|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyên gia giải mã trào lưu 'Flex đến hơi thở cuối cùng' và hiệu ứng truyền thông phía sau

16:14 | 17/07/2023
Chia sẻ
Sở hữu các nhóm Facebook hàng triệu thành viên, những người sáng lập sẽ có cơ hội hợp tác với nhãn hàng để thực hiện các chiến dịch quảng bá, truyền thông quy mô lớn.

"Flex" là gì? Đây là câu hỏi được nhiều người thắc mắc nhất trong vài tuần trở lại đây khi trên mạng xã hội ai ai cũng nhắc về cụm từ: "Flex đến hơi thở cuối cùng". 

Theo từ điển Cambrigde, "Flex" là một từ lóng để chỉ hành động khoe khoang về thành tựu của bản thân và thường gây ra sự khó chịu cho người khác. Flex phổ biến trong văn hóa nhạc hip hop, được các rapper sử dụng nhiều trong việc khoe khoang vật chất, thành tựu của bản thân như tiền bạc, xe sang hay một đôi giày hiệu.

Đi cùng với văn hóa hip hop đang nổi lại trong thời gian gần đây, từ Flex cũng nhanh chóng du nhập vào Việt Nam, được sử dụng nhằm chỉ hành động khoe khoang của ai đó. 

Như đã nói, hành động Flex thường gây ra sự khó chịu cho người khác song "Flex đến hơi thở cuối cùng" lại biến thuật ngữ này thành một trào lưu vui vẻ, thu hút sự hưởng ứng của nhiều người thành công trong xã hội, từ diễn viên, ca sĩ cho tới CEO, chủ tịch...

Nhóm cộng đồng Flex đến hơi thở cuối cùng thu hút nhiều người nổi tiếng, thương hiệu tham gia để flexing. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình/Facebook).

7 tuần để tạo nên một trào lưu

"Flex đến hơi thở cuối cùng" là một nhóm cộng đồng trên mạng xã hội Facebook, được thành lập từ cuối tháng 5 với châm ngôn "Flex là cuộc sống, flex là hơi thở, flex là đam mê", khi các thành viên đăng tải nội dung khoe thành tựu của bản thân.

Trào lưu "Flex" được nhóm cộng đồng này thể hiện với màu sắc dễ chịu, khiến người theo dõi phải thán phục, ngưỡng mộ nhiều hơn là tâm trạng bực bội. Khi xem các bài đăng của nhóm, nhiều người dùng bày tỏ cảm thấy được truyền năng lượng tích cực trong học tập và làm việc vì quá nhiều người thành công xuất hiện, với những thành tích đáng nể được đăng tải.

Nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" tăng trưởng thành viên nóng đến mức đội ngũ phát triển quên luôn việc đặt ảnh bìa cho nhóm, vẫn sử dụng khung mặc định của Facebook. (Ảnh chụp màn hình).

Từ đầu tháng 7, số lượng thành viên nhóm này bắt đầu tăng vọt, lên tới con số hàng triệu. Hiện, nhóm sở hữu gần 1,2 triệu thành viên.

Khác với nhiều nhóm cộng đồng khác, "Flex đến hơi thở cuối cùng" quy tụ những nhân vật nổi tiếng tham gia đăng bài như MC Khánh Vy, ca sĩ Hoàng Dũng, CEO BluSagion - Tôn Nữ Xuân Quyên, hay đến các nhãn hàng như Be, Lazada... 

Trong mục Điểm tuần của chương trình Chuyển động 24 do Đài truyền hình quốc gia Việt Nam phát sóng hôm 16/7, nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" đã được nhắc tên như một hiện tượng mạng xã hội trong tuần qua.

Chuyên gia giải mã hiệu quả truyền thông

Giải mã lộ trình phát triển thần tốc của nhóm"Flex đến hơi thở cuối cùng", ông Phùng Thái Học, chuyên gia về phát triển nội dung, đánh giá đây là một hiện tượng thú vị của xã hội. Từ một hành động bị lên án, nay khoe khoang lại mang tới một năng lượng tích cực cho người khác.

"Có hai lý do lớn khiến cộng đồng flex tăng trưởng chóng mặt. Đầu tiên là nhu cầu. Khoe là một nhu cầu bản năng của con người, nó không hề xấu. Vì nhu cầu được chú ý, nhu cầu được thừa nhận, nhu cầu được khẳng định giá trị bản thân là một nhu cầu rất cơ bản của con người. Vấn đề là việc khoe khoang không đúng nơi đúng chỗ, việc khoe khoang quá đà lại mang đến sự khó chịu từ những người xung quanh", ông Phùng Thái Học nói.

