|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bức tranh COVID-19 phức tạp tại phía Nam: TP HCM vượt mốc 6.000 ca, Đồng Tháp, Bình Dương nguy cơ dịch lan rộng

15:07 | 05/07/2021
Chia sẻ
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại các tỉnh thành phía Bắc, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt và đã bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, một số tỉnh thành phía Nam lại đang phải đối diện với số ca nhiễm tăng lên từng ngày.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19, riêng đợt dịch thứ 4 có trên 16.833 ca mắc.

Dịch đang nóng lên tại các tỉnh phía Nam với tâm điểm là TP HCM - nơi ghi nhận số ca mắc cao nhất cả nước với hơn 6.400 ca.

Những ngày qua tại đây, số ca nhiễm COVID-19 liên tục nằm ở mức 3 con số. Vào ngày 4/7, TP HCM chính thức vượt Bắc Giang và trở thành địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong đợt dịch lần này. Trải qua 40 ngày chống dịch (từ 27/5 đến nay), trung bình mỗi ngày TP HCM có khoảng 160 bệnh nhân mới.

Các tỉnh thành miền Nam liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; tiến hành giãn cách, cách ly nhiều nơi - Ảnh 4.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP HCM đã vượt Bắc Giang và trở thành địa phương có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất cả nước. (Biểu đồ: Phương Trang).

Ngoài các ca nhiễm ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa, TP HCM còn phải đối mặt với nhiều chuỗi lây nhiễm nhỏ được phát hiện thông qua những ca bệnh đầu tiên tới khám sàng lọc tại các bệnh viện.

Bộ Y tế đã hướng dẫn TP HCM về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14-14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà). TP cũng đã thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm để công tác tổ chức xét nghiệm vừa đáp ứng với tình hình hiện này vừa được nâng cao năng lực.

"Riêng tại TP HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá về tình hình dịch trong cuộc hôm qua ngày 4/7.

Chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối TP HCM lan ra nhiều tỉnh thành lân cận

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh thành như Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh... đều ghi nhận các ca nhiễm mới liên quan đến chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn, TP HCM.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết, tính đến sáng ngày 5/7, toàn tỉnh ghi nhận thêm một ca nhiễm mới, liên quan đến chợ Bình Điền (TP HCM), đã được Bộ Y tế công bố và 10 ca nghi nhiễm.

Cụ thể, 10 ca nghi nhiễm bao gồm 9 ca liên quan đến ổ dịch chợ Hóc Môn (H Thống Nhất 8 ca, TP Biên Hòa 1 ca), một ca tại xã Phước Thái, huyện Long Thành liên quan đến ổ dịch chợ Bình Điền.

Các tỉnh thành miền Nam liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; tiến hành giãn cách, cách ly nhiều nơi - Ảnh 1.

Tổng số ca mắc tại một số tỉnh thành miền Nam chiếm khoảng 28% số ca nhiễm của cả nước. (Biểu đồ: Phương Trang).

Cũng trong sáng 5/7, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. Bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người, từng giao cá ở chợ Bình Điền, TP HCM. Kết quả xét nghiệm ngày 4/7 dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 4/7, CDC Tây Ninh đã ghi nhận thêm một ca nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TX.Trảng Bàng có yếu tố dịch tễ ban đầu liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền.

Trước đó, ngày 2/7, tỉnh Tây Ninh cũng đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm COVID-19, hằng ngày đi lấy hàng hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền về Châu Đức bán.

Bức tranh COVID-19 phức tạp tại các tỉnh phía Nam: TP HCM vượt mốc 6.000 ca, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương nguy cơ dịch lan rộng - Ảnh 3.

Công ty Chợ Bình Điền tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ đối với người vào chợ để tầm soát, phòng chống COVID-19. Tất cả những người vào chợ đều phải có giấy xét nghiệm âm tính và mỗi giấy chỉ có giá trị trong vòng bốn ngày. (Ảnh: NT/ PLO).

Rạng sáng 2/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thông tin về hai trường hợp nhiễm COVID-19. Qua điều tra truy vết ban đầu, hai vợ chồng hàng ngày đi xe ô tô, lấy hàng hải sản ở chợ Bình Điền, TP HCM về địa phương bỏ mối cho nhiều tiểu thương trong và ngoài xã Sơn Bình.

Bên cạnh những ca bệnh liên quan đến chợ đầu mối tại TP HCM, nhiều tỉnh thành miền Nam cũng ghi nhận các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ trở về từ TP HCM, Bình Dương.

Nguy cơ dịch phức tạp tại Đồng Tháp, Long An, Bình Dương

Trong khi tình hình dịch bệnh ở các tỉnh miền Bắc đang có những dấu hiệu tích cực thì các tỉnh thành miền Nam lại phải đối mặt với số ca mắc tăng lên hằng ngày. Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp hiện đều ghi nhận tổng cộng gần 200 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4.

Riêng Bình Dương và TP HCM là hai tỉnh thành đứng đầu về số ca nhiễm tại khu vực phía Nam. Đáng chú ý, tỉnh Long An và Đồng Tháp trong hai ngày qua ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục.

Ngày 4/7, tỉnh Long An ghi nhận kỷ lục với 72 ca mắc COVID-19 trong một ngày. Tới sáng ngày 5/7, tỉnh đã ghi nhận thêm hai trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại địa phương lên 191 ca bệnh.

Trước đó, ngày 1/7, UBND tỉnh Long An đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 tại một số địa bàn thuộc TP Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.

Các tỉnh thành miền Nam liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; tiến hành giãn cách, cách ly nhiều nơi - Ảnh 2.

Số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tại Đồng Tháp và Long An trong những ngày gần đây. (Biểu đồ: Phương Trang).

Vào sáng 5/7, Bộ Y tế đã công bố 100 ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp, bao gồm 68 ca là các trường hợp trong khu vực đã được phong tỏa và 32 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp ghi nhận số ca mắc lên ba chữ số. Tính đến sáng ngày 5/7, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 161 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 635 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Ngành y tế tỉnh hiện đang tập trung nguồn lực để khống chế ổ dịch tại Công ty Wanek 2 và Công ty Cổ phần đồ dùng gia đình House Wares.

Các tỉnh thành miền Nam liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 mới; tiến hành giãn cách, cách ly nhiều nơi - Ảnh 3.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trong những ngày qua khiến tỉnh Bình Dương phải tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. (Biểu đồ: Phương Trang).

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 toàn TP Dĩ An từ 0h ngày 5/7. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu, kể từ 6h ngày 6/7, người từ TP HCM, Đồng Nai ra/vào TP Dĩ An phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương đã có ba địa phương thực hiện cách ly xã hội là TP Thuận An, TP Dĩ An và Thị xã Tân Uyên. Riêng TP Thủ Dầu Một có 4 phường cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, bao gồm: Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa và Hiệp Thành.

Phương Trang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.