt pho vàng dồi dào với sản lượng khai thác dự kiến 3,7 triệu tấn trong vòng 6 năm. 

Cuối năm 2019, DGC mua thêm nhà máy Vinachem đưa công suất P4 lên 60.000 tấn/năm, thành mặt hàng chủ lực đưa DGC lên tầm cao mới và ghi tên P4 Việt Nam vào bản đồ hóa chất thế giới.

Tập khách hàng của DGC cũng là những doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng gồm điện tử, thực phẩm, chăn nuôi như Mitsubishi, UNID Global Corp, UPL, CJ, Cargill, Proconco, Wilmar International, Chemicals,...

Bức tranh kinh doanh theo đó cũng khởi sắc với mức tăng trưởng lợi nhuận hằng năm đều trên hai chữ số. Đặc biệt, năm 2018, nhờ sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai mà mức lợi nhuận trước thuế của DGC đã tăng vọt hơn 5 lần lên 907 tỷ đồng. Doanh thu cũng vượt mốc 6.000 tỷ đồng mà trong đó hơn 90% đến từ xuất khẩu. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của DGC.

Giai đoạn 2020 – 2021, DGC tăng trưởng thần tốc trong bối cảnh thiếu hụt phốt pho vàng, khối tài sản cũng tăng mạnh từ 5.800 tỷ năm lên 8.500 tỷ đồng cuối năm 2021.

Nhóm người thân đang nắm trên 42% cổ phần

Còn trên thị trường chứng khoán, giá DGC đã âm thầm tăng từ vùng 8.000 đồng/cp từ khi lên sàn lên gấp 10 lần tính đến cuối năm 2021. Đặc biệt giữa thông tin Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem thoái vốn DGC, giá cổ phiếu DGC đã lên mốc ba chữ số và đạt đỉnh tại vùng 141.000 đồng/cp.

 Giá cổ phiếu DGC đã tăng liên tục từ khi lên sàn đến nay. (Nguồn: TradingView). 

Cũng nhờ đà tăng này mà tài sản của cổ đông nhất là nhóm cổ đông lớn liên quan đến ông Đào Hữu Huyền cũng tăng mạnh. Cá nhân ông Huyền nắm 18,5% vốn, tương ứng 68,6 triệu cổ phiếu, giá trị thị trường hơn 8.100 tỷ đồng . Ngoài DGC, ông Huyền còn sở hữu cổ phiếu PAT của CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông Đào Hữu Huyền còn được biết đến là “ông bầu” có tiếng trong môn bóng chuyền tại Việt Nam. Câu lạc bộ bóng chuyền Hóa chất Đức Giang Hà Nội là đơn vị mà vị doanh nhân gốc Hưng Yên đang đầu tư vào.

Theo báo cáo quản trị , người thân và ông Huyền nắm tổng cộng trên 42% cổ phần của DGC, với giá trị thị trường tính tới 28/6 gần 19.000 tỷ đồng.

Không những gia tăng tài sản nhờ giá cổ phiếu, ông Huyền cùng gia đình ông cũng hưởng được thành quả thông qua việc DGC đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ từ 30% - 40%, riêng năm 2021 lên tới 127%.

Danh sách các thành viên trong gia đình ông Đào Hữu Huyền sở hữu cổ phần tại DGC.

Minh Hằng