|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chọn vàng hay chứng khoán?

09:32 | 06/06/2024
Chia sẻ
Với những biến động lên xuống chóng mặt của vàng mấy tuần nay, không ít bạn bè tôi đã đặt ra những câu hỏi như “có nên mua vàng không?”, “nên đầu tư chứng khoán hay mua vàng?”. Thế rồi lại nổ ra những tranh cãi kiểu như vàng luôn tốt hơn chứng khoán hoặc ngược lại. Tôi quyết định đi làm một bài toán so sánh.

 

Tính từ đầu tháng 1 năm 2019 đến nay, vàng tăng 72%, bạc và đồng tăng hơn 80%. Tính từ đáy COVID-19, giá kim loại bạc và đồng đã tăng gần gấp đôi nhưng trong giai đoạn COVID-19 thì hai kim loại này giảm khoảng 20% còn vàng thì vẫn tăng đều.

Tính ra, trong giai đoạn này sản phẩm giữ giá tốt nhất thì vẫn là vàng, hiệu suất đầu tư vẫn luôn dương mỗi năm từ 2019 đến 2024, đóng vai trò tài sản giảm sốc cho danh mục đầu tư trong khi vẫn kiếm lợi nhuận khá tốt.

So sánh với đầu tư chứng khoán, thì nếu giả sử nhà đầu tư  chọn cách đầu tư thụ động, theo sát chỉ số chứng khoán, thì chỉ có đầu tư vào cổ phiếu công nghệ ở Mỹ là có mức tăng trưởng cao hơn cả đồng, bạc, và vàng cho giai đoạn 2019-2024, khi đo lường theo chỉ số Nasdaq. Các chỉ số chứng khoán phổ biến khác đều không hơn được đà tăng của vàng, một số thậm chí thua khá xa (như Trung Quốc chẳng hạn).

Vậy có phải mua vàng sẽ hơn đầu tư chứng khoán? Chưa chắc!

Nếu cùng nhìn vào các chỉ số này, trượt về giai đoạn 2013 - 2018, thì đầu tư vào vàng, bạc, đồng đều là thứ làm bạn mất tiền trong một giai đoạn khá dài 6 năm. Điều này có nghĩa là vàng không phải chỉ có đi lên mà còn phụ thuộc tùy thời điểm. Giai đoạn 2013 - 2018 khác biệt do kinh tế tăng trưởng tốt, ít rủi ro, lãi suất giảm về gần 0%, lạm phát thấp, nên nhu cầu đầu tư vào vàng trên thế giới không hấp dẫn.

Trong giai đoạn này, có lúc giá vàng thế giới giảm từ trên 1.500 USD/ounce xuống còn có 1.000 USD/ounce, nghĩa là mất giá gần một nửa. Ở Việt Nam, giá vàng SJC từ khoảng 46 triệu đầu 2013, đến cuối 2013 rớt xuống còn 34 triệu, giảm khoảng hơn 11 triệu/năm (tức là mất gần một phần tư giá trị khoản đầu tư). Giai đoạn đó cũng có xuất hiện các bài báo cho rằng “người Việt chán mua vàng”, hoặc tệ hơn còn gọi năm 2013 là “năm đại bại của vàng”.

Tính chung lại 11 năm qua thì trên thị trường quốc tế, vàng, bạc và đồng là thứ có lợi tức vốn không mạnh, thật ra là yếu, chỉ tăng trưởng chừng 2-3%/năm kể từ đầu 2013. Nếu so với mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn của Mỹ thì mức tăng này chỉ cao hơn một chút so với lạm phát. Ở Mỹ thì bạn mua chứng chỉ quỹ đầu tư vàng, bạc, đồng còn phải trừ phí quản lý, do đó tỷ suất sinh lợi cuối cùng chỉ còn chút chênh lệch so với lạm phát.

Trong khi đó, nếu bạn mua cổ phiếu chỉ cần là quỹ thụ động chạy theo chỉ số chứng khoán của Mỹ, thì trung bình mức tăng trưởng của quỹ đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ Nasdaq giúp bạn kiếm hơn 300% từ 2013, tương ứng khoảng 15,6%/năm. S&P 500 tăng trưởng khoảng 11%/năm và Nikkei khoảng 10%/năm.

Với một số nước quen thuộc với Việt Nam như Trung Quốc, Anh hay Australia thì hiệu suất khá thấp chỉ khoảng 2,35 đến 4%/năm, tức là không khá hơn hiệu suất đầu tư từ vàng nhiều, nhưng cũng không kém hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là "vậy Việt Nam thì sao?"

