|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đau đầu các hãng bay: Năm ngoái hedging thì giá nhiên liệu cắm đầu, năm nay bỏ hedging thì giá dầu lên đỉnh

07:45 | 19/10/2021
Chia sẻ
Nhu cầu đi lại vừa nhích lên, giá nhiên liệu đã tăng chóng mặt. Các hãng hàng không chưa qua được cửa ải này đã vướng phải trở ngại khác.

Kinh tế tái mở cửa, giá nhiên liệu tăng sốc

Tuần giữa tháng 10/2021, giá dầu thô leo lên mức cao nhất 7 năm, làm dấy lên lo ngại về chi phí của các hãng hàng không. Trong khi đó, nhu cầu hành khách vẫn chưa quay trở lại đáng kể sau 18 tháng phong tỏa chống dịch.

Xăng máy bay được chưng cất từ dầu thô nên giá hai loại nhiên liệu này thường có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Theo số liệu của Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu bay giữa tháng 10 vào khoảng 95 – 100 USD/thùng tùy theo khu vực, cao gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đau đầu các hãng bay: Năm ngoái hedging thì giá nhiên liệu cắm đầu, năm nay bỏ hedging thì giá dầu lên đỉnh - Ảnh 1.

Tuần trước, Delta Air Lines – một trong những hãng bay lớn nhất nước Mỹ - coi chi phí nhiên liệu là một trong những nguyên nhân chính có thể khiến hãng quay lại hố sâu thua lỗ trong quý cuối năm 2021.

Ông Ed Bastian, Tổng Giám đốc Delta nhận định: "Giá nhiên liệu tiếp tục tăng sẽ gây áp lực lớn lên khả năng tạo lợi nhuận của chúng tôi".

Theo Financial Times, các hãng hàng không trước đây thường chuyển phần tăng chi phí nhiên liệu cho khách hàng bằng cách nâng giá vé. Tuy nhiên hiện nay, ngành hàng không đang hoạt động trong điều kiện đầy rẫy những bất định, số lượng hành khách vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch và một số hãng đang cố gắng kích cầu bằng cách hạ giá vé.

Thêm vào đó, nhiều hãng hàng không đã từ bỏ hoạt động rào chắn rủi ro giá nhiên liệu (hedging) khi thị trường xăng dầu biến động điên cuồng trong năm 2020. Vì vậy trong năm nay, các doanh nghiệp dễ chịu thiệt hại lớn hơn khi giá dầu tăng.

Năm tài chính 2020, hãng bay giá rẻ Ryanair mất 300 triệu USD vì hedging đề phòng trường hợp giá nhiên liệu tăng nhưng thực tế giá lại cắm đầu lao dốc.

Khi lo sợ giá nhiên liệu sẽ tăng trong tương lai, các hãng hàng không có thể phòng vệ bằng cách mua tích trữ nhiên liệu ngay ở thời điểm hiện tại, hoặc sử dụng hợp đồng kỳ hạn (forward) cho phép hãng mua nhiên liệu trong tương lai ở một mức giá nhất định, ví dụ 60 USD/thùng.

Nếu thực tế giá tăng lên 80 USD/thùng, việc hedging sẽ mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên khi giá giảm xuống còn 15 – 20 USD/thùng như thực tế xảy ra vào năm 2020, các hãng hàng không vẫn phải mua với giá đã thỏa thuận là 60 USD/thùng, từ đó dẫn tới lỗ nặng.

Ông Mark Simpson, chuyên gia phân tích hàng không tại công ty chứng khoán Goodbody nhận định: "Đa phần các hãng bay đều chịu thiệt hại khổng lồ vì hedging khi nhu cầu đi lại biến mất vì COVID, còn doanh nghiệp hàng không vẫn phải mua nhiên liệu với giá cao hơn thị trường".

"Vì vậy, hầu hết hãng bay đều cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn việc hedging. Giờ đây, khi giá dầu tăng phi mã, các hãng không có gì để tự bảo vệ mình", ông Simpson nói thêm.

Đau đầu các hãng bay: Năm ngoái hedging thì giá nhiên liệu cắm đầu, năm nay bỏ hedging thì giá dầu lên đỉnh - Ảnh 3.

