Email đêm muộn và khởi nguồn của vụ kiện với Apple Watch
Khoảng 1 giờ sáng (theo giờ California) năm 2013, một nhà khoa học đã gửi email cho CEO Apple, Tim Cook với lời mời chào không thể cưỡng lại được.
“Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta có thể phát triển làn sóng công nghệ mới, giúp đưa Apple trở thành thương hiệu số một trong thị trường y tế, thể dục và chăm sóc sức khỏe”, CEO Tim Cook phản hồi và khoảng 10 giờ sau khi tin nhắn được gửi, nhà tuyển dụng của Apple đã liên lạc với người gửi email đó.
Chỉ vài tuần sau đó, kỹ sư này đã làm việc tại hãng Táo khuyết với tham vọng tạo ra chiếc đồng hồ thông minh có cảm biến sức khỏe, theo Bloomberg.
Đây không phải là một kỹ sư bình thường. Ông là Tiến sĩ Marcelo Lamego, từng là Giám đốc kỹ thuật của Cercacor Laboratories - công ty chị em của Masimo, đơn vị đã kiện Apple và khiến sản phẩm Apple Watch gặp rắc rối tại Mỹ trong tuần cuối cùng của tháng 12.
Quyết định tuyển dụng Tiến sĩ Marcelo Lamego được coi là ngòi nổ khiến Masimo theo đuổi cuộc chiến pháp lý với Apple. Mặc dù nhà sản xuất iPhone phủ nhận mọi sai phạm, Masimo viện dẫn việc Apple lôi kéo nhân viên của họ như một phần trong cáo buộc vi phạm bằng sáng chế.
Đỉnh điểm của cuộc tranh chấp diễn ra vào tháng 12, khi Apple phải rút những chiếc đồng hồ thông minh đời mới nhất khỏi các cửa hàng tại Mỹ, ảnh hưởng đến mảng kinh doanh mang lại khoảng 17 tỷ USD doanh thu hàng năm. Hiện tại, Apple đã tạm thời đưa sản phẩm lên kệ trở lại, song khó khăn vẫn còn chờ ông lớn này phía trước.
Masimo, một nhà sản xuất thiết bị y tế ít tiếng tăm có trụ sở tại Irvine (California) cho rằng Lamego đã lấy đi tài sản quý giá nhất của họ - khả năng đo lường mức oxy trong máu và mang nó đến Apple. Tính năng này cuối cùng đã giúp biến Apple Watch thành một thiết bị chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, củng cố vị thế sản phẩm bán chạy nhất trong ngành thiết bị đeo.
Lamego gia nhập Masimo vào năm 2003 với tư cách là nhà khoa học trước khi trở thành giám đốc công nghệ của Cercacor vào khoảng năm 2006. Cercacor là một công ty con của Masimo và cả hai công ty đều được điều hành bởi Giám đốc điều hành Joe Kiani - người đã giúp phát minh ra phần lớn công nghệ cốt lõi của họ.
Các luật sư của Masimo cho rằng trước khi gia nhập công ty của Kiani, Tiến sĩ Legamo không đủ trình độ để phát triển tính năng đo oxy trong máu (các nghiên cứu trước đây của ông là về giao diện thần kinh hơn là cảm biến sức khỏe). Đồng thời, cáo buộc ông học cách xây dựng công nghệ cảm biến tại công ty trước khi mang đến cho Apple.
Dù Lamego từ chức ở Apple vào tháng 7/2014, chỉ vài tháng sau khi gia nhập, song Masimo lập luận rằng ông rời đi sau khi Apple có được thứ họ cần. Thực tế, lãnh đạo Apple là Steve Hotelling lại cho rằng Lamego không phù hợp với công ty. Lamego gặp mâu thuẫn với các nhà quản lý, yêu cầu ngân sách hàng triệu đô la và muốn có quyền thuê các kỹ sư của riêng mình mà không cần xét duyệt từ lãnh đạo. Sau nhiều tuần thương thảo mà không tìm ra tiếng nói chung, Lamego đã rời Apple.
Chiếc Apple Watch đầu tiên được công bố vài tháng sau đó, vào tháng 9/2014. Nó không có cảm biến oxy trong máu và thay vào đó dựa vào các công nghệ cơ bản hơn, chẳng hạn như máy đọc nhịp tim.
Trước khi Legamo gửi email cho Tim Cook, Apple đã tiếp cận vị chuyên gia này để chiêu dụ. Cuộc gặp xảy ra vào năm 2013, thời điểm Apple và Masimo cũng đang đàm phán cho một khả năng hợp tác. Khi đó, Lamego đã từ chối gia nhập Apple, nhưng thái độ của ông đã thay đổi sau khi Kiani từ chối bổ nhiệm mình làm CTO (Giám đốc công nghệ) của Masimo.
Khi Apple gặp Masimo, họ đang tìm kiếm công nghệ và tài năng có thể hỗ trợ hoạt động sản xuất đồng hồ của mình. Vào thời điểm đó, Masimo tin rằng Apple quan tâm đến việc thực hiện một thỏa thuận. Trong vụ kiện năm 2020, công ty cáo buộc Apple đã sử dụng cuộc họp để tìm hiểu về công nghệ của hãng và tìm cách lôi kéo nhân sự của Masimo.
Ngoài việc tuyển dụng Lamego, Apple cũng chiêu dụ được cựu Giám đốc y tế của Masimo và khoảng 20 nhân viên khác.
Mặc dù email của Lamego là một bằng chứng quan trọng đối với các luật sư của Masimo, nhưng nỗ lực này không đạt được nhiều tiến triển trước thẩm phán sau khi một kỹ sư cấp cao của Apple khai rằng việc phát triển tính năng đo oxy trong máu bắt đầu vào cuối năm 2014 - sau khi Lamego đã rời đi.
