|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua sản xuất thuốc trị COVID-19 nóng lên toàn cầu với nhiều ứng cử viên sáng giá

20:35 | 26/07/2021
Chia sẻ
Nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đang nhanh chóng thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng với kỳ vọng có thể tung ra thị trường thuốc điều trị COVID-19, sớm nhất là vào cuối năm nay. Đặc biệt là khi số ca mắc COVID-19 do biến chủng Delta gia tăng mạnh ngay tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Các chuyên gia dịch tễ học trên thế giới cho rằng, COVID-19 và các biến chủng của loại vi rút này sẽ không biến mất hoàn toàn mà sẽ tồn tại giống như cúm mùa. Chính bởi thế, việc điều chế một loại thuốc uống chữa COVID-19 tại nhà, giúp giảm thiểu khả năng nhập viện là điều vô cùng cần thiết.

Trong cuộc đua tìm viên thuốc uống giúp điều trị COVID-19 trên thế giới, hiện đã xuất hiện ba ứng cử viên sáng giá hãng là ba hãng dược phẩm của Mỹ và Nhật Bản, dù rằng thời điểm các loại thuốc này được tung ra thị trường vẫn là một dấu hỏi.

Nhiều 'ứng cử viên' sáng giá trong cuộc đua chế tạo thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đang nhanh chóng thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng với kỳ vọng có thể tung ra thị trường sản phẩm điều trị COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Cuộc đua trị giá hàng tỷ USD

Mới đây, hãng dược phẩm Shionogi có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản đã tuyên bố chính thức nhảy vào cuộc đua sản xuất thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hãng dược phẩm này cũng chính là nhà sản xuất ra loại thuốc giảm cholesterol Crestor nổi tiếng.

Theo thông báo của Shionogi, loại thuốc do hãng này phát triển được sử dụng với liều lượng mỗi ngày uống một lần, loại thuốc này sẽ giúp việc điều trị COVID-19 trở nên dễ dàng hơn khi bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà.

Cuộc thử nghiệm thuốc và xác định các tác dụng phụ vừa được diễn ra trong tháng 7. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm thuốc của hãng dược phẩm này nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022.

Hãng dược phẩm Nhật Bản này đã bước vào cuộc đua điều chế thuốc trị COVID-19 chậm hơn so với các đối thủ phương Tây, cụ thể là Pfizer và Merck (đều của Mỹ). Cả hai công ty dược phẩm Pfizer và Merck đều dự kiến sẽ hoàn thành quá trình thử nghiệm và sẵn sàng tung ra thị trường thuốc điều trị COVID-19 vào cuối năm nay.

Có thể nói, Mỹ hiện đang là quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm một số loại thuốc tiềm năng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Reuter đưa tin, ngày 17/6, Mỹ đã rót 3,2 tỷ USD để thúc đẩy việc phát triển thuốc kháng vi rút để điều trị COVID-19 và các loại vi rút khác có khả năng gây ra đại dịch. Số tiền này được tập trung đầu tư cho 19 loại thuốc uống điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm, nhằm đẩy mạnh thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Nhiều 'ứng cử viên' sáng giá trong cuộc đua chế tạo thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 2.

Pfizer là một trong những hãng dược phẩm đầu tiên điều chế thành công vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Pfizer, gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ phát triển thành công vắc xin sử dụng công nghệ mRNA, đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm đầu tiên thuốc điều trị COVID-19 từ tháng 3.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 sẽ đánh giá liệu thuốc có cải thiện được tình trạng ở bệnh nhân COVID-19. Thường quá trình này sẽ phải mất nhiều năm nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh, Pfizer cho biết sẽ rút ngắn còn vài tháng nếu giai đoạn 1 thành công.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, thuốc viên uống 2 lần/ngày của họ sẽ sẵn sàng được tung ra thị trường sớm nhất trong năm nay. Pfizer hiện đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm quy mô lớn trên 2.000 bệnh nhân.

Một hãng dược phẩm của Mỹ cũng đang dẫn đầu cuộc đua là Merck & Co. Vào đầu tháng 6, Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi trả khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liều trình thuốc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 của hãng dược phẩm này nêu sản phẩm được cấp phép sử dụng. Điều này cho thấy chi phí điều trị cho một bệnh nhân sẽ rơi vào khoảng 700 USD.

