Bphone nhọc nhằn tiếp cận khách hàng Việt khi mất hút trên kệ hàng của TGDĐ, FPT Shop và CellphoneS
Mới đây, sau một lùm xùm giữa các vlogger công nghệ và BKAV, CellphoneS - một trong những đơn vị bán lẻ di động lớn nhất Việt Nam, đã thông báo ngừng hợp tác với hãng phần mềm Việt. Theo ông Huy Nguyễn, đại diện truyền thông CellphoneS, hệ thống này sẽ dừng phân phối tất cả các sản phẩm của BKAV.
"Chúng tôi đã chấm dứt việc bán tai nghe của BKAV và từ nay về sau cũng không bán bất cứ cái gì từ BKAV nữa", ông Huy khẳng định. Đáng nói, đây không phải lần đầu BKAV bị nhà phân phối ngừng hợp tác.
Trước đó vào năm 2018, Thế Giới Di Động sau khi thông báo sẽ phân phối Bphone thì cũng đã âm thầm dừng bán sản phẩm này. Hay như trên các kệ hàng của FPT Shop, sản phẩm điện thoại Bphone cũng không có mặt.
Bphone đang được bán qua những đâu?
Hồi đầu năm nay, sau thông báo rút khỏi thị trường của VinSmart, ông Nguyễn Tử Quảng đã lên mạng tuyên bố rằng mục tiêu của BKAV là giành top hai thị phần smartphone Việt Nam vào năm 2023.
Ông Quảng nói rằng mục tiêu trên là "hoàn toàn khả thi". Tuy nhiên, sự việc không mong muốn mới đây khi BKAV bị một trong top ba đơn vị bán lẻ di động lớn của Việt Nam từ chối hợp tác đã khiến con đường "phủ sóng" điện thoại Bphone thêm xa.
Hiện ngoài bán lẻ online trên hai sàn thương mại điện tử là Shopee và Lazada, BKAV cũng đã phải tự mở 6 cửa hàng để phân phối sản phẩm nằm tại 4 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và TP Vinh (Nghệ An).
Theo thông báo mới nhất từ vị CEO BKAV, sản phẩm tai nghe sắp tới AirB sẽ được bán qua một số đơn vị như Clickbuy, Hoàng Hà mobile, Bạch Long mobile và Thegioiso360.vn. Chưa rõ liệu rằng các mẫu Bphone mới có hợp tác với những cửa hàng này hay không.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng có thể thấy ngay là sản phẩm Bphone đang nhọc nhằn tiếp cận với khách hàng Việt. Không được sự hậu thuẫn của các nhà bán lẻ với hệ thống cửa hàng "khủng", phủ sóng rộng khắp khách hàng khó lòng có thể được trải nghiệm và mua sản phẩm của BKAV, dù chất lượng có tốt đến đâu theo như quảng cáo.
Kinh nghiệm từ Vsmart
Cùng là những nhà sản xuất smartphone Việt, song VinSmart và BKAV lại có hai cách tiếp cận khách hàng khác hẳn nhau. Tuy không có cửa hàng riêng như BKAV, song điện thoại VinSmart lại được bán ở hầu khắp các cửa hàng bán lẻ di động lớn.
Đến nay, dù đã tuyên bố rời thị trường được 6 tháng song tại FPT Shop hay CellphoneS, người dùng vẫn có thể tìm mua được điện thoại Vsmart.
Mặt khác, theo đuổi chiến lược đánh vào phân khúc giá tầm trung và phổ thông đã giúp VSmart có được lòng người tiêu dùng Việt. Ba năm có mặt trên thị trường, VSmart đã có tổng cộng 19 dòng sản phẩm điện thoại. Trong khi dù ra đời sớm hơn, con số này ở BKAV chỉ dừng lại ở 12 sản phẩm trong 6 năm.
Với chiến lược về kênh phân phối và giá bán hợp lý, VSmart đã ghi nhận kỷ lục 1,2 triệu chiếc điện thoại được bán ra sau 17, giúp hãng trở thành thương hiệu điện thoại di động tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Canaslys, ở thời điểm quý I/2021, nhà sản xuất điện thoại thuộc tập đoàn Vingroup đứng top 4 với 10% thị phần. Tính đến quý II/2021 (tính đến tháng 8), VSmart vẫn ở trong top 5 dù thị phần đã giảm xuống còn 9%.
Tham vọng top 2 thị phần của Bphone có khả thi?
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường GfK, tính đến tháng 11/2020, các thương hiệu như Samsung, Apple, Oppo, Vsmart, Vivo, Realme, Nokia, LG, Sony, Huawei, Xiaomi là những cái tên có thị phần đủ lớn tại Việt Nam để đưa ra thống kê.
Trong khi đó, Gfk đã dành khoảng 2% thị phần cho nhóm các thương hiệu khác - những cái tên quá nhỏ để có thể thống kê. Với việc không có bất cứ con số thống kê chính thức nào về doanh số bán ra, dường như thương hiệu BKAV đang được xếp vào nhóm này.
Với mục tiêu lọt top hai thị phần smartphone Việt Nam với giả định các hãng khác đứng yên tại chỗ, BKAV cần đạt mức 15% - 20% thị phần để chiếm lấy vị trí của Oppo hiện tại. Nếu muốn đạt được tham vọng nói trên, Bphone cần tăng trưởng gấp chục lần hiện tại trong vòng hai năm - một con số quá lớn, ngay cả những cái tên như Samsung hay Apple cũng khó lòng đạt được.
Ngoài ra, theo báo cáo của Gfk, thị trường smartphone Việt đang ổn định ở mức 13 triệu máy mỗi năm và trong tương lai vẫn sẽ giữ ở mức này. Như vậy, để có thể nắm giữ vị trí top hai thị phần, BKAV cần phải bán ra gần 3 triệu máy/năm.
3 triệu máy mỗi năm mang thương hiệu Bphone cần được đến tay người dùng để BKAV hiện thực hóa tham vọng. Tuy nhiên, với hệ thống phân phối vừa yếu vừa thiếu như hiện tại, cộng với chiến lược giá chỉ tập trung vào phân khúc cận cao cấp, dải sản phẩm mỏng, chặng đường top 2 thị phần smartphone Việt của BKAV xem ra còn nhiều khó khăn.
Và có thể ngay chính lãnh đạo BKAV cũng đã nhận biết được những rào cản này. Bởi trước đó, năm 2020, trong một bài phỏng vấn ông Quảng tiết lộ tham vọng đứng số 1 Việt Nam vào năm 2023. Tuy nhiên sau đó mấy tháng, mục tiêu này đã bị hạ xuống thành thứ 2.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/