|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đây có thể là cái tên tiếp theo khiến Shopee, Lazada lo lắng

14:28 | 23/07/2021
Chia sẻ
Với kinh nghiệm tại Hàn Quốc và một đợt IPO thành công trên đất Mỹ, đã đến lúc Coupang sẵn sàng cho cuộc chiến Đông Nam Á?

"Làm sao tôi có thể sống thiếu Coupang?"

Đây là khẩu hiệu của một trong những startup công nghệ lớn nhất Hàn Quốc – một khẩu hiệu dường như phù hợp với "ông lớn" Samsung hơn là một công ty non trẻ mới chỉ hoạt động được 11 năm. Dù vậy, nó cho thấy Coupang, vốn vẫn được là "Amazon Hàn Quốc", lấy khách hàng làm trọng tâm đến mức nào.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 1.

Hồi tháng 3, Coupang thực hiện IPO thành công ở thị trường Mỹ. (Ảnh: Coupang).

Coupang đã kêu gọi được 4,6 tỷ USD khi chào Sàn giao dịch chứng khoán New York hồi tháng 3 năm nay. Thành tích này giúp Coupang thành công ty nước ngoài có màn niêm yết ấn tượng nhất ở Mỹ kể từ thời Alibaba (Trung Quốc). Thời điểm đó, ngay cả quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation cũng mua 5,71 triệu cổ phiếu của công ty có trụ sở ở Seoul.

Vậy tại sao Đông Nam Á nên chú ý đến Coupang? Đó là bởi vì ngôi sao thương mại điện tử Hàn Quốc đang tìm cách thâm nhập khu vực này, bằng chứng là một loạt hoạt động tuyển dụng được thực hiện tại Singapore.

Hôm 17/6 vừa qua, ông Bom Kim, người đồng sáng lập và CEO của Coupang, rời ghế chủ tịch và giám đốc Coupang Hàn Quốc để tập trung quản trị trên phạm vi toàn cầu sau khi niêm yết. Dù vậy, ông Kim vẫn là CEO của công ty Coupang Inc niêm yết tại Mỹ. Việc Coupang có thể thâm nhập ĐÔng Nam Á có ý nghĩa gì cho ngành thương mại điện tử này, đặc biệt là đối với cuộc đua Shopee – Lazada?

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 2.

Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu để có một cái nhìn cơ bản về mô hình kinh doanh của Coupang. Được ông Bom Kim, một người rời Đại học Kinh doanh Harvard khi chưa hoàn thành chương trình, sáng lập vào năm 2010, Coupang học hỏi nhiều điều từ Amazon song áp dụng một cách phù hợp ở Hàn Quốc.

Có 3 từ có ý nghĩa khác biệt bên trong Coupang là "rocket" (tên lửa), "wow" (ngạc nhiên) và "dawn" (bình minh). Cả ba đều có liên quan đến dịch vụ giao hàng của sàn thương mại điện tử này.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 2.

Ông Bom Kim, người đồng sáng lập Coupang. (Ảnh: Coupang).

Các đơn hàng "rocket" sẽ được giao tới khách hàng vào ngày tiếp theo. "Rocket Wow" là dịch vụ giao hàng hàng tháng của Coupang, tương tự như Amazon Prime. Giao hàng "dawn" có nghĩa là các đơn hàng sẽ được giao vào lúc "bình minh", cụ thể là trước 7 giờ sáng, ngay cả khi đơn hàng được đặt lúc nửa đêm.

Coupang bắt đầu hoạt động từ hơn một thập niên trước. Ban đầu, nó đi theo mô hình mua theo nhóm như Groupon trước khi chuyển thành một sàn giao dịch hàng hoá. Đến năm 2013, Coupang bắt đầu bán hàng từ chính kho hàng của mình.

Ông Mitchell Kim, một nhà phân tích của Smartkarma, nói với Tech in Asia rằng Coupang đã chứng minh "tất cả đều sai" khi đạt được thành công ở một nền công nghiệp bán lẻ thống lĩnh bởi các cửa hàng và trung tâm thương mại của các tập đoàn lớn.

