|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh ngành gỗ công nghiệp: Tăng trưởng trên 30%/năm nhưng lợi nhuận chỉ tập trung ở hai cái tên dẫn đầu

10:27 | 08/06/2021
Chia sẻ
Trong 5 năm trở lại đây, ngành gỗ dán của Việt Nam có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đạt bình quân trên 31%/năm.

Nếu ở thế kỷ 19, vật liệu sắt thép lên ngôi, thế kỷ 20 là thời của bê tông cốt thép, thì sự hiện diện của vật liệu định hình là gỗ sẽ là xu thế của thế kỉ 21.

Tuy nhiên, nguồn cung gỗ tự nhiên là giới hạn, trong khi nhu cầu của người dân ngày một tăng cao, các tiêu chuẩn về việc sử dụng gỗ để trang trí nội thất hay ứng dụng công nghiệp theo đó cũng được nâng cấp theo thời gian.

Do đó, với những ưu điểm mà ngành gỗ công nghiệp mang lại, dự kiến sự nổi lên này sẽ phần nào thế chân đối với gỗ tự nhiên, từ đó đưa ngành kinh doanh này trở thành một thị trường đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm không chỉ đến từ các công ty trong nước mà cả những doanh nghiệp nước ngoài.

Thị trường gỗ công nghiệp: Quy mô hơn 70 tỷ USD, tốc độ phát triển hơn 30%/năm

Gỗ công nghiệp là loại gỗ được tạo ra từ gỗ vụn, gỗ thừa,... kết hợp với keo và hóa chất để tạo ra từng tấm gỗ. Đồng thời các sản phẩm gỗ công nghiệp cũng được xử lý chống tẩm sấy chống mối mọt và chống ẩm.

Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã  đạt giá trị gần 12,5 tỷ USD trong năm 2020. Mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt từ 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,6% so với năm 2020. 

Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Bức trành ngành gỗ công nghiệp không đơn thuần chỉ Gỗ An Cường - Ảnh 1.

Một số loại gỗ công nghiệp. (Nguồn: Gỗ An Cường).

Riêng đối với các sản phẩm gỗ dán, báo cáo được thực hiện bởi các Hiệp hội gỗ VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định và Tổ chức Forets Trends về ngành công nghiệp gỗ dán Việt Nam (plywood) công bố tháng 6/2020, tổng nhu cầu của mặt hàng gỗ dán trên toàn cầu vào năm 2018, đạt khoảng 160 triệu m3, tương đương giá trị kim ngạch 72,7 tỷ USD.

Trong đó, Mỹ là thị trường khổng lồ trong việc tiêu thụ gỗ dán và là quốc gia nhập khẩu gỗ dán lớn nhất thế giới. Ngược lại, Trung Quốc là nhà cung cấp gỗ dán lớn nhất toàn cầu. Cùng với Trung Quốc, Việt Nam thuộc top đầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán. 

Vào năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 790 triệu USD, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam tăng 19% so với năm 2018.

Bức trành ngành gỗ công nghiệp không đơn thuần chỉ Gỗ An Cường - Ảnh 2.

Tại thị trường trong nước, con số thống kê của Tổng cục lâm nghiệp và nguồn khảo sát sơ bộ của các Hiệp hội gỗ, tính đến 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 115 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất gỗ dán với tổng sản lượng năm 2019 đạt 3,07 triệu m3, trong đó số dự án có vốn FDI là 53.

Điều đáng nói là dường như các nhà đầu tư ngoại đang để ý đến thị trường Việt Nam. Số liệu cho thấy, số dự án FDI vào ngành sản xuất gỗ dán có biến động rất lớn. Giai đoạn 1995 - 2014 chỉ có 11 dự án FDI, tuy nhiên từ năm 2015 đến hết tháng 6 tháng 2020 đã có thêm 42 dự án FDI đầu tư vào sản xuất gỗ dán.

Đồng thời trong 5 năm trở lại đây, ngành gỗ dán của Việt Nam có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đạt bình quân trên 31%/năm.