Là người sáng lập cộng đồng người làm nội dung lên tới 500.000 thành viên, ông Học hiểu yếu tố mang tính quyết định cho sự tăng trưởng của "Flex đến hơi thở cuối cùng" là văn hóa cộng đồng.

Ông Phùng Thái Học cho biết: "Nhóm này có những nét văn hóa đặc trưng mang hơi thở của bóng đá. Khoe khoang được gọi là ghi bàn, tạo cơ hội cho người khác khoe khoang thì được gọi là kiến tạo, phản hồi lại lời thách thức được gọi là phòng ngự phản công, kiểm tra lời khoe khoang được gọi là check VAR...

Nét văn hóa đó đã mang lại sự thú vị vô cùng lớn cho người theo dõi, khiến cho việc khoe mẽ trở thành một nghệ thuật. Khi đó, thay vì khó chịu khi ai đó khoe khoang, cộng đồng lại tập trung tán thưởng cách mà người ta khoe, khoe sao cho khéo, khoe sao cho hài hước".

Lợi ích "khủng" từ cộng đồng triệu thành viên

Bên cạnh yếu tố nội dung, "Flex đến hơi thở cuối cùng" được hỗ trợ bởi hệ thống các fanpage, nhóm vệ tinh sở hữu hàng triệu lượt theo dõi như "Trường người ta" (3,3 triệu lượt theo dõi), "Why So Serious" (3,2 triệu lượt theo dõi), "Xem cái này không phí tiền mạng" (2,9 triệu lượt theo dõi)...

Đây là những cộng đồng do chính nhà sáng lập của "Flex đến hơi thở cuối cùng" tham gia phát triển và việc sở hữu nguồn tài nguyên lớn như vậy có thể mang đến nguồn lợi "khủng" cho nhà phát triển từ hoạt động quảng cáo hay tiếp thị liên kết.

Nhớ lại, ở thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát khiến người người nhà nhà buộc phải ở trong nhà, người dùng mạng xã hội từng chứng kiến những hiện tượng tương tự với "Yêu bếp (Esheep Kitchen Family) và Nghiện Nhà - hai cộng đồng sở hữu gần 2,4 triệu thành viên mỗi nhóm.

Hai hiện tượng nhóm cộng đồng triệu thành viên thời đại dịch COVID-19. (Ảnh chụp màn hình).

Khi đó, hai nhóm này là không gian để những con người đang bị kìm chân trong nhà chia sẻ những khoảnh khắc bếp núc hay không gian sống của mình - điều mà mọi người ít có cơ hội làm khi còn phải lo toan với cuộc sống bận rộn.

Có thời điểm, lượng thành viên của hai nhóm tính theo con số chục nghìn người tham gia mỗi ngày, mỗi bài đăng của hai group này thu hút sự quan tâm lớn, thậm chí trở nên lan truyền trên mạng xã hội.

Nhờ nguồn tài nguyên đó, Yêu Bếp và Nghiện Nhà đã có cơ hội hợp tác với nhãn hàng để thực hiện các chiến dịch quảng bá, truyền thông quy mô lớn.

Kể từ sau khi giãn cách xã hội kết thúc, hai hội nhóm trên đã có nhiều lần kết hợp với các nhãn hàng để tổ chức những cuộc thi với giải thưởng có giá trị cao.

Trái ngược với Yêu bếp hay Nghiện nhà, ông Phùng Thái Học cho rằng "Flex đến hơi thở cuối cùng" sở hữu sự thành công như hiện nay là nhờ đội ngũ sáng lập có sự nhanh nhạy với xu hướng, chọn đúng thời điểm.

"Nếu Yêu bếp hay Nghiện nhà là những trường được sinh ra trong một bối cảnh xã hội đặc trưng, thì Flex đến hơi thở cuối cùng được sinh ra trong một hoàn cảnh tương đối "bình thường", không có yếu tố nào quá đặc biệt về văn hóa xã hội.

Vì vậy, có thể nói, trong trường hợp này, yếu tố thành công chủ yếu đếm từ sự nhanh nhạy bắt trend của người sáng lập. Việc tạo ra một văn hóa rất đặc thù đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Đặc biệt, đây là một sân chơi mà ai cũng có thể tham gia, vì miễn là bạn đủ sáng tạo, thì bạn có thể flex (khoe) bất cứ thứ gì", ông Học nhận xét.

Theo ông Phùng Thái Học, việc sở hữu một cộng đồng lớn tới hơn một triệu người, nhà sáng lập sẽ có vô vàn nhiều cách để khai thác cộng đồng này. Song, hiện tại vẫn chưa rõ định hướng của ban quản trị sẽ tận dụng nguồn tài nguyên đó như thế nào. "Chúng ta cần phải theo dõi thêm", ông Học nói thêm.

Thành Vũ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.