Một trong số ít những hãng hàng không vẫn phòng vệ một phần đáng kể nhu cầu nhiên liệu của mình là easyJet. Theo Financial Times, hãng bay của Anh này được quyền mua xăng máy bay với giá 500 USD/tấn, tương đương với khoảng 63 USD/thùng, tức là chỉ bằng 2/3 giá thị trường hiện nay.

Lượng nhiên liệu mà hãng này được mua đủ để dùng cho khoảng 55% hoạt động trong năm 2022.

Tuần trước, ông Johan Lundgren, Tổng Giám đốc easyJet nhận định: "Chúng tôi đang ở trong một vị thế tương đối tốt khi so với các hãng khác".

Mặc dù vậy, lãnh đạo của một hãng hàng không tại châu Âu cho biết ông vẫn ủng hộ việc từ bỏ hedging vì hoạt động này bảo vệ được hãng mỗi khi giá dầu lên cao nhưng lại khiến hãng cháy túi khi giá dầu lao dốc, tức là chung cuộc không mang lại lợi lộc gì.

Theo dữ liệu phân tích ngành hàng không của HSBC, các hãng bay có thể chịu đựng được những biến động khổng lồ và kéo dài của giá dầu trong nhiều thấp kỷ nhưng biên lợi nhuận thường thay đổi một cách bất thường.

Chi phí lớn của các hãng hàng không Việt Nam

Tại Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết trong năm 2019, nhiên liệu bay chiếm khoảng 29% tổng chi phí. Năm 2020 là 19% và trong 6 tháng đầu năm nay là 16,44%, thấp hơn so với các năm trước do số lượng chuyến bay giảm mạnh.

Tại ngày 30/6 năm nay, tổng công ty đang tồn kho lượng xăng máy bay Jet A1 trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (một công ty con).

Đau đầu các hãng bay: Năm ngoái hedging thì giá nhiên liệu cắm đầu, năm nay bỏ hedging thì giá dầu lên đỉnh - Ảnh 5.

Tàu bay Vietnam Airlines và xe chở nhiên liệu của Petrolimex tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Vietnam Airlines ước tính nếu giá nhiên liệu bay trung bình/năm thay đổi 1 USD/thùng sẽ khiến chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 170 tỷ đồng/năm.

Để giảm rủi ro giá nhiên liệu, Vietnam Airlines đã dần chuyển sang sử dụng các dòng tàu bay thế hệ mới như Boeng 787, Airbus A350, A321 Neo … là những loại ít tiêu tốn nhiên liệu. 

Trong thời gian tàu bay nằm đất vì dịch năm 2020, Vietnam Airlines đã tranh thủ lắp đặt cánh cong (sharklet) cho nhiều tàu bay. Ước tính cải tiến này giúp hãng tiết kiệm nhiên liệu khoảng 2-4%, tương đương 2.390 tấn trị giá 2 triệu USD mỗi năm năm. Lượng CO2 giảm khoảng 7.500 tấn.

Đau đầu các hãng bay: Năm ngoái hedging thì giá nhiên liệu cắm đầu, năm nay bỏ hedging thì giá dầu lên đỉnh - Ảnh 4.

Tàu bay Vietnam Airlines được lắp cánh cong (sharklet) để giảm lực kéo phát sinh, tiết kiệm nhiên liệu. (Ảnh: VNA).

Theo Chứng khoán HSC, giá nhiên liệu bình quân của Vietnam Airlines trong quý II/2021 là 68,4 USD/thùng, cao gấp hơn hai lần mức 30,01 USD/thùng trong quý II năm ngoái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lỗ gộp tăng từ 2.865 tỷ đồng lên 3.497 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng giá nhiên liệu tăng khiến cho Vietnam Airlines thua lỗ nặng hơn trong năm 2021.

Về phần Vietjet Air, hãng hàng không này từng được hưởng lợi lớn khi tích trữ xăng dầu khi giá xuống thấp hồi đầu năm 2020 rồi sử dụng trong nửa cuối năm, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 6 năm nay, Giám đốc Điều hành Đinh Việt Phương cho biết nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% chi phí vận hành của Vietjet. Năm 2021, lãnh đạo Vietjet cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình biến động thị trường xăng dầu để ra quyết định phòng ngừa rủi ro (hedging) cho phù hợp.

Đức Quyền - Song Ngọc