Các tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã từng theo học những trường đại học nào?
Việt Nam hiện có 6 tỷ phú USD lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương.
Họ đều là những cái tên xuất sắc trong từng lĩnh vực riêng và nhận được sự ngưỡng mộ từ nhiều người. Vì vậy, ngay từ con đường học vấn của những tỷ phú hàng đầu Việt Nam này cũng được nhiều người quan tâm và tìm hiểu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường đại học tại Việt Nam vừa công bố điểm chuẩn kỳ thi đại học năm 2021.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup)
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ vị trí tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 7,3 tỷ USD, theo Forbes. Hiện ông cũng đứng thứ 344 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng học tại trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp THPT, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup thi đỗ Đại học Mỏ Địa chất. Tuy nhiên, nhờ những thành tích học tập xuất sắc tại trường phổ thông, ông Vượng đã được trường Mỏ Địa Chất chọn sang du học ở Moskva (Nga) và theo học ngành kinh tế địa chất.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng do Forbes tổng hợp với khối tài sản ròng đạt 2,8 tỷ USD. Bà Thảo là Tổng giám đốc của VietJet Air, đồng thời giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Về con đường học vấn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng nhận bằng Tiến sỹ của học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, bằng Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matcova, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế quốc dân Maxcơva, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga.
Tỷ phú Trần Đình Long (Hoà Phát)
Ông Trần Đình Long hiện đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 2,2 tỷ USD, là người giàu thứ ba Việt Nam. Ông Long tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Trần Đình Long là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.
Ông đã xây dựng nền móng đầu tiên của Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, tiền thân Công ty TNHH Chế tạo Kim loại Hòa Phát và của Tập đoàn Hòa Phát hiện nay.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh (Techcombank)
Sở hữu khối tài sản ròng trị giá 1,6 tỷ USD, tỷ phú Hồ Hùng Anh là một trong những người giàu nhất Việt Nam, đồng thời xếp hạng 1.931 trên thế giới. Ông Hồ Hùng Anh đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Về con đường học vấn, ông Hồ Hùng Anh từng thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự khóa 22 chuyên ngành kỹ sư điện năm 1987. Trong quá trình học tập, ông đạt được kết quả xuất sắc nên Bộ Quốc Phòng đã lựa chọn đi du học ngành Kỹ thuật quân sự tại Liên Xô.
Khi Liên Xô tan rã, ông đã chuyển sang theo học tại trường Đại học Bách khoa Kiev, Ukraine ngành kỹ sư điện tử. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Điện tử kỹ thuật tại trường Đại học Bách khoa Kiev, Ukraina và Thạc sỹ quản trị nguồn nhân lực của Đại học Giao thông Đường bộ Moskva, Liên bang Nga.
Tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco)
Ông Trần Bá Dương hiện cũng sở hữu khối tài sản ròng 1,6 tỷ USD, tương đương ông Hồ Hùng Anh. Đồng thời, ông cũng xếp vị trí 1.931 trên bảng xếp hạng Forbes. Tỷ phú Trần Bá Dương là người sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Ô tô Trường Hải (THACO). Về sự nghiệp học tập, năm 1983, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Máy nâng chuyển bốc xếp.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Masan Group)
Nguyễn Đăng Quang là nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Masan. Ngoài ra, ông cũng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện đang sở hữu khối tài sản ròng 1,2 tỷ USD, đứng thứ 2.378 trên thế giới. Trước khi thành công, ông Nguyễn Đăng Quang từng tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.