|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giá trị doanh nghiệp và cái giá đầu cơ cổ phiếu

07:55 | 22/03/2024
Chia sẻ
Nền tảng cơ bản của doanh nghiệp và chu kỳ thị trường đóng vai trò quan trọng với hiệu suất đầu tư chứng khoán. Việc đề cao quản trị rủi ro cùng với sở hữu chiến lược rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư chiến thắng thị trường trong dài hạn.

Sau khi tạo đáy ở vùng 900 - 920 điểm cuối 2022, VN-Index đã có bước phục hồi đáng kể về vùng 1.250 – 1.270 sau 16 tháng, tương ứng mức phục hồi hơn 38% từ đáy và cách đỉnh khoảng 18%.

Đây được cho là điểm mức phục hồi tương đối tốt, tuy nhiên sự phân hóa là rất lớn. Nhiều cổ phiếu hiện nay thậm chí về vùng đỉnh hay thậm chí vượt đỉnh được thiết lập khi thị trường chung “bong bóng” vào đầu 2022 nhưng cũng có nhiều cổ phiếu khiến các nhà đầu tư nắm giữ vẫn đang rất “xa bờ”. 

Theo thống kê của FIDT, tính đến ngày 18/3/2024 với 396 mã cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HoSE thì 69 mã cổ phiếu đã về gần vùng đỉnh (cách đỉnh không quá 5%) hoặc vượt đỉnh thiết lập trong giai đoạn 2020 - 2022, chiếm tỷ lệ 17,4%. 

Trong khi đó, còn tới 285 mã cổ phiếu khiến nhà đầu tư lỗ trên 20% khi mua vùng giá đỉnh, chiếm tỷ trọng khoảng 72%. Do đó, nếu nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu rơi vào xác suất 72% này, khả năng cao là underperform hay hiệu suất đang thua kém thị trường chung, và đang lỗ nếu vẫn nắm giữ từ vùng đỉnh.

Vậy điều gì tạo nên sự phân hóa này và đâu là bài học cho các nhà đầu tư đang “kẹp hàng”?

Dữ liệu cho thấy các cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ sau tạo đáy là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản (FA) mạnh mẽ và chứng minh được tiềm năng tăng trưởng. 

Trong nhóm này đại diện bởi nhiều cái tên quen thuộc như FPT, FPT Retail (FRT), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Viettel Construction (CTR) đại diện cho nhóm cổ phiếu chứng minh tiềm năng tăng trưởng dài dạn; nhóm ngân hàng với Vietcombank (VCB), BIDV (BID), ACB được xem là các ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu hệ thống.

Ngoài ra còn có các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt khác như Hóa chất Đức Giang (DGC), Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2), MB (MBB) đều tiệm cận vùng đỉnh. 

Ngược lại, các cổ phiếu mang tính chu kỳ mạnh và các cổ phiếu đầu cơ đa phần còn cách xa vùng đỉnh, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ được gọi tên nhiều trong thị trường tăng (uptrend) như DRH, LDG… còn cách đỉnh hơn 80%. 

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của CTCP FIDT. Ảnh: NVCC.

Đặc trưng của các cổ phiếu đầu cơ là tăng rất mạnh trong các uptrend khi dòng tiền trên thị trường dồi dào và tính đầu cơ trên thị trường tăng cao. Sau các đợt uptrend này, cổ phiếu có thể giảm về vùng nền giá quá khứ và không thấy ngày “về bờ”, hình thành các mẫu hình “cây thông” theo cách gọi của các nhà đầu tư. 

Với nhóm các cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh bởi tính chu kỳ thì nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ các yếu tố cơ bản và tính chu kỳ của ngành nếu không sẽ gặp phải nhiều rủi ro khi chu kỳ ngành đã qua. 