Công ty đại chúng, liên doanh báo lãi cao, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp tư nhân thấp bất ngờ

Khi được chúng tôi hỏi về sự khác biệt giữa gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên, chị Đỗ Thị Thanh Thúy, một nhà thu mua trong ngành xây dựng cho biết, các đơn vị nhà thầu nội thất ngày nay đều có xu hướng lựa chọn gỗ công nghiệp để làm vật liệu thay vì đóng khung vào các loại gỗ tự nhiên.

"Thứ nhất, do giá gỗ tự nhiên đang tăng cao vì dịch bệnh, việc chuyển sang dùng gỗ công nghiệp trở thành xu hướng. Thứ hai, dù giá rẻ hơn nhưng về chất lượng giữa gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên có thể đánh giá không quá chênh lệch", chị Thúy nói. 

Chưa kể, theo chị Thúy, với sự đa dạng về màu sắc nên gỗ công nghiệp giúp không gian nội thất trở nên tinh tế, đa dạng và sang trọng hơn, qua đó mở ra các cơ hội kinh doanh đa dạng hơn.

Chẳng hạn như Gỗ An Cường, công ty gỗ có vốn đầu tư nước ngoài này hiện không chỉ là nhà sản xuất thuần tuý các sản phẩm ván MFC, ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm mà còn là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp, thiết kế nội thất cho các dự án nhà ở trong nước và xuất khẩu.

Bức tranh ngành gỗ công nghiệp: Thị trường hàng chục tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm - Ảnh 3.

Một căn hộ của Sunwah Pearl sử dụng gỗ công nghiệp của Gỗ An Cường. (Ảnh: Minh Hằng).

An Cường đang có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Công ty cho biết hiện đang sở hữu hai cụm nhà máy, hệ thống kho bãi với tổng diện tích hơn 240.000 m2 tại Bình Dương và đang dẫn đầu về doanh thu tại thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng từ 25 - 30%/năm trong giai đoạn 2014 - 2020. 

Tiếp đến là CTCP Gỗ MDF VRG Dongwha, doanh nghiệp liên doanh giữa Dongwha International của Hàn Quốc và Tập đoàn cao su Việt Nam (mã: GVR) được thành lập từ năm 2008 dù có doanh thu thấp hơn, nhưng lợi nhuận đạt được mỗi năm xấp xỉ 500 tỷ đồng, tương đương với Gỗ An Cường.

Bức tranh ngành gỗ công nghiệp: Thị trường hàng chục tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm - Ảnh 4.

Nguồn: MH tổng hợp.

Ngoài ra, trong danh sách các nhà cung cấp vật liệu gỗ công nghiệp do đại diện CTCP Nội thất NEM chia sẻ với người viết, đâu đó có khoảng 10 - 15 doanh nghiệp trong ngành thường được công ty cân nhắc lựa chọn.

Chẳng hạn, mạnh về ván MDF thì có công ty Kiên Giang, Dongwha, Kim Tín. Ưu thế về melamine thì có Mộc Phát, Thanh Thuỳ, Ba Thanh, Kim Long. Hay laminate có Yên Lâm, Phúc Thành An, Compact Sài Gòn.

Mặc dù vậy, các công ty như Minh Long, Mộc Phát, Thanh Thùy mặc dù có thâm niên nhiều năm phát triển nhưng hoạt động kinh doanh gần như không có sự tiến triển, hầu hết chỉ ghi nhận mức lãi khoảng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, thậm chí VRG Kiên Giang có năm còn lỗ trên 70 tỷ đồng. 

Đơn cử như trường hợp của Mộc Phát, doanh thu giai đoạn trước khi dịch bệnh diễn ra cũng đã chững lại, tỷ suất sinh lời (biên lợi nhuận thuần) của doanh nghiệp này theo ghi nhận là rất thấp, chưa đến 0,2% trong những năm qua. 

Thanh Thuỳ cũng không khá hơn khi doanh thu trong 2 năm 2018, 2019 thấp hơn nhiều giai đoạn trước đó. Năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận hơn 130 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận ghi nhận chỉ 170 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 0,13%, thấp hơn rất nhiều so với mức từ 10-16% của Gỗ An Cường và Dongwha.

Minh Hằng