Để tồn tại trong môi trường bán lẻ khốc liệt như vậy, Coupang đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng logistics toàn diện.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 3.

(Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Theo công ty này, 70% dân số Hàn Quốc sống trong khoảng cách 7 dặm từ một trung tâm logistics của Coupang. Để tận dụng cơ hội vàng ở mảng giao đồ tươi sống, Coupang ra mắt Rocket Fresh vào năm 2020. Công ty này cũng triển khai dịch vụ giao đồ ăn Coupang Eats.

Năm ngoái, Coupang ghi nhận kết quả kinh doanh tốt chưa từng có khi doanh thu tăng lên gần 12 tỷ USD từ con số 6,27 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, lỗ ròng thu gọn xuống còn 475 triệu USD từ con số gần 700 triệu USD của năm 2019.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 5.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 6.

Công nhân Coupang khởi động cho một ca làm việc tại nhà kho. (Ảnh: SCMP).

Coupang chưa giành được thị phần lớn tại Hàn Quốc như cách Amazon làm được ở Mỹ song tỷ trọng tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hoá giao dịch) của Coupang vẫn dẫn đầu so với các đối thủ.

Thành công khó đến mà không đi kèm với những sự đánh đối. Tương tự Amazon, Coupang phải chịu những chỉ trích liên quan đến bóc lột lao động. Trang SCMP nói rằng nhân viên nhà kho của Coupang bị đối xử như "đồ dùng một lần".

Sự tức giận đối với Coupang dâng lên đỉnh điểm khi một số nhân viên được cho là đã qua đời vì kiệt sức trong năm 2020. Chỉ tháng trước, hoả hoạn bốc lên ở một nhà kho của Coupang khiến một lính cứu hoả thiệt mạng. 7.000 người đã kí đơn yêu cầu Coupang chịu trách nhiệm.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 6.

Theo nhiều nhà phân tích, kết quả kinh doanh của Coupang trong quý I năm nay đạt kỳ vọng song vẫn mang lại nhiều nuối tiếc. Lỗ ròng của Coupang lên tới 295 triệu USD, lớn hơn một nửa lỗ ròng ghi nhận trong năm 2020. Dòng tiền hoạt động của Coupang hiện cũng âm ở mức 183 triệu USD sau khi chuyển sang trạng thái dương một năm trước (giảm 498 triệu USD).

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 4.

Thị phần của Coupang so với các đối thủ, xét trên tiêu chí GMV. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Coupang nói rằng chi trả thù lao dựa trên cổ phần, chi phí liên quan đến niêm yết và đầu tư nhà kho là các lý do đằng sau thực tế nói trên.

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý I, ông Gaurav Anand, giám đốc tài chính Coupang, người từng có thời gian làm việc tại Amazon, nhấn mạnh rằng Coupang vẫn ưu tiên thúc đẩy dòng tiền trong dài hạn thay vì tập trung tối ưu lợi nhuận ngắn hạn.

Khác Amazon và Alibaba, Coupang không có mảng kinh doanh đám mây để dựa vào. Nó vận hành trong các lĩnh vực thường có biên lợi nhuận mỏng như thương mại điện tử, giao đồ ăn và đồ tươi sống.

Mặc dù không chia sẻ về kế hoạch, các nhà phân tích dự doán Coupang đang đứng trước áp lực mở rộng ra các thị trường khác sau IPO. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, Coupang đang thực hiện nhiều đợt vận hành thử nghiệm tại Nhật Bản và Đài Loan.

Tại quê nhà, các đối thủ cũng đang nhắm đến Coupang. Chuỗi siêu thị, cửa hàng nhượng quyền như Shinsegae đã bỏ 3 tỷ USD để mua lại 80% cổ phần eBay Hàn Quốc hồi tháng trước để hình thành cuộc đua thương mại điện tử tam mã cùng Coupang và Naver.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 5.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 9.

