|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán lẻ, phân phối công nghệ xoay xở ra sao trong mùa dịch?

19:25 | 03/11/2020
Chia sẻ
Cắt giảm chi phí, kì vọng lợi nhuận trong những lĩnh vực mới, thậm chí cắt lỗ để chuyển đổi,... các doanh nghiệp phân phối công nghệ đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng trong mùa dịch.

Sau khoảng nửa đầu năm lao đao khi dịch bệnh bất ngờ ập đến, bước sang quí III/2020 các doanh nghiệp trong ngành phân phối, công nghệ đã có bước chuẩn bị kĩ càng hơn, tập trung vào những lĩnh vực mới đem lại doanh thu cao hay đơn giản là cắt giảm chi phí tối đa có thể.

Nhờ vậy, kết thúc quí III, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành như Thế giới di động, đều được cải thiện rõ rệt, doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận tăng so với cùng kì. Tuy nhiên, thực tế, tăng trưởng của doanh nghiệp này đã không còn được dẫn dắt bởi mặt hàng công nghệ.

Doanh nghiệp phân phối công nghệ loay hoay trong dịch bệnh - Ảnh 1.

Tăng trưởng không đến từ công nghệ

Tiêu biểu nhất trong nhóm tăng trưởng không đến từ mảng kinh doanh công nghệ là CTCP Đầu tư Thế giới di động (Mã: MWG)

9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp luỹ kế MWG cải thiện lên 21,7% tăng 3,3% so với mức 18,4% cùng kì năm trước nhờ sự đóng góp tích cực chủ yếu đến từ ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh (FMCGs).

Cụ thể, ngành thực phẩm và FMCGs ghi nhận mức tăng trưởng 112% so với 9 tháng đầu năm 2019, đóng góp 18,6% tổng doanh thu. Trong khi chuỗi nhóm điện thoại di động có mức tăng trưởng âm 14% và chuỗi điện máy xanh chỉ tăng 1% so với cùng kì.

Ngành hàng bán lẻ công nghệ như điện máy, điện thoại sụt giảm liên tiếp trong 3 quí đầu năm, MWG cho biết nguyên nhân từ đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới thu nhập của người dân và ngân sách chi tiêu cho các mặt hàng công nghệ.

Cá biệt, trong 3 quí đầu năm, trước ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nhiều người phải làm việc từ xa, dẫn tới doanh số mảng kinh doanh máy tính xách tay đã bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ 44% so với cùng kì năm ngoái, mang về hơn 2.500 tỉ đồng doanh thu.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 81.352 tỉ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 2.978 tỉ đồng, tăng 0,05% so với cùng kì. Thu nhập từ cổ tức của Công ty mẹ đạt 4.472 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2019 con số này là 1.649 tỉ đồng.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Doanh nghiệp phân phối công nghệ loay hoay trong dịch bệnh - Ảnh 2.

Được nhận định là động lực tăng trưởng trong thời gian tiếp theo, chuỗi cửa hàng Điện máy xanh mini/supermini tiếp tục được MWG tập trung mở mới.

Trong kì, MWG đã tăng thêm 208 cửa hàng, trong đó có 80 cửa hàng Điện Máy Xanh mở mới chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới di động và 137 cửa hàng Bách Hoá Xanh.

Doanh nghiệp cho biết sau hơn 3 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống ĐMX Supermini (ĐMS) đã có mặt tại 12 tỉnh thành khu vực miền Tây, miền Đông và Nam Trung Bộ với tổng số 52 cửa hàng (33 cửa hàng mở mới trong tháng 9).

Lũy kế đến hết tháng 9, Điện máy xanh supermini đóng góp hơn 100 tỉ đồng, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt hơn 1 tỉ đồng/tháng.

Doanh nghiệp bán lẻ, phân phối công nghệ xoay xở ra sao trong mùa dịch? - Ảnh 3.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM đã đóng cửa (Ảnh: TT)

Bên cạnh hoạt những thay đổi trong động kinh doanh, MWG cũng đang cho thấy xu hướng cắt giảm tồn kho các mặt hàng, rất có thể là mặt hàng công nghệ, đi kèm việc đóng cửa bớt các cửa hàng MWG không hiệu quả. 

Báo cáo tài chính quí III/2020 vừa được CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) công bố cho thấy, doanh nghiệp đã tiếp tục tăng lượng tích trữ tiền mặt so với đầu năm và so với cuối quí II/2020.

Cuối quí III, MWG ghi nhận tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn lên đến 13.188 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 6.252 tỉ đồng so với hồi đầu năm nay và 10.879 tỉ đồng vào cuối quí II.

Lượng tiền nắm giữ của MWG tăng vọt trong bối cảnh công ty liên tục cắt giảm hàng tồn kho từ đầu năm nay. Tới thời điểm hiện tại, hàng tồn kho của MWG tiếp tục giảm so với con số cuối quí II, ghi nhận mức 18.013 tỉ đồng và giảm 31% so với con số gần 26.200 tỉ đồng ghi nhận hồi đầu năm nay.

