Doanh thu xây lắp, bất động sản tăng đột biến, vì sao Vinaconex vẫn lãi 'bèo bọt'?
Báo cáo tài chính quý II/2023 hợp nhất của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex - Mã: VCG) cho thấy doanh thu thuần hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 4.567 tỷ đồng.
Trừ giá vốn, công ty lãi gộp 430 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty ghi nhận thêm lợi nhuận khác (không được thuyết minh) 27 tỷ đồng, gấp 7,6 lần quý II/2022. Kết quả công ty lãi sau thuế 130 tỷ đồng, giảm 24%. Lãi ròng đạt 103 tỷ.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng xây lắp đem về 3.922 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ, trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đem về 1.659 tỷ doanh thu, cùng kỳ chưa ghi nhận.
Trong nửa đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 77% về 202 tỷ, chủ yếu do không còn ghi nhận lãi 663 tỷ từ đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư tại Vinaconex ITC khi đạt được quyền kiểm soát như cùng kỳ. Bù lại, công ty ghi nhận 46 tỷ đồng từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Thời gian qua, Vinaconex đã nhiều lần ra quyết định bán công ty con, chẳng hạn bán 46% cổ phần tại Vinaconsult trong tháng 6 để giảm tỷ lệ sở hữu về 5%. Ngoài ra công ty còn bán hơn 44% vốn của Vinaconex MEC trong ngày 21/6.
Nửa đầu năm, công ty lãi sau thuế 139 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 109 tỷ. Với kết quả này, tổng công ty mới thực hiện được 16% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết: "Giá trị đầu tư công rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận về đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%".
Gần 1.200 tỷ đồng nợ xấu
Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Vinaconex giảm gần 600 tỷ so với đầu năm về 31.409 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 8.612 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.119 tỷ đồng, riêng nợ xấu của Công ty Liên danh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh chiếm một nửa. Đây là công ty là liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C với vốn điều lệ 680 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn 50:50 nhằm thực hiện dự án cùng tên tại Hà Nội.
Cuối quý Ii, Vinaconex ghi nhận giá trị hàng tồn kho 6.690 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và không được thuyết minh chi tiết. Ngoài ra, tổng công ty còn có 6.963 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu nằm ở dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá Cát Bà (5.094 tỷ).
Ngoài khoản tiền, tiền gửi ngân hàng hơn 3.200 tỷ đồng, Vinaconex còn đầu tư 1.106 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác. Nửa đầu năm, công ty lãi 147 tỷ đồng từ tiền gửi, cho vay, lãi trả chậm và 46 tỷ đồng chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Trong khi đó, chi phí lãi vay phải trả 6 tháng đầu năm gần 431 tỷ. Cuối kỳ, công ty đi vay tổng cộng 13.350 tỷ, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó trái phiếu phát hành là 3.569 tỷ. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 9.954 tỷ bao gồm 1.787 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/