|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Đồng loạt tăng giá với thanh khoản bùng nổ, BIDV lên kế hoạch phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức

14:08 | 27/11/2021
Chia sẻ
Tuần giao dịch 22 - 26/11 có tới 26/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Thanh khoản bùng nổ với hơn 1,32 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 44.548 tỷ đồng, tăng gần 70% về khối lượng và tăng 79% về giá trị so với tuần trước.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 26/27 mã tăng giá, BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: BIDV).

26/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần

Tuần giao dịch 22/11 - 26/11 chứng kiến sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tính chung 5 ngày giao dịch, có 26/27 mã ngân hàng tăng giá với VIB là mã tăng mạnh nhất (+15,4%).

Cùng với đó là 4 mã khác ghi nhận mức tăng trên 10% trong tuần gồm OCB (+14,3%), MSB (+12,8%), SSB (+11,8%) và STB (+10,6%). Nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn như VCB, MBB, CTG, HDB, BID ... cũng tăng thấp nhất là 2,4%.

Thông tin về việc được cấp thêm hạn mức tín dụng là một trong những động lực chính cho diễn biến tích cực của cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua.

Theo Chứng khoán BSC, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).

Trong khi đó, trái ngược với đà tăng mạnh của tuần trước, cổ phiếu PGB của PG Bank là mã ngân hàng duy nhất giảm giá trong tuần qua. Kết phiên 26/11, thị giá cổ phiếu PGB ở mức 37.200 đồng/cp, giảm nhẹ 1,3% so với trước đó một tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 26/27 mã tăng giá, BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tuần giao dịch vừa qua cũng ghi nhận dòng tiền "hưng phấn" chảy vào nhóm cổ phiếu "vua". Cụ thể, trong tuần có tổng cộng hơn 1,32 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 44.548 tỷ đồng, tăng gần 70% về khối lượng và tăng 79% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, STB sở hữu khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần hơn 172 triệu đơn vị, chiếm hơn 13% tổng số cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trong tuần. Riêng phiên giao dịch 24/11, cổ phiếu này chứng kiến 67,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên, cao nhất trong nửa năm trở lại và gấp 3,7 lần trung bình của 10 phiên gần nhất.

Xếp tiếp sau STB lần lượt là VPB với hơn 149,5 triệu cp, TCB với hơn 134 triệu cp, MBB gần hơn 124,1 triệu cp và LPB hơn 113,2 triệu cp. Đây cũng là những mã có thanh khoản đạt trên 100 triệu đơn vị trong tuần.

Mặt khác, TCB lại là mã ngân hàng có giá trị giao dịch cao nhất ngành với gần 7.256 tỷ đồng, bỏ xa các mã sau đó là VPB (5.653 tỷ đồng), STB (5.150 tỷ đồng), MBB (3.729 tỷ đồng).

Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay bán ròng 1.477 tỷ đồng cổ phiếu VPB, và ngược lại mua ròng 265 tỷ đồng CTG, 167 tỷ đồng STB, 158 tỷ đồng VCB...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 26/27 mã tăng giá, BIDV muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

BIDV xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành tối đa hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 25,77%, để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại luỹ kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020. Nếu hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

NHNN cho biết đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Theo nguồn tin từ GlobalCapitalAsia, VietinBank mới đây đã nhận được khoản vay hợp vốn thứ hai trong năm nay, trị giá 1 tỷ USD. Khoản vay này của VietinBank có thời hạn là 1 năm với lãi suất được tính bằng lãi suất LIBOR + 0,86%/năm, tức dao động khoảng từ 0,97%/năm đến 1,03%/năm.

VIB hủy phương án phát hành tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ theo phê duyệt của đại hội đồng cổ đông. Đây là một trong hai phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua nhằm tăng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lền gần 16.000 tỷ đồng.

Vietcombank rao bán tài sản liên quan dự án của PV GAS, PVE và Địa ốc Phú Long có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Giá rao bán khởi điểm là hơn 419 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn ước chi ra gần 243 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu MSB. Giao dịch diễn ra từ ngày 25/10 - 24/11 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, số cổ phiếu mà ông Tuấn sở hữu tại MSB nâng lên gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương 0,85% vốn điều lệ ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Cùng ngày, em dâu ông Thụy, bà Tống Thị Kiều Hoa cũng đăng ký bán ra 28.336 cổ phiếu. LPB. Các giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1/12 - 15/12 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Huy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.