Loại thuốc mà Merck đang phát triển có tên Molnupiravir. Loại thuốc này sẽ được dùng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa. Thuốc Molnupiravir hiện đang được nghiên cứu ở giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và kết quả dự kiến được công bố vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Thuốc điều trị COVID-19 hoạt động ra sao?

Theo thông tin trên website của Merck, thuốc Molnupiravir (EIDD-2801/ MK-4482) của hãng là thuốc uống có tác dụng ức chế sự sao chép và nhân bản của nhiều loại vi rút RNA, trong đó có SARS-CoV-2.

Loại thuốc này sẽ ức chế bằng cách làm tràn ngập bộ gene của vi rút bằng các đột biến lỗi, khiến bộ gene của vi rút mất tác dụng. Như vậy, vi rút không thể tiếp tục đột biến và dần giảm số lượng. Molnupiravir đã chứng minh là có tác dụng trong một số mô hình SARS-CoV-2, bao gồm điều trị và ngăn ngừa lây truyền.

Trong khi đó, thuốc điều trị của Pfizer và Shionogi ngăn chặn vi rút lây lan bằng cách ức chế một loại enzyme gọi là protease mà vi rút cần để tự sao chép bên trong tế bào người. Các chất ức chế protease đang được sử dụng rộng rãi để chống lại những căn bệnh do vi rút khác gây ra, trong đó có cả bệnh AIDS do virus HIV gây ra.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất trong phương pháp điều trị này chính là khả năng chống chịu của vi rút với thuốc.

Ông Isao Teshirogi, Giám đốc điều hành của Shionogi, cho biết nghiên cứu ban đầu cho thấy vi rút SARS-CoV-2 không dễ đột biến để có thể vượt qua các tác dụng của thuốc do hãng này phát triển.

Vẫn còn đó những thách thức

Các phương pháp điều trị hiện có, bao gồm cả thuốc kháng vi rút dạng truyền remdesivir của Gilead Sciences, đều cần được sử dụng tại bệnh viện và chỉ có tác dụng tùy từng trường hợp. Các loại thuốc khác cũng được sử dụng trong bệnh viện bao gồm thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như thuốc do Regeneron Pharmaceuticals sản xuất và steroid dexamethasone.

Nhiều 'ứng cử viên' sáng giá trong cuộc đua chế tạo thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 3.

Các loại thuốc điều trị COVID-19 đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng đều gặp khó khăn trong việc điều trị các ca bệnh nghiêm trọng, nhập viện. (Ảnh: The Times of Israel).

Các nhà sản xuất đang hướng tới một loại thuốc để những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện những triệu chứng nhẹ.

Trong việc điều trị bệnh cúm đã có những loại thuốc như vậy, ví dụ như Tamiflu của Roche và Xofluza của Shionogi, mặc dù chúng không có tác dụng với tất cả bệnh nhân và phải chờ kê đơn.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra thuốc uống an toàn, giống như Tamiflu và Xofluza”, Giám đốc điều hành Shionogi, ông Isao Teshirogi cho biết. Ông thông tin viên điều trị COVID-19 của hãng được thiết kế để vô hiệu hóa virus trong 5 ngày kể từ khi uống.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều rào cản trước mặt các hãng dược phẩm, nhất là trên phương diện khoa học.

Các nhà khoa học của Pfizer đã sớm gặp phải trở ngại khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy thuốc của hãng này có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi rút COVID-19 nhưng nồng độ lại không đủ mạnh để chống lại vi rút trong cơ thể người, Reuter đưa tin.

Trong khi đó, "ứng cử viên" của Merck gần đây đã có một bước lùi trong cuộc đua của mình khi công ty chi biết họ sẽ không sử dụng nó cho bệnh nhân nặng, nằm viện. Hãng dược phẩm này sẽ thử nghiệm giai đoạn cuối trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc COVID-19, có triệu chứng không quá 5 ngày và có ít nhất một nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như cao tuổi, béo phì hoặc tiểu đường.

Tỷ lệ thất bại đối với các thử nghiệm thuốc nhìn chung là khá cao. Bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, ngay cả một tác dụng tương đối nhẹ như buồn nôn, cũng có thể phá hủy "mơ ước" về một loại thuốc viên trị COVID-19 sử dụng tại nhà.

Phương Trang