FPT Retail đi tìm cảm hứng tăng trưởng mới

Loay hoay tìm bài toán tăng trưởng khi mảng phân phối và bán lẻ công nghệ đã trở nên bão hoà, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) - đơn vị chủ quản FPT Shop tiếp tục chứng kiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc trong kì. Đây cũng là quí thứ hai liên tiếp FPT Retail ghi nhận mức lỗ từ hoạt động kinh doanh, tổng lỗ 26 tỉ đồng.

Theo đó, doanh thu trong quí III của FPT Retail đạt 3.432 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kì năm trước. Lỗ sau thuế gần 7 tỉ đồng, trong khi cùng kì doanh nghiệp báo lãi 72 tỉ đồng.

Lí giải việc doanh thu và lợi nhuận sụt giảm sâu trong quí III, FPT Retail cho biết do dịch COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời sức mua thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng điện tử và mặt hàng giá trị cao, dẫn tới doanh riêng quí III giảm 1.147 tỉ đồng so với cùng kì năm trước.

Doanh nghiệp phân phối công nghệ loay hoay trong dịch bệnh - Ảnh 3.

Đáng chú ý, theo FPT Retail, ngoài tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thì một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới lợi nhuận suy giảm trong kì là do đơn vị này phải gánh thêm chi phí mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Cụ thể, FPT Long Châu tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng thêm 126 cửa hàng so với cuối quí III/2019 (từ 50 cửa hàng lên 176 cửa hàng).

FPT Retail cho biết, chuỗi nhà thuốc này vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng khiến chi phí tăng, dẫn đến việc chi phí bán hàng trong kì tăng 10% lên 388 tỉ đồng so với cùng kì.

Trong khi Thế Giới Di Động đẩy mạnh phát triển Bách Hoá Xanh và tạm dừng kế hoạch phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang, FPT Retail lại đang xem Long Châu là át chủ bài dẫn dắt tăng trưởng trong những năm tới.

Ban lãnh đạo FPT Retail đã từng rất nhiều lần thể hiện tham vọng bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm và nhận định chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ đóng vai trò như một động lực phát triển tiếp theo cho công ty, đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của doanh nghiệp, tương ứng với 5.000 tỉ đồng.

FPT Retail đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay nâng tổng số nhà thuốc Long Châu lên 220 cửa hàng, doanh thu tăng 3 lần, từ 500 tỉ đồng năm 2019 lên 1.500 tỉ đồng. Xa hơn, doanh nghiệp này kì vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 – 4 năm tới.

Lường trước được khó khăn sẽ gặp phải trong năm nay, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào cuối tháng 5, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail nhấn mạnh: "Chúng ta cứ coi như năm 2020 này là điểm đáy của hệ thống FPT Retail".

Do đó, doanh nghiệp đã chủ động giảm mục tiêu trong năm 2020, với kế hoạch doanh thu giảm 8% về 15.320 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 21% về 220 tỉ đồng.

Thực tế 9 tháng đầu năm, FPT Retail đạt 10.729 tỉ đồng doanh thu và 18 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức giảm 14% và 94% so với cùng kì năm ngoái.

Như vậy, mặc dù đã giảm kì vọng trong năm nay, nhưng sau 9 tháng doanh nghiệp hiện chỉ đạt 8% kế hoạch năm về lợi nhuận và doanh thu đạt 70% so với mục tiêu đề ra trước đó.

Bất ngờ với nhà phân phối Digiworld

Trong khi đó, báo cáo của CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) - doanh nghiệp lớn trong ngành bán buôn sản phẩm công nghệ tại Việt Nam cho thấy doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đều tăng mạnh.

Trong quí III, DGW đạt tổng doanh thu 3.624, tăng 39% so với cùng thời điểm năm ngoái và đây cũng là quí có doanh thu cao nhất kể từ ngày thành lập doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế tăng 44%, đạt 75 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của Digiworld được thiết lập sau khi đã đạt được thỏa thuận hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Apple, để trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm của hãng quả táo tại Việt Nam hồi cuối tháng 6. 

Doanh nghiệp cho biết, nhờ Apple, cùng với sự đóng góp đều đặn của thị phần Xiaomi, doanh thu mảng điện thoại trong kì của đạt doanh số 1.868 tỉ đồng, tăng đến 84% so với cùng kì năm ngoái.

Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 13% so với cùng kì, đạt 1.280 tỉ đồng và hoàn thành sớm kế hoạch năm. Phía DGW cho biết, doanh nghiệp đang dần mở rộng thị phần trong mảng này.

Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm mới hoặc thay thế thiết bị văn phòng giảm xuống, do đó doanh thu mảng này của DGW trong quí III chỉ tăng trưởng 2% so với cùng kì, đạt 414 tỉ đồng.

Ngành hàng tiêu dùng là lĩnh vực kinh doanh duy nhất của DGW ghi nhận doanh thu sụt giảm do tác động tiêu cực từ vụ dịch, giảm 6% đạt doanh thu 62 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, DGW đạt 8.518 tỉ đồng doanh thu thuần (tăng 42%) và đạt 168 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 50%), tương ứng hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2020. 

Thiên Trường