Apple là khoản đầu tư lớn nhất của Warren Buffett và giờ còn là ván cược rủi ro nhất
Ván cược bất ngờ nhất
Năm 2016, huyền thoại Warren Buffett có lẽ đã thực hiện ván cược bất ngờ nhất trong sự nghiệp của mình. Năm đó, Berkshire Hathaway, tập đoàn do ông điều hành, bắt đầu mua cổ phiếu Apple. Công nghệ là nhóm cổ phiếu mà Buffett và cộng sự lâu năm Charlie Munger đã tránh xa từ lâu.
Một vài năm trước mốc 2016, trong cuộc trò chuyện với các giám đốc cấp cao của một công ty khác, Buffett cho biết Apple phù hợp với đặc điểm của một cổ phiếu mà người ta có thể bán khống, chứ không phải một công ty thích hợp để mua vào, theo một nguồn tin thân cận của Wall Street Journal (WSJ).
Song, Buffett nói ông không nhớ cuộc trò chuyện đó và nhà đầu tư huyền thoại khẳng định trong hơn 50 năm qua, ông “chưa bao giờ khuyến nghị bán khống bất kỳ cổ phiếu nào và luôn khuyên mọi người không nên bán khống cổ phiếu”.
Tuy nhiên, khi trao đổi cùng các trợ lý, Buffett và Munger đã nhanh chóng mua nhiều cổ phiếu Apple. Sau đợt mua ban đầu gần 10 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 1 tỷ USD vào đầu năm 2016, Berkshire đã tăng tỷ lệ nắm giữ vào cuối năm.
Tập đoàn tiếp tục mua cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone vào năm 2017 và 2018, chi tổng cộng khoảng 36 tỷ USD trong khoảng thời gian đó.
Đến cuối quý III/2018, lượng cổ phiếu Apple mà Berkshire nắm giữ chiếm khoảng 25% danh mục đầu tư của tập đoàn. Và đến cuối năm ngoái, Apple đã chiếm khoảng 50% danh mục của Berkshire.
Nước đi của Buffett và các cấp dưới đã gặt hái quả ngọt. Hiện tại, Berkshire đang có khoảng 5,9% cổ phần trong Apple. Tuy giá cổ phiếu của “táo khuyết” đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, lượng cổ phần đó vẫn trị giá khoảng 157 tỷ USD.
Berkshire đang lãi trên giấy tờ khoảng 120 tỷ USD. Đây có thể là số tiền lớn nhất mà một nhà đầu tư hay một doanh nghiệp từng kiếm được từ một cổ phiếu riêng lẻ, WSJ nhận xét.
Tập đoàn của nhà đầu tư huyền thoại ghi nhận tỷ suất sinh lời hàng năm hơn 26% từ Apple (đã tính cổ tức), vượt mức tăng 12,9% của chỉ số S&P 500 trong cùng giai đoạn, theo tính toán của công ty đầu tư Cheviot Value Management.
Ông Chris Davis, CEO Davis Funds và là thành viên hội đồng quản trị của Berkshire, đánh giá: “Khả năng thay đổi quyết định của Buffett là điều hết sức phi thường, bởi hầu hết các nhà đầu tư đều gặp khó khăn ở khâu này”.
“Hầu hết chúng ta đều khăng khăng với những tuyên bố trong quá khứ của mình, nhưng Apple là một ví dụ điển hình, cho thấy chúng ta cần cởi mở trong tư duy”, ông Davis nói thêm.
Quá trình lựa chọn cổ phiếu thú vị
Quyết định mua cổ phiếu Apple là kết quả làm việc của một nhóm người tại Berkshire chứ không chỉ riêng Warren Buffett.
Năm 2016, Ted Weschler - một trong hai trợ lý được thuê từ vài năm trước để giúp Buffett quản lý danh mục đầu tư của Berkshire - đã quyết định rót 1 tỷ USD vào Apple, Munger chia sẻ với WSJ trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm ngoái.
Cùng khoảng thời gian đó, Buffett đã đưa ra một thử thách cho Todd Combs, người trợ lý còn lại. Theo lời Combs, Buffett thường mời ông đến nhà vào các ngày thứ Bảy để chuyện trò về thị trường và danh mục đầu tư của Berkshire.
Lần đó, “nhà hiền triết xứ Omaha” yêu cầu Combs xác định một cổ phiếu trong S&P 500 đáp ứng ba tiêu chí. Thứ nhất, hệ số P/E phải rẻ, không vượt quá 15 lần (dựa trên thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới).