Dân “chơi” chứng khoán có hay đùa là gần 20 năm mà chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn VN-Index mãi không vượt nổi 1200 điểm (tháng 3/2007 đã gần 1200 điểm). Nhưng thật ra VN-Index không hề tệ như bạn tưởng. Nếu lấy 2013 là cột mốc, thì chỉ số này ở mức xung quanh 400 điểm lên trên 1200 điểm như hiện tại, VN-Index đã tăng hơn 3 lần từ 2013.

Trong khi đó, tính trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến nay, giá vàng tăng chưa tới 3 lần, tính từ mốc 34 triệu đồng/lượng lên mức kỷ lục 92 triệu/lượng. Nếu bỏ mức kỷ lục mà lấy mặt bằng giá mấy ngày gần đây, thì vàng tăng không hơn nổi chỉ số chứng khoán từ 2013 tới nay.

Vậy nghĩa là mua chứng khoán với hiệu suất tăng trưởng ngang VN-Index cũng không phải quá tệ so với vàng (thật ra là cao hơn). Đó là nếu bạn tính kế hoạch 10 năm của mình là từ 2013 đến 2024.

Tuy nhiên, nếu bạn lấy mốc 2007 - 2024 thì chứng khoán Việt Nam từ gần 1200 điểm vẫn đang … loanh quanh ở 1200 điểm (!) trong khi vàng quốc tế từ khoảng 650 USD lên trên 2.300 USD, vàng trong nước từ xung quanh 12 triệu lên gần 80 triệu hiện nay (nghĩa là tăng gần 8 lần). Lấy mốc này thời gian này thì chứng khoán không thể so nổi với vàng.

Những tính toán có phần hơi rối rắm trên chỉ ra rằng đầu tư vàng hay đầu tư chứng khoán lợi hơn là tùy thuộc bạn lấy mốc thời gian là bao nhiêu mà so sánh.

Để bảo vệ quan điểm của mình, một người có thể chọn mốc 2013 - 2024 để chỉ ra cho bạn là vàng không hơn chứng khoán. Nhưng một người khác, chọn mốc so sánh 2007 - 2024 thì lại chỉ ra là chứng khoán thua xa vàng ở Việt Nam.

Vì vậy, khi chọn lựa đầu tư, chúng ta không nên lựa chọn một cách mơ hồ "vàng hay chứng khoán", "đầu tư dài hạn hay ngắn hạn", chung chung như một vài lời khuyên đầu tư được đưa ra đại trà.

Đầu tư vàng, mua chứng khoán gì cũng được, quan trọng bạn nên biết mục tiêu đầu tư mình là gì, bạn định nắm giữ khoản đầu tư bao lâu, khẩu vị rủi ro ra sao, xu hướng vĩ mô thế nào, khẩu vị đầu tư của quỹ lớn, của nhà đầu tư cá nhân ra sao, công ty nào có lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền, giá vàng trong nước bị ảnh hưởng bởi những gì.

Tóm lại, không nên bỏ tiền mua một thứ chỉ vì những “câu thần chú" đại trà trên mạng xã hội ngày nay như nên đầu tư dài hạn hay “mua vàng chỉ có lên”, cũng giống như câu thần chú “mua đất chỉ có lên” vậy.

Bạn phải biết, vào thời điểm bạn bỏ tiền ra đầu tư thì vì sao mình mua cái này, vì sao mình bán cái kia, định giữ bao lâu, và có khi nào phải bán khoản đầu tư đi để làm chuyện khác không. Nếu 6 tháng sau cần tiền cưới vợ mà được chỉ cách đầu tư dài hạn 10 năm thì có vẻ “sai sai” rồi.

Và bạn cần biết khi nào cái lý do để mình đầu tư vào vàng hay chứng khoán đã sai rồi, ví dụ chính sách lãi suất thay đổi, lạm phát biến động, công ty đã không còn giữ vị trí hàng đầu thị trường v.v. để quyết định đầu tư tiếp hay là thay đổi chiến lược.

Nói nôm na là khi nào bạn mua một thứ vì lý do A, giờ thực tế A đã sai, khoản đầu tư xuống giá mạnh, nhưng bạn không cắt lỗ, để đó chờ cơ may nó lên lại thì bạn đã đổi từ đầu tư qua … chơi xổ số rồi. Bạn vẫn có thể thắng nhờ may mắn, nhưng đó không còn là đầu tư nữa, mà là đánh cược vận may.

Mà vận may nhiều khi như cô gái đẹp khó tính, ngoảnh mặt với bạn bất cứ lúc nào. 

TS. Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh