Bức tranh nợ xấu quý I/2021: Tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng cao, ngân hàng tăng mạnh 'bộ đệm' dự phòng
Hơn 93.200 tỷ đồng nợ xấu tại 26 ngân hàng
Những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 tới các ngân hàng vẫn tiếp diễn và thể hiện độ trễ pha ở những con số nợ xấu. Trong ba tháng đầu năm 2021, nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng, thậm chí có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hàng chục %.
Theo thống kê của người viết từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của 26 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu nội bảng của các nhà băng trong quý I đã tăng 5,3% lên 93.268 tỷ đồng trong khi tăng trưởng cho vay chỉ hơn 3%.
Có tới 21/26 ngân hàng được khảo sát có nợ xấu tăng trong kỳ, trong khi chỉ có 4 ngân hàng có nợ xấu giảm là VietinBank, Sacombank, Viet Capital Bank, Kienlongbank.
ACB, Vietcombank và MB là những ngân hàng có số dư nợ xấu tăng mạnh nhất. Cụ thể, nợ xấu tại ACB đã tăng hơn 60% lên 2.954 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi lên 798 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng hơn 52% lên 1.858 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, chất lượng tài sản cũng có xu hướng đi xuống rõ rệt được thể hiện trên báo cáo tài chính. Tổng nợ xấu tăng lên 47% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.697 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng gấp gần 9 lần, nợ nhóm 3 tăng gần gấp đôi.
Hay tại MB, quy mô nợ xấu của ngân hàng cũng tăng gần 29% lên 4.185 tỷ đồng.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao trong kỳ, nhưng tỷ lệ nợ xấu của ACB và Vietcombank vẫn ở mức thấp dưới 1%, tương ứng là 0,91% và 0,88%.
Nếu xét riêng về tỷ lệ nợ xấu thì vị trí đầu bảng vẫn là VPBank với mức 3,46%, cao nhất trong số các ngân hàng khảo sát. Con số này được tính bao gồm cả nợ xấu của FE Credit, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao bởi đặc thù của công ty tài chính tiêu dùng. Nếu tính theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ ở mức 2,17%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% bao gồm Viet Capital Bank (2,83%), Eximbank (2,63%), PG Bank (2,58%), ABBank (2,04%).
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng cuối quý I/2021
Ngân hàng chủ động xây dựng "bộ đệm" nợ xấu
Khi Thông tư 01 được ban hành cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại và được giữ nguyên nhóm nợ, giới chuyên gia đều cho rằng điều này sẽ khiến những con số nợ xấu công bố của các ngân hàng trên thực tế vẫn chưa phản ánh được hết thực trạng, các khoản nợ xấu sẽ bị ẩn dưới "lớp vỏ" nợ tái cơ cấu.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng.
Dù đến 17/5 Thông tư 03 quy định về lộ trình trích lập cụ thể đối với các khoản nợ tái cơ cấu mới có hiệu lực, nhưng số liệu thực tế dường như cho thấy các ngân hàng đã chủ động chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Đơn cử từ trường hợp của ACB, nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh do trong kỳ ngân hàng đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai, SSI Research cho biết trong báo cáo cập nhật mới đây.
Ngân hàng đã tăng mạnh dự phòng tín dụng lên 606 tỷ đồng so với cuối quý trước.
Trao đổi với người viết, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng nguyên nhân nợ xấu tăng cao ở những ngân hàng như ACB, Vietcombank hay MB là do sự chủ động phân loại lại nợ để bắt đầu xử lý các khoản nợ.
"Việc các ngân hàng chủ động phân loại nợ sẽ làm cho nợ xấu trở nên hiện hữu và sẽ tích cực thực hiện các biện pháp đòi nợ, xử lý nợ", theo phó giáo sư.
Hay nhìn vào con số tổng thể, dù nợ xấu tại các ngân hàng được khảo sát đã tăng 5,3% trong kỳ; song, các nhà băng này cũng đã chủ động nâng quỹ trích lập dự phòng rủi ro cho vay lên hơn 101.101 tỷ đồng, tương đương tăng 12%.
Trong đó, BIDV là ngân hàng đẩy mạnh "bộ đệm" nợ xấu nhất khi nâng quy mô quỹ trích lập dự phòng gần 23% lên 23.422 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu qua đó cũng cải thiện từ 89% lên gần 108%.
Tại ACB, Vietcombank hay MB, dù nợ xấu tăng cao, nhưng nhờ việc duy trì "bộ đệm" tương đối chắc chắn trước đó đã phần nào giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập trong kỳ (tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB và MB cuối năm 2020 lần lượt là 160% và 134%, Vietcombank cao kỷ lục 380%).
Ngoài ra, một số ngân hàng khác dù có nợ xấu tăng trưởng thấp, thậm chí giảm trong quý I như VietinBank, Techcombank hay SeABank vẫn chủ động củng cố quỹ trích lập dự phòng rủi ro. Hành động này giúp họ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có thể phát sinh đến từ những khoản nợ được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ.