|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm

11:14 | 28/02/2022
Chia sẻ
Cắt internet, wifi, tấn công mạng,… những động thái chưa từng có trong các cuộc xung đột trước đây trên thế giới.

Ngày 25/2, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Ukraine Hanna Malyar đã đăng thông báo trên Facebook: "Chúng tôi tha thiết yêu cầu mọi người ngừng chia sẻ ảnh, video về việc vận chuyển thiết bị và địa điểm quân sự Ukraine lên mạng. Những hành động này đang giúp kẻ thù có được thông tin chính xác về quân đội của chúng ta."

Yêu cầu của vị thứ trưởng được đưa ra khi trên mạng xã hội Twitter cũng như trên các nhóm chat Telegram xuất hiện các bài đăng, hình chụp về một số vị trí đóng quân của Ukraine. Đây là một "sự cố" có một không hai trong lịch sử xung đột vũ trang truyền thống, khi các nền tảng công nghệ như mạng xã hội và internet chưa phổ biến.

Một câu chuyện khác trên Twitter do một tài khoản đăng tải khi tài xế người Ukraine đang đi trên đường thì thấy thiết giáp Nga dừng ven đường. Tài xế mở cửa kính và hỏi: Xe các anh bị hỏng à? Lính Nga đáp: Hết xăng, đang chờ tiếp nhiên liệu. Vị tài xế người Ukraine mới trêu đùa rằng: Có cần kéo giúp về Nga hay không? Sau đó cả hai bên cùng bật cười.

Đoạn video đã thu hút 8,6 triệu lượt xem và 67.500 lượt thích. Hay như trên mạng xã hội TikTok, các video livestream của binh sĩ hai bên trên chiến trường cũng thu hút hàng triệu lượt xem. Một lần nữa video này cho thấy sức ảnh hưởng của công nghệ trong các cuộc xung đột vũ trang có thể tác động tới cục diện cuộc chiến như thế nào.

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm - Ảnh 1.

Thông báo yêu cầu người dân không đăng tải hình ảnh quân đội lên mạng xã hội của Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Ukraine. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Phát hiện điều chuyển quân bằng Google Maps

Không đợi đến thời điểm Nga tuyến bố đưa quân vào Ukraine hôm 24/2, những người quan sát Google Maps trước đó cũng có thể nhận thấy quân Nga đang tiến vào biên giới nước láng giềng, theo The Washington Post.

Giáo sư Lewis chuyên ngành Kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California cho hay bằng cách kết hợp thông tin giao thông từ Google Maps và hình ảnh radar, ông đã nhận ra một cuộc tấn công đang diễn ra vài giờ trước khi tin tức được công khai và từ cách xa hàng nghìn dặm.

"Cách đây một thập kỷ, đây là những kỹ năng của cộng đồng tình báo, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều", vị giáo sư nói. Ông Lewis đã chứng minh rằng công nghệ đang giúp những người ở xa có thể cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine trong thời gian thực.

Theo Apple Insider, chìa khóa của các cuộc tấn công là đối phương không biết mình đang ở đâu. Quân đội Nga sẽ không bị phát hiện nếu họ chơi game Candy Crush hoặc đăng ảnh lên Twitter, nhưng nhiều hoạt động an ninh nội bộ có thể bị theo dõi bởi một chiếc smartphone được giấu trong balô.

Giá trị của dữ liệu từ smartphone trong balô người lính Nga có ý nghĩa thế nào với lực lượng Ukraine hiện chưa rõ ràng. Các đơn vị phản ứng nhanh có thể nhắm mục tiêu dựa trên những gì hiển thị trên Google Maps.

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm - Ảnh 2.

Dữ liệu Google Maps cho thấy quân Nga tiến vào biên giới Ukraine trong ngày 24/2. (Nguồn: Jeffrey Lewis).

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Google Maps đang trở thành công cụ giúp đỡ những người dân. Đơn cử, hôm 24/2, Đại sứ quán Ấn Độ tại Ukraine đã khuyến cáo người dân và sinh viên nước này sử dụng Google Maps để tìm kiếm các hầm trú bom xung quanh.

Hay dữ liệu giao thông trên Google Maps vào đêm 24/2, vài giờ sau cuộc tấn công đầu tiên vào Ukraine, cho thấy các con đường gần Kharkiv bị đóng, giao thông bị đình trệ trên các tuyến đường rời thủ đô Kyiv.

Có thể thấy, một chiếc smartphone với camera, kết nối mạng và có khả năng định vị là một ví dụ cho thấy những tác động đáng kinh ngạc của công nghệ phổ thông trong việc thu thập thông tin trong chiến sự.

Bật dịch vụ internet từ ngoài vũ trụ

Tờ VICE đưa tin, cuộc tiến công của Nga đã khiến hệ thống interent tại Ukraine bị gián đoạn. Do đó, ngày 26/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, ông Mykhailo Fedorov đã nhắn trực tiếp cho Elon Musk, đề nghị SpaceX hỗ trợ dịch vụ internet cho nước này trên trang cá nhân Twitter của mình: "Elon Musk, chúng tôi đề nghị ông cung cấp thêm trạm Starlink cho Ukraine".