Thêm vào đó, thẩm phán bác bỏ một số phần của vụ kiện liên quan đến việc Apple tuyển dụng nhân viên Masimo, cho rằng tuyển dụng hoặc thuê nhân viên từ một công ty khác, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh, không tự bản thân nó đã là hành vi sai trái. Thẩm phán cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Apple đã đánh cắp bí mật thương mại và bồi thẩm đoàn đã đứng về phía Apple với tỷ lệ 6-1.
Sau thời gian làm việc tại Apple, Lamego thành lập công ty riêng là True Wearables. Năm 2016, ông ra mắt thiết bị có tên Oxxiom, được gọi là cảm biến oxy trong máu đeo liên tục và dùng một lần đầu tiên trên thế giới. Masimo đã kiện startup này và giành được lệnh của tòa án ngăn chặn việc bán sản phẩm.
Khi Masimo nộp đơn kiện ban đầu, Apple vẫn chưa đưa cảm biến oxy trong máu ra thị trường. Nhưng 8 tháng sau, Apple Watch Series 6 được giới thiệu với tính năng này và đây là điểm mới quan trọng nhất. Điều này dẫn đến việc Masimo nộp đơn khiếu nại riêng với Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vào năm 2021 cáo buộc tính năng này vi phạm bằng sáng chế của họ.
Tháng 10, ITC đồng ý với khiếu nại và yêu cầu Apple loại bỏ các mẫu vi phạm khỏi Mỹ, bao gồm cả Series 9 và Ultra 2 đời mới nhất. Lệnh cấm này có hiệu lực vào tuần trước sau khi Nhà Trắng từ chối can thiệp. Tuy nhiên, hôm 27/12, phán quyết của tòa phúc thẩm ở Washington đã tạm dừng lệnh cấm của ITC trong khi Apple tìm khắc phục.
Oxy trong máu thường được xem là chỉ số sinh tồn thứ 5. Mức độ bão hòa oxy thích hợp như tỷ lệ phần trăm oxy trong máu của một người so với mức tối đa có thể có, là yêu cầu đối với các chức năng như thở, đi lại và suy nghĩ. Từ lâu, chỉ số này trở thành một trong những chẩn đoán đầu tiên khi bệnh nhân đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ. Thời kỳ đại dịch COVID, các bác sĩ thường mang chỉ số này để đo lường mức độ của người bệnh.
Apple cho rằng Masimo kiện nhằm chuẩn bị cho các sản phẩm đeo tay hướng tới người tiêu dùng của công ty này. Masimo gần đây đã phát hành W1, một chiếc smartwatch với nhiều cảm biến sức khỏe và dự kiến sớm ra mắt Freedom watch với nhiều tính năng sức khỏe hơn.
Để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, Masimo mua Sound United, chủ sở hữu nhà sản xuất loa Bowers & Wilkins, với giá hơn một tỷ USD vào năm ngoái. Apple kiện ngược Masimo vào năm 2022, cho rằng W1 sao chép thiết kế của Apple Watch.
"Masimo đã sao chép từ Apple Watch và đang dựa dẫm vào công sức của chúng tôi", Apple tuyên bố.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Masimo, Joe Kiani nói rằng Apple nên làm khác đi. "Họ không cần phải lôi kéo nhân viên của chúng tôi khi họ có thể hợp tác với chúng tôi. Những nhân viên này bị bắt quả tang về hành vi sai trái, nhưng thay vì xấu hổ và làm điều đúng đắn thì họ chỉ biết đổ lỗi cho người khác", Joe Kiani nói.
Masimo là một thiết bị quen thuộc trong bệnh viện. Công ty cho biết thiết bị theo dõi oxy trong máu, quản lý máu và các phép đo khác của họ được sử dụng trên hơn 200 triệu bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, một phần doanh thu của họ trong hai thập kỷ qua đến từ các vụ kiện đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thiết bị y tế, bao gồm Royal Philips NV, dẫn đến các thỏa thuận dàn xếp hoặc cấp phép.
Apple đang tìm cách khắc phục vấn đề bên cạnh việc kháng cáo phán quyết của ITC. Công ty đã yêu cầu các kỹ sư thay đổi thuật toán phần mềm và trình bày ứng dụng đo oxy trong máu để phớt lờ những tuyên bố của Kiani. Giờ đây, quyết định có đưa Apple Watch trở lại thị trường hay không phụ thuộc vào cơ quan hải quan Mỹ, dự kiến sẽ có quyết định vào ngày 12/1/2024.
Về phần mình, CEO Masimo, Joe Kiani không tin rằng việc sửa phần mềm sẽ giải quyết được tranh chấp liên quan đến bằng sáng chế phần cứng. “Tôi không nghĩ điều đó có thể hiệu quả,” ông nói.
Dù thế nào đi nữa, cả Joe Kiani và Masimo đều có lợi thế. Trước đó, nhiều công ty đã cáo buộc rằng Apple đánh cắp công nghệ của họ và lôi kéo nhân viên, khiến họ phải phá sản hoặc phá sản. Nhưng hiếm có ai thành công.
Apple cho biết họ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải với Masimo. Trong vụ kiện trước đó, Masimo muốn Apple bồi thường thiệt hại hơn 3 tỷ USD. Hiện tại, CEO Masimo không cho biết số tiền hoà giải sẽ là bao nhiêu để Apple Watch đạt được thỏa thuận cấp phép. Nhưng ông có ý định nhấn mạnh vào một sự nhượng bộ: “Cần phải có một lời xin lỗi.”
Nếu điều đó không xảy ra, hai công ty dự kiến sẽ quay lại tòa án vào cuối tháng 10 đề tiếp tục tranh chấp về bằng sáng chế.