CEO Saigon Co.op: Ngành bán lẻ buộc chạy marathon nhưng dễ bị di chứng, gắng sức đã thấy thấm mệt
Tại sự kiện Vietnam CEO Forum với chủ đề "Đâu là trận cuối?", các diễn giả là những nhà lãnh đạo đã chia sẻ về những "cơn bão" do chính COVID-19 mang lại.
Ngành bán lẻ - chạy gắng sức với quãng đường dài, đã thấy thấm mệt
"Trận địa" chống COVID-19 của ngành bán lẻ được Tổng giám đốc Saigon Co.op là ông Nguyễn Anh Đức nhận định, dù là ngành bận rộn nhất trong mùa dịch song ngành cũng ở trong trạng thái chạy quá sức.
Mọi người thường cho rằng ngành bán lẻ hay cụ thể hơn là các siêu thị kinh doanh hàng thiết yếu sẽ sống khỏe trong mùa dịch, song đại diện Saigon Co.op cho rằng nhận định này chỉ đúng với trường hợp ngành bán lẻ hiện đại đóng góp tỷ trọng cao trong tổng giá trị thương mại.
Còn tại Việt Nam, tỷ trọng của các siêu thị chỉ chiếm 22% - 25%, số còn lại thuộc về các chợ truyền thống. Khi dịch xảy ra, phía truyền thống đóng cửa, dồn áp lực lên các hệ thống bán lẻ hiện đại, gây khó khăn đến chuỗi cung cứng, ông Đức nói.
Bản thân cái khó đã dồn về, chưa kể cấu trúc hành vi người tiêu dùng thay đổi, tập trung chủ yếu vào hàng thực phẩm thiết yếu. Các mặt hàng này không tăng giá bán trong khi phía siêu thị phải chịu chi phí càng tăng trong mùa dịch nên càng bán càng lỗ, lãnh đạo Saigon Co.op giãi bày. Trong điều kiện này, các nguồn oxy như lực lượng lao động phải làm việc trong trạng thái lo sợ vì dịch bệnh có thể lây lan.
Nhịp độ quá nhanh, ngày hôm sau chưa kịp cảm nhận những quyết định của hôm trước thì mọi thứ đã thay đổi nên chúng tôi cảm thấy quá nhanh và quá nguy hiểm.
Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Vị lãnh đạo chuỗi siêu thị nhận định: "Thời gian qua là một cuộc chạy cực kỳ gắng sức. Chưa bao giờ chúng tôi giao ban toàn công ty mà phải làm hàng ngày. Nhịp độ quá nhanh, ngày hôm sau chưa kịp cảm nhận những quyết định của hôm trước thì mọi thứ đã thay đổi rồi nên chúng tôi cảm thấy quá nhanh và quá nguy hiểm".
Ông Đức nói thêm, có lúc chuỗi siêu thị phải đóng cửa 1/4 số lượng, chi phí vẫn tiếp tục gồng gánh, kéo lãi gộp xuống mức thấp. Song cuối cùng "chúng tôi vẫn phải chọn giải pháp cùng đóng góp cho xã hội để nuôi dưỡng bầu oxy trong tương lai tốt hơn", dù thực tế "chúng tôi cũng đã thấm mệt".
Sàn thương mại điện tử đang bước khỏi vùng năng lực cốt lõi?
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ đặt câu hỏi, các chuỗi bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op đã quen chạy với cự ly ngắn, nhưng giờ buộc phải thực hiện với quãng đường dài, liệu cơ bắp có được lên hay không?
Ông Thông cũng nêu một câu chuyện khác, ở các nước, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) muốn gia nhập vào ngành hàng fresh (thực phẩm tươi sống - NV) phải mất tới mấy năm. Ấy vậy mà COVID-19 tại Việt Nam đã giúp các sàn này đẩy nhanh tốc độ. Cụ thể là câu chuyện của Tiki ngon, Grabmart hay của ShopeeFood,... như đang đua tốc độ.
Thông thường, để xây dựng lượng khách hàng phải tính bằng năm, song các sàn thương mại này chỉ mất vài tháng đã có lượng khách phục vụ cho tương lai. Vị lãnh đạo PNJ nhận định sau đại dịch chắc hẳn sẽ xuất hiện ngành hàng mới.
Nhìn nhận vấn đề, ông Đức nêu quan điểm, mặc dù các sàn thương mại đạt được số lượng, nhưng dường như đang lấn át phần chất lượng.
"Có vẻ như họ đang chạy tốt hơn nhưng liệu có đang đem lại sự bền vững trong giai đoạn này không hay đang chạy quá sức", đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart nói.
Ông Đức chia sẻ thêm, "bối cảnh COVID đã khiến các sàn TMĐT có chăng đang bước ra khỏi core competencies (năng lực cốt lõi) để đạt được những mục đích. Song điều này dễ tạo rủi ro trong tương lai nếu doanh nghiệp không có sự tính toán chọn lọn và duy trì nó một cách khéo léo.
Cuộc đua marathon không dành cho ngành du lịch
Ở phương diện khác, cuộc đua marathon lại không dành cho các công ty ngành du lịch hàng không trong mùa COVID. Mọi thứ dường như "đóng băng" và tổn thất nhất đối với ngành chính là cơ sở vật chất vì phải "nằm im bất động".
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Kỳ giãi bày "có doanh nghiệp phải ôm lỗ lũy kế 17.000 tỷ đồng. Riêng với Vietravel, trong một tuần sẽ phải đẩy 7 chiếc Rover xuống sông hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry". Tình trạng chung bây giờ của ngành là "hàng chục máy bay, tất cả nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn".
Chưa kể, Vietravel đang đang sở hữu 1.700 nhân viên, trong khi số lượng người đến cơ quan có thời điểm chỉ 15 - 20 người, ông Kỳ cho biết. Đồng nghĩa một lượng nhân sự chất lượng cao không có việc làm.
Kết luận lại, các vị lãnh đạo nhận định, nếu như ngành bán lẻ buộc phải chạy marathon và cần đến ATM Oxy, dễ để lại di chứng giãn cơ nếu không chuẩn bị đầy đủ thì ngành hàng không lại rơi vào thế đóng băng và buộc phải thở ECMO.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/