Thương mại điện tử tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ mang về 172 tỷ USD giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) cho tới năm 2025, theo báo cáo e-Conomy SEA 2020. Trong khi đó, Euromonitor International ước tính GMV mảng thương mại điện tử của Hàn Quốc có thể sẽ chạm mốc 206 tỷ USD vào năm 2024.

Đây là cái tên tiếp theo có thể khiến Shopee, Lazada lo lắng - Ảnh 6.

Dự phóng GMV theo các "cột trụ" khác nhau của nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á tới năm 2025. (Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2020, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Khác Hàn Quốc, Đông Nam Á là thị trường có mức độ phân mảnh cao và nhiều rào cản cần vượt qua: thanh toán, logistics và nguồn nhân lực. Trong khu vực, Singapore là quốc gia có nhiều điểm tương đồng nhất với Hàn Quốc, xét về mức độ phát triển kinh tế và mật độ dân số.

"Ý tưởng sẽ không phải là thiết lập mọi thứ từ đầu", ông Rushit Shan, giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Alcott Global, chia sẻ. Ông nhận định Coupang có thể sẽ thâu tóm các công ty nhỏ hơn trong khu vực. "Tôi không ngạc nhiên nếu thông tin được công bố sớm nhất vào tháng 12 tới", ông dự đoán.

Ông Shan nhấn mạnh Coupang Singapore có thể sẽ đóng vai trò trung tâm xử lý hàng hoá và tập trung vào giao hàng đến tay người dùng. Trung tâm phân phối, được dùng làm nơi lưu trữ hàng hoá, có thể sẽ đặt tại các Indonesia hoặc Thái Lan.

Coupang có thể sẽ thử nghiệm hai mô hình ở Singapore: một nghiêng về mô hình giao hàng nhanh giống Amazon và mô hình còn lại tương tự Shopee hay Lazada với danh mục hàng hoá đa dạng.

Mặc dù Coupang có cả tốc độ giao hàng nhanh và danh mục hàng đa dạng ở Hàn Quóc, giải quyết các vấn đề hạ tầng ở Đông Nam Á không dễ. Sau nhiều năm vận hành tại Đông Nam Á, Shopee và Lazada vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào các công ty logistics bên thứ ba với khả năng cung cấp dịch vụ xử lý hàng hoá hạn chế.

Ông Christopher Beselin, cựu CEO Lazada Việt Nam, nói rằng tính cạnh tranh của Coupang ở Hàn Quốc liên quan chặt chẽ tới mối quan hệ với các nhà cung ứng. Ông đặt ra câu hỏi liệu Coupang có thể tìm kiếm các mối quan hệ tương tự ở Đông Nam Á.

Dù vậy, ông tin rằng vẫn còn cơ hội lớn cho các công ty thương mại điện tử có thể "tìm đến các ngách thị trường khác nhau" nơi "cả Shopee và Lazada đều chưa mạnh".

Thực tế, Coupang cũng là một công ty có mặt tại "sân chơi" thương mại điện tử Hàn Quốc khá muộn. Dù vậy, những gì công ty này làm trong thời gian đầu có thể sẽ được công ty lặp lại ở Đông Nam Á. "Singapore có thể là thị trường khá trung lập để khởi động nhưng nó cũng quá nhỏ để tạo ra tác động. Vì thế, Indonesia là lựa chọn khả thi hơn", ông JJ Chai, CEO công ty thương mại điện tử Rainforest, nói.

Mối quan hệ tốt với các nhà cung ứng tại quê nhà có thể là một điểm mạnh của Coupang tại Đông Nam Á khi nó có thể cung cấp các mặt hàng Hàn Quốc với mức giá thấp hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi người Đông Nam Á rất chuộng đồ Hàn Quốc.

Dù có nhiều năng lực song việc mở rộng vào Đông Nam Á của Coupang có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều "ông lớn" như Alibaba, JD.com, Tencent hay Amazon đều đã thâm nhập vào khu vực này.

Trong hồ sơ IPO, Coupang thừa nhận nó không có lợi thế người đi đầu khi mở rộng ra các thị trường khác. Việc mở rộng có thể không thành công và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Nam Khánh