Chặng đường 91 năm của Warren Buffett: 11 tuổi bắt đầu chơi chứng khoán, 15 tuổi tự mua 40 mẫu đất, 90 tuổi vẫn cảm thấy hạnh phúc
Warren Buffett, người sẽ bước sang tuổi 91 vào ngày 30/8, là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Mặc dù đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, nhưng Warren Buffett đích thị là một hình mẫu cho những nhà đầu tư, những người mong muốn trở nên giàu có, theo The Canadian.
Ông đã quyên góp một nửa số tài sản khổng lồ của mình cho các tổ chức từ thiện và dự định sẽ tiếp tục làm như vậy với phần lớn phần còn lại trong suốt cuộc đời hoặc sau khi ông qua đời. Warren Buffett được biết đến như một tỷ phú với lối sống giản dị. Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng ông vẫn sống trong căn hộ đã mua cách đây 6 thập kỷ.
"Nhu cầu của tôi rất đơn giản. Điều gì khiến tôi hạnh phúc ở tuổi 40 vẫn sẽ làm tôi hạnh phúc ở tuổi 90", ông chia sẻ.
Những bước đi đầu tiên
Nhà đầu tư người Mỹ sinh năm 1930, thời kỳ xảy ra cuộc Đại suy thoái. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có mơ ước kinh doanh và trở thành một doanh nhân. Tính tới thời điểm tháng 3, khối tài sản ròng của tỷ phú Warren Buffett đã vượt mốc 100 tỷ USD.
Khi còn học tiểu học, doanh nhân này được biết đến với biệt danh "Nhà tiên tri Omaha". Ông đã mua những gói kẹo cao su Wrigley và những chai Coke tại cửa hàng của ông nội, bán lại cho những người dân trong khu phố để kiếm lời.
Lên 11 tuổi, vị tỷ phú này đã tham gia vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, ông còn bán báo và cùng bạn bè sản xuất ra một loại máy để bán cho các tiệm cắt tóc. Nhờ vào tài kinh doanh của mình, ông đã đã mua được 40 mẫu đất nông nghiệp ở bang Nebraska, Mỹ khi mới chỉ 15 tuổi.
Ngay sau khi hoàn thành bằng tốt nghiệp tại Đại học Columbia, Warren Buffett đã làm việc cho người cố vấn của mình, huyền thoại đầu tư Benjamin Graham ở thành phố New York. Khi Graham nghỉ việc kinh doanh đầu tư, ông Buffett trở về quê hương Omaha và điều hành một loạt quỹ đầu cơ thành công, được gọi là Buffett Partnerships.
Vào cuối những năm 1960, Warren Buffett nhận thấy rằng thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao. Sau đó, ông đã đóng cửa các công việc kinh doanh đầu tư ban đầu. Thời gian sau, tỷ phú Warren Buffett tiếp quản Berkshire Hathaway, một nhà sản xuất dệt may đang gặp khó. Cuối cùng, ông đã biến nơi này thành công việc kinh doanh chính.
Trong vài thập kỷ, Warren Buffett đã đưa công ty trở thành tập đoàn khổng lồ như ngày nay, với doanh thu hàng năm là 245 tỷ USD và vốn hóa thị trường đạt 654 tỷ USD. Đội ngũ nhân viên của Berkshire Hathaway rơi vào khoảng 360.000 người.
Giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway tăng cùng với đó là sự hoạt động hiệu quả của các công ty con đã giúp Warren Buffett và nhiều người khác giàu lên nhanh chóng. Gần đây, do các vấn đề liên quan tới sức khỏe, ông đã bổ nhiệm Greg Abel làm người kế nhiệm lâu dài của mình. Tuy nhiên, ông Warren Buffett vẫn chưa có ý định rút khỏi Berkshire Hathaway.
Tỷ phú Warren Buffett - người sống trong chủ nghĩa ôn hòa
Tỷ phú Warren Buffett đã học được nhiều triết lý từ cha mình, ông Howard Buffett, một nhà môi giới chứng khoán từng dành 8 năm làm việc trong Quốc hội Mỹ.
Buffett mô tả triết lý này là tuân theo "mệnh lệnh bên trong" của ông. Về cơ bản, điều này có nghĩa là ông sống một cuộc đời của riêng mình, không quan tâm những gì người khác nghĩ và không cố gắng để bắt kịp người khác.
Ông nói rằng bản thân là một thành viên Đảng Dân chủ, nhưng trong những năm qua, ông đã bỏ phiếu và quyên góp tiền cho cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Ngoài ra, ông là người không theo bất kỳ tôn giáo nào. Các quỹ từ thiện của ông và cả người vợ quá cố hiện vẫn đang tài trợ cho nhiêu tổ chức khác nhau. Warren Buffett đã dành hơn 20 năm coi mình là người hạnh phúc, kể từ khi kết hôn với bà Susan.
Người đàn ông của những quỹ từ thiện
Cùng với tỷ phú Bill Gates và người vợ cũ Melinda, tỷ phú Warren Buffett đã tạo ra quỹ "The Giving Pledge", nơi các tỷ phú khác cam kết quyên góp ít nhất một nửa tài sản của họ cho các tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, tỷ phú Warren Buffett còn đi xa hơn thế. "Hơn 99% tài sản của tôi sẽ dành cho hoạt động từ thiện kể cả khi tôi qua đời", tỷ phú người Mỹ đưa ra lời hứa. Thay vì thành lập một quỹ của riêng mình, ông đã đầu tư tiền từ thiện vào 5 quỹ khác nhau, đáng chú ý nhất là của Bill và Melinda Gates, trong đó ông là người được ủy thác cho đến năm 2021.
Khi từ chức, tỷ phú Warren Buffett bắt đầu rời bỏ tất cả ghế hội đồng quản trị của các công ty mà ông từng tham gia. Doanh nhân này đồng thời đảm bảo rằng ông chỉ đưa một phần nhỏ khối tài sản cho ba người con gồm Howard Graham, Peter và Susan Alice Buffett.
Tỷ phú Warren Buffett bắt đầu chia sẻ kiến thức của mình về thị trường tài chính và nền kinh tế từ năm 1977 trong một bức thư gửi cổ đông. Ngoài ra, bất kỳ chia sẻ nào của doanh nhân này trên sóng truyền hình cũng có thể trở thành bài học đầu tư cho những người khác.
Bên cạnh đó, ông cũng tự nguyện gặp gỡ rất nhiều sinh viên đại học trong nhiều thập kỷ để hỏi và trả lời các thắc mắc, đồng thời cũng dành thời gian để tới thăm các doanh nghiệp nhỏ khác.
"Quy tắc Buffett"
Buffett công khai thừa nhận rằng ông đã được hưởng lợi từ một hệ thống cho phép các tỷ phú trả hóa đơn thuế rất thấp, một phần vì các quy định đánh thuế thu nhập chứ không phải thuế của cải, vật chất. Thậm chí, ông từng có một bức thư chia sẻ về sự hối hận khi đã nộp thuế quá ít.
Trong nhiều năm, ông ủng hộ "Quy tắc Buffett" về việc đánh thuế tối thiểu 30% đối với những người kiếm được hơn 1 triệu USD/năm. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ điều này vào năm 2012. "Tôi tin rằng các khoản thuế sẽ có ích nhiều hơn cho xã hội", ông trả lời sau khi đọc báo cáo về các khoản thuế đối với những tỷ phú của ProPublica.