|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dấu ấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ thuyền trưởng đầu tiên của ngành ngân hàng

08:01 | 20/10/2021
Chia sẻ
Trong năm đầu tiên với cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang đứng dậy từ dịch bệnh, bà sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Là nữ tướng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và cũng là số ít những nữ thống đốc ngân hàng trung ương trên thế giới, bà Nguyễn Thị Hồng đã và đang thể hiện bãn lĩnh và tài lãnh đạo của mình với cương vị là người "thuyền trưởng" dẫn dắt mạch máu của nền kinh tế.

Dấu ấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ thuyền trưởng đầu tiên của ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ tướng bản lĩnh ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: SBV)

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968, tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Ngân hàng và có học vị Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bà Hồng bắt đầu sự nghiệp tại NHNN vào năm 1991 với vị trí Chuyên viên Vụ Quản lý Ngoại hối. Sau hai năm công tác, từ tháng 11/1993, bà chuyển sang công tác tại Vụ Chính sách tiền tệ.

Đến tháng 1/2012, bà được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Tháng 8/2014, bà được bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN. Bà Hồng được đảm nhiệm vị trí này khi mới 46 tuổi.

Đến nhiệm kỳ tiếp theo, bà tiếp tục được Thủ tướng bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 8/2019.

Năm 2019, bà Hồng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Trước khi giữ ghế thống đốc, bà được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đến tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Hồng được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Thống đốc NHNN.

Dấu ấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ thuyền trưởng đầu tiên của ngành ngân hàng - Ảnh 3.

Phải nói rằng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận nhiệm vụ trong một giai đoạn nhiều khó khăn, khi chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực từ bối cảnh vĩ mô do nền kinh tế chịu tác động sâu rộng và chưa có hồi kết của đại dịch COVID-19. 

Sự bất ổn của kinh tế thế giới, sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ tài chính trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội mang lại nhiều thách thức cho các ngân hàng Việt và cả Thống đốc NHNN trong việc điều hành chính sách.

Dù vậy, trong gần một năm nhậm chức, dưới sự chỉ đạo của bà, NHNN được đánh giá đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, giúp duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế.

Trong các tháng đầu năm 2021, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. 

Dấu ấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ thuyền trưởng đầu tiên của ngành ngân hàng - Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP).

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức 5,48% cùng kỳ 2020.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, NHNN đã vận động 16 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính hơn 20.600 tỷ đồng.

Đồng thời, NHNN cùng ngành ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn như tích cực giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương; tái cấp vốn cho các ngân hàng để tài trợ Vietnam Airlines; gỡ khó đối với các doanh nghiệp lúa gạo....

Thành công của doanh nghiệp tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các doanh nghiệp thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Một dấu ấn đáng chú ý khác dưới thời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đó là NHNN đã đạt được thỏa thuận về chính sách tiền tệ với Bộ Tài chính Mỹ, gỡ bỏ được mác "thao túng tiền tệ" và những rủi ro đi kèm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN đã liên tục đưa ra các thay đổi liên quan đến giá mua, bán USD. Từ việc không niêm yết tỷ giá mua bán giao ngay, ngừng giao dịch ngoại tệ giao ngay, cho đến việc giảm sâu tới 150 đồng đối với giá mua USD kỳ hạn 6 tháng.

Động thái này đã phần nào giúp Việt Nam giải thích được với Mỹ rằng chúng ta không dùng tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không công bằng.

Ngoài ra, việc giảm giá mua vào USD trong vài tháng trở lại cũng được giới phân tích đánh giá là sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tỷ giá cũng như cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Đến tháng 8/2021, NHNN chuyển sang mua USD giao ngay thay vì kỳ hạn 6 tháng cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đã trở lại trạng thái bình thường.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ tướng bản lĩnh ngành ngân hàng - Ảnh 2.

(Nguồn: Báo cáo của BVSC).

Dấu ấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Nữ thuyền trưởng đầu tiên của ngành ngân hàng - Ảnh 7.

Nắm giữ vai trò đứng đầu cơ quan nhà nước cao nhất ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phải gánh trên vai những trọng trách lớn lao, đi cùng với đó là nhiều áp lực và thách thức.

Thách thức đầu tiên đó là vấn đề hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi kinh tế khó khăn, người dân e ngại việc đầu tư, nhu cầu vốn của nền kinh tế giảm dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Khi đó xuất hiện những tình huống éo le như "tiền rẻ nhưng ít người vay"; "ngân hàng thừa tiền nhưng nhiều DN lại không có vốn để duy trì hoạt động".

NHNN cần phải điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động các ngân hàng sao cho vừa có thể kiểm soát lạm phát (năm nay là 4%) vừa hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Một bài toán và cũng là yêu cầu không nhỏ đối với ngành ngân hàng hiện nay là vừa tăng trưởng tín dụng trong đại dịch, vừa ngăn nợ xấu gia tăng, xử lý được nợ xấu tồn đọng. Đồng thời, bảo đảm hệ thống các TCTD phát triển ổn định, bền vững, an toàn đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Vấn đề tái cơ cấu ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục được quan tâm khi Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn nhiều dang dở như việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng yếu kém bị tắc nghẽn, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh...

Một kỳ vọng khác đặt lên vai nữ thống đốc đó là ngành ngân hàng không chỉ cần dừng lại ở sự ổn định mà còn phải hướng tới câu chuyện hội nhập. 

Bùng nổ của công nghệ số đã khiến nhiều ngành thay đổi rõ rệt, đặc biệt với sự xuất hiện các công cụ tài chính mới như tiền kỹ thuật số, mobile money, fintech,... Do đó, ngành ngân hàng cần nhanh chóng có được bộ khung pháp lý để bắt nhịp với thời cuộc. 

Lê Huy