|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp chạy đua rót tiền vào bất động sản công nghiệp

07:00 | 16/03/2022
Chia sẻ
Cuộc đua rót tiền vào bất động sản công nghiệp chính thức khởi động khi hàng loạt doanh nghiệp lớn lần lượt công bố chiến lược đầu tư vào lĩnh vực này.

Loạt dự án của Vinhomes, Phát Đạt, Hòa Phát,... và các doanh nghiệp ngoại

Khi xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới với dịch COVID-19 và các đường bay quốc tế dần được nối lại, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành bất động sản (BĐS) đã xúc tiến hoạt động đầu vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

CTCP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ), công ty con của CTCP Vinhomes (Mã: VHM) mới đây đã đề nghị làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes hơn 1.200 ha (tại khu vực CN4, CN5 KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) và hai cụm công nghiệp số 1 (75 ha), cụm công nghiệp số 2 (68 ha) tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), cũng vừa đề xuất nghiên cứu ba KCN có tổng diện tích 2.000 tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bao gồm: KCN Cao Lãnh, KCN Cao Lãnh II và KCN Cao Lãnh III.

Các KCN này dự kiến có tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2025), doanh nghiệp phát triển quy mô 1.000 ha và giai đoạn 2 (2026-2030) doanh nghiệp phát triển quy mô từ 1.000 ha.

Trước đó vào năm ngoái, Phát Đạt bắt đầu phát triển khu hậu cần kho bãi 24 ha ở khu Cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất 1.152 ha ở Quảng Ngãi.

Doanh nghiệp chạy đua rót tiền vào bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.

Đầu tháng 3, thành viên của Hòa Phát được phê duyệt chủ trương mở rộng KCN Phố Nối A thêm 92,5 ha với tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng. (Ảnh: Hòa Phát).

Bên cạnh các dự án đang triển khai như Phố Nối A (600 ha), Yên Mỹ II - giai đoạn 1 (97,5 ha); KCN Hòa Mạc (131 ha), CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) đang đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Ninh Xuân 1.300 ha tại thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.

Một số doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu hợp tác với đối tác ngoại để phát triển KCN như CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) bắt tay VinaCapital và đối tác Singapore đầu tư tổ hợp công nghiệp 500 ha và 200 ha đô thị nhà ở công nhân chuyên gia, nhà ở xã hội tại Bắc Giang. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD.

Hay như VSIP vừa được chấp thuận tài trợ lập quy hoạch KCN Vĩnh Thạnh 900 ha tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Trong thời gian tới, VSIP bắt đầu triển khai dự án VSIP Bình Dương (công viên III) rộng 1.000 ha. Đây là dự án KCN thứ 12 của liên doanh tại Việt Nam.

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An (công ty con của CTCP Đại An) đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Ấn Độ triển khai các dự án trong năm 2022, trong đó có hạ tầng dự án Công viên dược phẩm tại Việt Nam (bao gồm dự án KCN công nghệ cao). Dự án sẽ sử dụng khoảng 900 ha đất tại hai huyện Bình Giang và Thanh Miện với tổng vốn đầu tư dự kiến 10-12 tỷ USD.

Gần đây nhất, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị thành viên của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI), đã ký kết hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu đầu dự án KCN Ninh Sơn có quy mô 600 ha tại, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Gaw NP Industrial - một quỹ đầu tư Hong Kong - cũng vừa cho biết quỹ sẽ sớm lên kế hoạch đầu tư thêm 200-500 triệu USD để mở rộng quỹ đất công nghiệp tại Việt Nam lên 100 ha trong năm 2022.

Cụ thể, Gaw NP Industrial tiếp tục đầu tư các nhà máy mới tại Trung tâm công nghiệp GNP Nam Đinh Vu (Hải Phòng) và Nghệ An. Một trong những dự án này có diện tích 5 ha ở giai đoạn 1 và mở rộng thêm 15 ha ở giai đoạn 2, dự kiến được triển khai vào đầu năm 2023.

Bên cạnh thị trường Bắc Bộ, Gaw NP Industrial đã và đang xúc tiến đầu tư vào miền Nam với hai dự án ở Bình Dương và Đồng Nai, dự kiến ra mắt trong 6 tháng tới. Trong đó, dự án NP Song Than 3 có quy mô 20 ha (trong đó có 700 m2 sàn văn phòng).

Trước đó, quỹ này đã lần lượt đưa vào vận hành và khởi công dự án GNP Yên Bình 1 (13 ha) và dự án nhà xưởng xây sẵn tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2 (16 ha) tại tỉnh Thái Nguyên.

Bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới

Theo đánh giá của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, trong vòng vài năm tới, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình bất động sản công nghiệp, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế hiện đang tích cực tìm kiếm mặt bằng để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

"So với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Trước hết, giá BĐS vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. 

Mặc dù giá BĐS Việt Nam đang trên đà tăng nhưng chúng tôi nhận thấy nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai", ông Matthew Powell nói.

Kể từ năm ngoái, hàng loạt KCN tại các tỉnh thành đã được phê duyệt, cung cấp hàng nghìn ha đất công nghiệp cho nhu cầu tương lai. Bắc Ninh có nhiều dự án nhất với 5 KCN sắp triển khai như KCN Quế Võ III (208,54 ha với tổng vốn đầu tư 120,9 triệu USD); KCN Gia Bình II (250 ha với tổng mức đầu tư 172,2 triệu USD),…

Hay Quảng Trị có các dự án mới như KCN Quảng Trị (481,2 ha với vốn đầu tư 90,2 triệu USD), KCN Triệu Phú (529 ha). 

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc dự kiến có một số dự án mới với tổng nguồn cung 500 ha. Nhiều dự án mới cũng sẽ triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định và Nghệ An.

Ở khu vực phía Nam có thêm 3 KCN mở rộng với tổng diện tích 6.475 ha, bao gồm KCN Long Đức 3 (253 ha), KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (2.627 ha), KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595 ha). Long An dự kiến có KCN Thế Kỷ 119 ha và tổng mức đầu tư 59 triệu USD,...

Ngoài ra, chuyên gia Savills cho rằng vị trí địa lý, chi phí nhân công rẻ hay khả năng tiếp cận các cảng, sân bay quốc tế,... giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Kenny Gaw, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Gaw Capital Partners, chia sẻ: "Các chỉ số vĩ mô tốt, sự cởi mở của Chính phủ cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh là nền tảng để Việt Nam thu hút thêm nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với nhu cầu về BĐS công nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam được kỳ vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới, Gaw Capital Partners cũng muốn nắm bắt cơ hội tại các thị trường phát triển nhanh như vậy".

Nguyên Ngọc