|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn

07:00 | 13/10/2021
Chia sẻ
"Ai nói làm chủ tịch là sướng? Để có được lợi nhuận, biết bao nhiêu nơron thần kinh phải tiêu đi, chủ tịch cũng sụt 5 ký, lo nghĩ đến bạc cả đầu, bạc cả tóc, bạc cả râu để cho tất cả đều an toàn...", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ.
Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn - Ảnh 1.

Chuỗi cung ứng đứt gãy khiến 90.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm, số còn lại đang kiệt quệ tài chính. Những con số lạnh ngắt khó có thể phản ánh được nỗi lo trăm bề của các doanh nhân khi đại dịch COVID-19 ập đến.  

Sẽ rất khó để có thể cảm nhận được những cơn "đau tim", phen hú hồn hú vía chỉ người trong cuộc mới thấu trong những ngày COVID-19 đã qua.

Ở câu chuyện hôm nay, ông Lực sẽ đồng hành cùng bạn đọc với hành trình 25 năm, 3 cuộc khủng hoảng, 1 đại dịch của Sao Ta.

Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn - Ảnh 2.

Hành trình 25 năm của Sao Ta gắn với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu và nay là đại dịch COVID-19. Vậy theo ông, đâu là bước ngoặt sống còn với Sao Ta?

TS. Hồ Quốc Lực: Tôi bước chân vào ngành chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu từ năm 1983, đến nay đã gần 40 năm.

Những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà doanh nghiệp tôi từng trải qua là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng sau vụ 11/9/2001, khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và bây giờ là đại dịch.

Có những bước ngoặt để hình thành nền tảng phát triển, có bước ngoặt đứng giữa mất – còn.

Năm 1998, Indonesia loạn lạc. Đối tác Nhật Bản muốn rời bỏ thị trường này, tìm kiếm nơi an toàn hơn để giao thương. Tôi nhìn thấy những cơ hội cho ngành tôm cho Sao Ta.

Tuy nhiên, lúc đó trình độ chế biến tôm của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính như Nhật Bản.

Trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn! Tôi nghĩ Sao Ta cần phải lột xác, thoát khỏi vùng an toàn mới có thể lớn mạnh, chúng tôi gấp rút xây dựng xưởng chế biến hàng cao cấp.

Nhờ đó, Sao Ta đã sống và sống mạnh mẽ hơn. Chúng tôi thu hút được nhiều khách hàng Nhật Bản. Đó là nền tảng để Nhật Bản luôn là thị trường trọng điểm của Sao Ta và nhiều khách hàng vẫn duy trì tốt đẹp quan hệ thương mại từ đó đến nay.

Rồi đến khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, lúc đó điều kiện tìm hiểu thông tin không nhanh chóng như bây giờ. Rất nhiều doanh nghiệp tôm và nhiều ngành hàng xuất khẩu khác đứng trước bờ vực phá sản vì khó tiêu thụ sản phẩm và giá cả giảm quá sâu.

Có thời điểm, cứ 1 kg tôm trong kho được chế biến, doanh nghiệp lại chịu lỗ 1 kg. Và căng thẳng nhất là khi cứ mỗi container tôm xuất đi, doanh nghiệp có thể lỗ trên dưới 1 tỷ đồng. Ngay khi nhận thấy sự suy thoái của thị trường, chúng tôi chấp nhận bán cắt lỗ thay vì găm hàng chờ tăng giá.

Qua bao bão táp, cuối cùng Sao Ta cũng lách mình qua cánh cửa hẹp và xốc lại hoạt động từ 2010. Nhiều đồng nghiệp bị thiệt hại nặng phải từ bỏ thương trường, nhiều doanh nghiệp hàng đầu bị tổn thương nặng nề, lần lượt rời cuộc đua trong 2 – 3 năm sau đó.

Đại dịch COVID-19 này có đáng sợ như cú sốc trước, thưa ông?

TS. Hồ Quốc Lực: Mỗi cuộc khủng hoảng có tác động không giống nhau. Nếu những cú sốc trước đó chỉ ảnh hưởng kinh tế, thu nhập, đời sống sẽ dễ chịu đựng và vượt qua.

Song, lần này mức độ tác động của dịch COVID-19 rộng hơn, nhất là tới sức khỏe, tính mạng con người, cho nên đáng quan ngại hơn nhiều.

Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn - Ảnh 3.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đôn đáo tìm công nhân hậu COVID-19, Sao Ta đã khôi phục 100% công suất và bảo toàn được lực lượng lao động. Điều gì giúp người lao động gắn bó với Sao Ta?

TS. Hồ Quốc Lực: Trong ngành hàng của mình, Sao Ta tự hào là doanh nghiệp có sự quan tâm chăm lo người lao động tốt hàng đầu.

Không chỉ đơn thuần là thù lao mà còn ở điều kiện lao động, chăm sóc các phúc lợi và hơn cả là ở cách ứng xử chan hòa thân tình. Ở Sao Ta quan hệ trên dưới rất bình đẳng. Bù lại, người lao động rất gắn bó với mình.

Thí dụ như từ giữa tháng 7 vừa qua, do phải tổ chức sản xuất ba tại chỗ và do dịch bệnh bùng phát, khiến hàng ngàn lao động Sao Ta phải ở nhà, không thu nhập.

Dù chính sách chưa rõ ràng, nhưng Sao Ta vẫn chuyển một số tiền vào tài khoản số lao động này để xoay sở lúc ngặt nghèo.

Khi mở cửa, số lao động này trở lại làm việc đủ hết. Nhờ đó ít nhiều khiến Sao Ta khôi phục hoạt động nhanh hơn.