Qua thống kê, yếu tố cơ bản (FA) quyết định đến triển vọng dài hạn của cổ phiếu và giúp nhà đầu tư tìm được lợi nhuận bền vững dài hạn. Trong khi đó, nhóm đầu tư cơ chịu tác động bởi chu kỳ thị trường và có tính rủi ro cao, đòi hỏi độ am hiểu thị trường và chuẩn bị các kế hoạch hành động sẵn sàng trước khi tham gia “lướt sóng”.

Tính kỷ luật không chỉ giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định dựa trên lý trí mà còn giúp bạn tránh xa những sai lầm phổ biến như sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO - Fear of Missing Out) hay sự lo lắng khi đã đầu tư (FOBI - Fear of Being Invested) trong những thời điểm thị trường biến động.

Đặc điểm của nhiều cổ phiếu đầu cơ là tác động mạnh mẽ vào tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhiều phiên tăng trần liên tiếp khiến nhà đầu tư FOMO. Đa phần nhà đầu tư tham gia các cổ phiếu này chủ yếu vì lòng tham và chưa chuẩn bị các kịch bản hành động, đặt biệt là “cắt lỗ” để quản trị rủi ro dẫn đến “kẹp hàng”, hay nhiều người gọi vui là từ đầu cơ thành cổ đông dài hạn. 

Để tránh “cạm bẫy” được giăng sẵn này, nhà đầu tư cần phải kiểm soát tâm lý, tránh lòng tham và tuân thủ kỷ luật trong giao dịch (trading). Cách kiểm soát tâm lý và kỷ luật được thực hiện tốt khi nhà đầu tư thiết lập được mục tiêu và kế hoạch đầu tư rõ ràng. 

Quản lý rủi ro cùng với chiến lược đầu tư rõ ràng giúp nhà đầu tư chiến thắng thị trường trong dài hạn. 

Trong đầu tư, việc quản lý rủi ro đóng vai trò quan trọng hơn cả việc tìm kiếm lợi nhuận vì thị trường đi lên chậm nhưng đi xuống rất nhanh. Nếu lãi kép được xem là “kỳ quan thứ 8 của nhân loại” thì có thể xem “lỗ kép” là “kỳ cục” thứ 9 khiến nhiều nhà đầu tư “trắng tay”. 

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet có câu nói nổi tiếng “thứ nhất, không được để mất tiền; thứ hai không quên quy tắc thứ nhất!” muốn nhắc nhở nhà đầu tư về việc kiểm soát rủi ro.

Vậy để đầu tư thành công cần xây dựng một danh mục cổ phiếu có tính đến quản trị rủi ro danh mục. Một số nguyên tắc cần lưu ý để một danh mục hiệu quả cần lưu ý:

Đầu tiên, danh mục cần được xây dựng với tỷ trọng phân bổ chủ yếu vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu đầu cơ nếu có chỉ là trading ngắn hạn và giữ ở tỷ trọng không ảnh hưởng lớn đến tâm lý.

Thứ hai, danh mục cần có độ đa dạng nhất định dù là danh mục của nhà đầu tư cá nhân. Danh mục cá nhân vẫn cần có độ đa dạng nhất định với từ 5 - 7 cổ phiếu đến từ ít nhất 3 ngành khác nhau.

Thứ ba, tỷ trọng phân bổ giữa cổ phiếu và tiền cần theo dõi theo định giá thị trường chứng khoán chung với chiến lược phân bổ nhất định.

Tựu trung lại, “dục tốc bất đạt”, đầu tư chứng khoán là quá trình dài hạn và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cần luôn cần thời gian để phản ánh. Do đó, nhà đầu tư cần kiên trì nắm giữ và chờ đợi sức mạnh của lãi kép phát huy trong dài hạn.

Thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho những nhà đầu tư thông minh. Hiểu rõ bản chất thị trường, tuân thủ kỷ luật đầu tư, và kiên nhẫn với cổ phiếu tốt là chìa khóa dẫn đến thành công trên thị trường.

Giám đốc Phân tích CTCP FIDT Huỳnh Hoàng Phương