38 ngày hơn 5.000 ca nhiễm và hàng loạt biện pháp lần đầu áp dụng trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4
Hoàn toàn khác với ba lần bùng phát dịch trước đây, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Dịch xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây và nhiều ổ dịch xuất hiện cùng thời điểm. Đồng thời, biến chủng mới xuất hiện với khả năng lây nhiễm nhanh, mạnh hơn khiên dịch diễn biến phức tạp hơn cả.
Theo Bộ Y tế, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là hơn 5.000 ca. Đặc biệt ngày 25/5, lần đầu tiên số ca nhiễm lên mức kỷ lục với 444 bệnh nhân.
"Khẩn trương mua vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân"
Ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết về mua vắc xin COVID-19 với tinh thần "khẩn trương mua vắc xin một cách nhanh nhất để tiêm trên diện rộng cho nhân dân".
Hơn một tuần sau, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam được thành lập với mục tiêu chính là để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
Đến nay, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đang có hơn 103 tỷ đồng do người dân, doanh nghiệp chuyển trực tiếp và còn hơn 2.000 tỷ đồng các doanh nghiệp lớn đã cam kết ủng hộ.
Quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thực hiện bằng được chiến lược vắc xin theo tinh thần thần tốc hơn nữa, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vắc xin cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua 3/6,Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vắc xin để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Thứ trưởng cho biết tổng số vắc xinViệt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều. "Tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ”, ông Cường thông tin.
Chủ động xét nghiệm, linh hoạt trong khoanh vùng và giãn cách
Theo các chuyên gia, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn vì vậy việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa. Ngành y tế đã thay đổi phương thức "chạy theo" xét nghiệm sang "tấn công" bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc.
Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế đã cho phép áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh trên diện rộng. Các địa điểm có nguy cơ cao như khu công nghiệp (KCN), nhà máy, các khu tập trung đông người và đặc biệt là bệnh viện sẽ phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân trong bệnh viện.
Cũng nhờ chiến lược xét nghiệm nhanh, tầm soát diện rộng đã giúp Việt Nam phát hiện được nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhanh chóng tách trường hợp nhiễm bệnh ra khỏi cộng đồng. Tại các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạo như TP HCM, Bắc Giang... cũng đang tiến hàng xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm nguy cơ cao, có ca dương tính.
Trong đợt dịch lần này, Việt Nam cũng thí điểm cách ly tại nhà với F1 và cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Hai địa phương áp dụng thí điểm là Bắc Ninh và Bắc Giang - cũng là hai nơi có nhiều ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước tính đến nay.
Để ứng phó với dịch hiệu quả hơn và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, các địa phương cũng linh hoạt hơn trong việc áp dụng biện pháp phong tỏa và thiết lập mô hình kiểm soát dịch nhiều lớp để khóa chặt nguồn lây theo từng mức độ.
Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và cách ly theo Chỉ thị 16 cũng được áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn, từng khu vực cụ thể để đạt mục tiêu "vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch".
Công nhân vừa cách ly vừa sản xuất
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bước vào năm 2021, Việt Nam phải đối mặt với hai đợt dịch bệnh thứ ba và thứ 4, trong đó làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 là nguy hiểm hơn cả. Có thể nói, những gì phức tạp nhất của ba đợt dịch trước đều dồn vào lần này. Vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xác định mục tiêu vừa chống dịch, ưu tiên chống dịch song vẫn phải bảo đảm phát triển kinh tế, lo sinh kế cho người dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ngay từ đầu chúng ta xác định mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất. Bởi vậy, phải khoanh vùng sao cho gọn nhất để chống dịch và vẫn đảm bảo đời sống sản xuất của nhân dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Tại tỉnh Bắc Giang, với việc buộc phải đóng cửa 4 trong 6 KCN trên địa bàn đã kéo theo hàng trăm doanh nghiệp và 136.000 công nhân phải tạm dừng sản xuất. Sở Công thương tỉnh Bắc Giang ước tính cữ mỗi một ngày dừng 4 KCN, tỉnh Bắc Giang mất hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Bắc Giang và Bắc Ninh đã cùng nhau phối hợp để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nhằm đạt được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, cả hai tỉnh đều đã tiến hành triển khai mô hình cho công nhân, người lao động ở lại khu vực nhà máy.
Tại Bắc Giang, đến nay đã có 4.056 công nhân của 9 doanh nghiệp trong KCN được sản xuất trở lại. Theo báo Bắc Giang, đại Sở Y tế Bắc Giang cho biết người lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5 trở lại đây; có hai lần xét nghiệm PCR âm tính với SARS - CoV-2 liên tiếp, trong đó lần xét nghiệm gần nhất trước khi được xác nhận cho đi làm việc tại doanh nghiệp là một ngày.
Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao tiếp tục kiểm tra thực tế và thẩm định hồ sơ về phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch của các dpanh nghiệp trong KCN để có căn cứ cho phép hoạt động trở lại
Còn tại Bắc Ninh, đến nay cũng cũng đã có 504 trong số 1.120 doanh nghiệp hoàn thành đủ tiêu chí an toàn chống dịch để triển khai mô hình cho công nhân lưu trú lại nhà máy và nhanh chóng trở lại sản xuất.
Đồng thời, qua việc COVID-19 lây lan trong KCN, Thủ tướng cũng đã bổ sung công nhân và người lao động vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 để đảm bảo sức khỏe người lao động, nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Trả lời phỏng vấn với Zing, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, công nhân là những người đang lao động, sản xuất. Trong bối cảnh dịch bùng phát, họ vẫn cần phải tiếp tục làm việc. Công nhân phụ trách một số dây chuyền cần được ưu tiên tiêm vaccine. Mục đích là để những cơ sở, dây chuyền đó nếu không có dịch, vẫn có thể hoạt động.
Làn sóng dịch thứ 4 được đánh giá là nguy hiểm với nhiều diễn biến khó lường, dù vậy, Chính phủ khẳng định chiến lược chống dịch "hoàn toàn không thay đổi". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp gần đây nhắc lại phương châm chống dịch 5 bước gồm: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực. Bên cạnh thực hiện tốt chiến lược này, Việt Nam đã và đang linh hoạt áp dụng các biện pháp mới tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/