Ông học được điều gì từ chính đối tác của mình sau 30 năm lăn lộn trên thương trường?

TS. Hồ Quốc Lực: Hơn 30 năm trên thương trường, tôi hiểu rằng ai cũng có lúc hoạn nạn, làm kinh doanh mà biết dựa vào nhau để sống thì mới bền vững. Những năm tôm Việt chìm trong dịch bệnh, nếu không có sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản, có lẽ chúng tôi đã phá sản.

Sau ngần ấy năm năm, tôi vẫn cảm phục, trân trọng cách ứng xử văn minh, văn hóa cảm ơn, biết ơn và đền đáp của người Nhật và coi đó là bài học cho mình.

Chuyện kể thì dài, tôi tóm gọn hai mẩu.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh tấn công toàn cầu song Việt Nam vẫn kiểm soát tốt. Tôi cho anh em kiểm tra các đơn hàng đang có, thấy đơn hàng nào sang Nhật có tỷ suất lợi nhuận còn tốt, chúng tôi chủ động gởi thư điện tử trao đổi, giảm giá 2% với đơn hàng cho đối tác.

Mong rằng, việc chia sẻ tuy không lớn này, sẽ là nguồn động viên bạn sẽ tiêu thụ hàng tốt hơn trong hoàn cảnh này nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn. Bạn sống sót thì chúng tôi mới sống sót. Hy vọng chúng ta có ngày mai hợp tác tốt hơn và tươi sáng hơn.

Đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 9, chuỗi cung ứng tôm bị gián đoạn, khách hàng ráo riết chạy đua cho hàng hóa cuối năm.

Cho nên bây giờ, chính khách hàng chủ động tăng giá cho Sao Ta, cũng như các doanh nghiệp tôm khác nhằm "khuyến khích" giao hàng nhanh hơn.

Thật ra, đó là cách họ chia sẻ khó khăn từ giá cước tàu biển tăng quá mạnh và họ biết mình khó khăn thực sự.

Sao Ta cố gắng sắp xếp lịch giao hàng, chú ý cân bằng và ưu tiên cho khách hàng lâu bền.

Càng qua những lúc khó khăn này, tôi càng thấm thía rằng phương châm hoạt động chúng tôi đang theo đuổi, khách hàng là bạn, chúng ta cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thịnh vượng.

Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn - Ảnh 4.

Chủ tịch Sao Ta: 2 lần phá sản 'hụt', trở thành đại bàng hay chim sẻ là do chúng ta lựa chọn - Ảnh 5.

Có người từng nói: "Khi lợi nhuận lên đến 300%, nhà tư bản có thể đem treo cổ chính họ". Với người làm kinh doanh, tiền mãi mãi là lẽ sống. Ông nghĩ sao về điều này?

TS. Hồ Quốc Lực: Sự phát triển doanh nghiệp ổn định và bền vững với tôi quan trọng hơn. Thà doanh nghiệp lãi ít đi nhưng tồn tại vững vàng thì còn nhiều cơ hội tạo thêm lợi nhuận.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dùng nguyên liệu từ ngành nông nghiệp. Song, nông nghiệp lại bị tác động khá mạnh từ thời tiết, thiên tai… nên tôi luôn đề ra tốc độ phát triển vừa phải nhằm hạn chế rủi ro do vung tay quá trán.

Tuy nhiên, những thời cơ có được vẫn luôn tranh thủ tối đa. Do đó, Sao Ta luôn tâm thế đi lên, kiên trì trên đường thiên lý, chưa năm tài chánh nào bị lỗ dù có lúc đứng bên bờ vực phá sản. Trong khi, bao đồng nghiệp phát triển nóng, rồi hụt rơi. Tệ hơn, té bên lề cuộc đua.

Nếu nói về kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, điều ông tâm đắc nhất là gì?

TS. Hồ Quốc Lực: Cuộc sống và thương trường đầy bất trắc khiến trong tôi lúc nào cũng có cảm giác nghi ngờ. Hiểu góc độ tích cực là mỗi sự kiện, hiện tượng… tôi hay có thói quen nhìn lại nó đa chiều để có một nhận định riêng cho mình. Cái tật này không chỉ là thói quen mà như trở thành "đam mê" của tôi luôn.

Song sau tất cả, cùng Sao Ta vượt qua 3 khủng hoảng, 2 lần "suýt" phá sản, tôi cho rằng dù tích cực hay hoài nghi, sự kiên trì, nỗ lực, thay đổi chính mình luôn là điều quan trọng nhất.

Những lúc gặp khó khăn giống như xe đang lên dốc, tăng hết ga mới biết khả năng thực của xe, còn cứ chạy đường bằng phẳng, thì rất khó đánh giá.

Những sóng gió đã giúp Sao Ta chững chạc hơn. Thưa ông, phiên bản Sao Ta giai đoạn mới có gì đột phá?

TS. Hồ Quốc Lực: Thế hệ của tôi đang qua. Phiên bản mới dành cho lực lượng nguồn, trẻ khỏe và kiến thức toàn diện hơn.

Cho nên, tôi không "vẽ" phiên bản mới và để thế hệ sau tự vẽ tương lai của mình. Tôi sẽ chỉ ra các xu thế để cùng mọi người đi đến thống nhất có cách ứng xử, tìm lối đi phù hợp và tối ưu. Đồng thời, mang kinh nghiệm thương trường của mình cùng thế hệ sau đánh giá, nhìn thấy cơ trong nguy, phúc trong họa.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phạm Mơ (ghi)

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.