Chỉ sau 10 giờ, sáng 27/2, Elon Musk phản hồi dòng trạng thái này. "Dịch vụ vệ tinh của Starlink đã bắt đầu hoạt động ở Ukraine và sắp sửa có thêm nhiều thiết bị internet", CEO SpaceX cho biết.

Starlink phóng vệ tinh vào quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất để cung cấp dịch vụ internet. Chúng là chuỗi những tên lửa được kết nối với nhau, mang cho người dùng khả năng truy cập internet băng thông rộng, độ trễ thấp trên khắp thế giới.

Trên lý thuyết, dịch vụ Starlink là giải pháp hữu hiệu cho trường hợp của Ukraine. Công nghệ này không phụ thuộc vào hạ tầng internet truyền thống, vốn dễ bị đánh sập. Starlink giúp quốc gia này chống lại các cơ quan kiểm duyệt và vụ tấn công mạng, tấn công trực tiếp trên các thiết bị internet thông thường.

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine lên Twitter đề nghị Elon Musk hỗ trợ mạng cho nước này. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội

Từ khi xung đột nổ ra, các tài khoản tại Ukraine đã đăng tải lời kêu gọi donate (quyên góp) trên mạng xã hội, để quân đội nước này có thêm kinh phí mua sắm khí tài quân sự. Theo Bloomberg, hôm 24/2, ngân hàng quốc gia Ukraine đã tạo một tài khoản đặc biệt, giúp mọi người trên khắp thế giới có thể gửi tiền quyên góp cho binh sĩ Ukraine, họ chấp nhận đóng góp bằng nhiều loại tiền tệ.

Trước đó, Come Back Alive, một tổ chức phi lợi nhuận tại Kiev đã kêu gọi được 20,5 triệu hryvnia (khoảng 673.000 USD) cho quân đội Ukraine chỉ trong một ngày. Hay như nền tảng chuyển tiền thương mại Wise cũng nhận được số giao dịch tăng vọt.

Không chỉ kêu gọi quyên góp, Ukraine còn phát động cuộc chiến trên không gian mạng chống lại Nga. Ngày 25/2, tờ Reuters dẫn lời hai nhân viên Chính phủ Ukraine, cho biết nước này đang yêu cầu các tình nguyện viên thuộc lực lượng hacker ngầm tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ gián điệp trên không gian mạng nhằm chống lại quân đội Nga.

Cách đơn ký khá đơn giản khi người tham gia chỉ cần gửi đơn đăng ký qua Google docs, khai rõ chuyên ngành của họ, chẳng hạn như phát triển mã độc... Tiến sĩ Yegor Aushev, đồng sáng lập của một công ty an ninh mạng ở Kyiv, nói với Reuters rằng ông đã viết bài đăng này theo yêu cầu của một quan chức cấp cao của Bộ Quốc Phòng.

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm - Ảnh 4.

Ukraine đã thành lập một quỹ cộng đồng để kêu gọi sự ủng hộ. (Nguồn: Yahoo News UK).

Chiến tranh trên không gian mạng

Ngay sau khi xung đột diễn ra, công ty an ninh mạng ESET đã phát hiện ra phần mềm độc hại mới nhắm mục tiêu vào các tổ chức Ukraine. Trước đó, trang web của một số cơ quan chính phủ và ngân hàng Ukraine đã bị đánh sập bởi một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) phân tán. Các tin tặc truy cập nhiều một cách bất thường vào một trang web cho đến khi nó bị sập.

Các sự kiện này xảy ra sau một cuộc tấn công riêng biệt vào tuần trước, đánh sập 4 trang web của chính phủ Ukraine, mà các quan chức Mỹ và Anh cho là thuộc GRU, cơ quan tình báo quân sự của Nga.

Người dân Ukraine được cho là cũng nhận được tin nhắn giả cho biết các máy ATM ở nước này không hoạt động. Về phần mình, Nga cho biết "chưa bao giờ tiến hành và không tiến hành bất kỳ hoạt động độc hại nào trong không gian mạng".

Xung đột thời 4.0: Dùng mạng xã hội kêu gọi donate cho quân đội, binh lính livestream trên chiến trường, Google Maps chỉ điểm - Ảnh 5.

Tổ chức hacker Anonymous ủng hộ Ukraine. (Ảnh minh họa: DW).

Ngược lại, trong  thông báo phát đi trên Twitter, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous cho biết họ đã đánh sập một số trang web của Chính phủ Nga, trong đó có RT.com - website của đài truyền hình RT do Chính phủ Nga hậu thuẫn.

Cũng trên Twitter, hôm 24/2, Anonymous đã thông báo nhóm này sẽ tham gia một cuộc chiến tranh mạng chống lại Chính phủ Nga. Các trang web của chính phủ Nga, Điện Kremlin, Duma và Bộ Quốc phòng đã bị nhóm hacker đánh sập hoặc gây gián đoạn kết nối.

Ngoài RT.com, nhóm hacker này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các trang web của các nhà cung cấp dịch vụ internet của Nga như Com2Com, Relcom, Sovam Teleport và PTT-Teleport Moscow.

Với những diễn biến trên, ông Hitesh Sheth, Giám đốc điều hành Vectra AI nhận định: "Từ lâu, chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng các cuộc tấn công mạng sẽ là một trong những vũ khí tấn công của các quốc gia trong thời đại mới".

Thiên Trường