Cổ phiếu này phải được các nhà phân tích dự đoán sẽ lãi lớn trong 5 năm tới, mức độ lạc quan ít nhất phải đạt 90%. Và họ phải tin tưởng ít nhất 50% rằng lợi nhuận của công ty đó sẽ tăng ít nhất 7% mỗi năm trong 5 năm trở lên.
Nghiên cứu của Combs chỉ ra Apple, cái tên mà Weschler đã mua.
Buffett hỏi về tỷ lệ giữ chân khách hàng của iPhone. Khi biết được con số đó xấp xỉ 95%, ông trở nên hiếu kì. Munger cho biết khi ấy, các cháu của Buffett đã “nghiện” iPhone.
“Warren có thể đã nhận ra những sản phẩm của Apple chiếm ưu thế như thế nào”, Munger tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với WSJ.
Ở thời điểm đó, Buffett và Munger vẫn sử dụng điện thoại nắp gập. Buffett chỉ đổi sang iPhone vài năm sau, dù ông cũng không dành nhiều thời gian cho chiếc điện thoại mới.
Tuy vậy, khi xem xét cổ phiếu Apple, Buffett bắt đầu coi đây là một công ty hàng tiêu dùng có sức mạnh định giá, thay vì là một công ty công nghệ hay nhà sản xuất thiết bị điện tử.
Sự trung thành của khách hàng đối với các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, khiến Buffett tin rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền để nâng cấp sang những phiên bản hiện đại hơn. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận của Apple.
Bởi vậy, Buffett bắt đầu mua cổ phiếu Apple với số lượng lớn.
Apple bây giờ là một mớ rắc rối?
Tuy nhiên, hiện giờ Apple đang gặp phải rắc rối. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm 10% trong năm nay, bất chấp đà tăng của các cổ phiếu công nghệ khác và thị trường nói chung.
Apple phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền, doanh số bán hàng ở Trung Quốc chững lại và nhà đầu tư chỉ trích hãng chậm chân trong cuộc đua phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire vào ngày 4/5, Buffett có thể sẽ chia sẻ nhiều về việc chuyển giao quyền lực.
Khi đó, ban lãnh đạo Berkshire sẽ phải trả lời một câu hỏi khó: những người kế nhiệm Buffett sẽ làm gì với số cổ phiếu Apple? Cuối năm ngoái, Berkshire đã giảm tỷ lệ nắm giữ nhưng số cổ phần vẫn còn rất lớn.
Ông Darren Pollock, người điều hành Cheviot và là cổ đông lâu năm của Berkshire, cho hay: “Apple đang là một ván cược rủi ro vì hãng được định giá quá cao, các cơ quan quản lý đang chú ý đến phân khúc sinh lời nhiều nhất của Apple và cả tốc độ tăng trưởng của họ đang chậm lại”.
Một số nhà đầu tư đang tự hỏi liệu Apple có gây ảnh hưởng đến Berkshire hay không. Ông Mohnish Pabrai, người đứng đầu Pabrai Investment Funds, cho biết ông lo ngại về triển vọng dài hạn của Apple.
“Trong 10 hay 15 năm nữa, chưa chắc Apple sẽ mãi chiếm ưu thế”, vị giám đốc cảnh báo.
Hôm 2/5, Apple tiết lộ doanh thu của hãng đã giảm lần thứ 5 liên tiếp trong 6 quý vừa qua. Tuy nhiên, thông báo mua cổ phiếu quỹ trị giá 110 tỷ USD đã giúp giá cổ phiếu Apple đi lên.
Cổ phiếu Apple vẫn đắt so với thị trường chung, bất chấp đà giảm trong năm nay. Cổ phiếu này đang giao dịch ở mức gấp 25 thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới, khiến vị thế của Berkshire càng thêm rủi ro.
Có một lý do thuyết phục có thể giải thích việc Berkshire vẫn giữ cổ phiếu Apple. Đây có thể là nguyên nhân chính Buffett không bán ra: Berkshire khó có thể tìm thấy món hời nào khác để sử dụng hiệu quả lượng tiền mặt mà tập đoàn đang có.
“Berkshire không cần khối tiền mặt phình to lên tới 350 tỷ USD bằng cách bán Apple”, ông Pabrai nói. Vị này dự đoán theo thời gian, Apple sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong danh mục đầu tư của Berkshire, khi các vị thế khác tăng lên.