Xuất khẩu phân bón tiến dần đến mốc tỷ USD, loạt doanh nghiệp báo lãi bằng lần
Loạt doanh nghiệp vượt mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng
Tính đến thời điểm 31/10, hầu hết doanh nghiệp ngành phân bón đã niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III.
Số liệu thống kê cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III đã giảm tốc so với hai quý đầu năm do mùa thấp điểm tiêu thụ trong nước và lượng xuất khẩu phân bón chững lại.
Tuy nhiên tính chung 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phân bón đã bỏ xa kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2022.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM) cho biết doanh thu thuần đạt 3.885 tỷ đồng, tăng 38% so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.001 tỷ đồng, tăng 59%.
Theo giải trình của doanh nghiệp, giá bán và sản lượng phân bón quý III tăng so với cùng kỳ giúp doanh thu, lợi nhuận đi lên tương ứng. Dù vậy, kết quả kinh doanh vẫn thấp hơn lợi nhuận sau thuế của ba quý liền trước.
Kết thúc quý III, nhà máy đạm Phú Mỹ đã sản xuất gần 900.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021.
Sau khi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Đạm Phú Mỹ đã đẩy mạnh xuất khẩu. Lượng phân bón xuất khẩu 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm, góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ đạt 14.727 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.466 tỷ đồng, lần lượt gấp 1,9 lần và gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 17.239 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.473 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện 85% chỉ tiêu doanh thu và vượt 29% lợi nhuận năm.
Tương tự như đạm Phú Mỹ, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, Mã: DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể báo cáo hợp nhất quý III của doanh nghiệp cho thấy doanh thu thuần đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 83% so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế đạt 731 tỷ đồng, tăng 95%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 11.465 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 3.272 tỷ đồng, tăng lần lượt 90% và 298% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu bán ure chiếm tỷ trọng lớn nhất với 78%, đạt 9.252 tỷ đồng. Riêng doanh thu xuất khẩu ure quý III gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái lên 4.255 tỷ.
Năm nay, tổng công ty nâng mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất với 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 513 tỷ đồng. Sau ba quý, doanh nghiệp đã vượt 27% kế hoạch doanh thu và gấp 6,3 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Còn với CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, Mã DHB), kết quả lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đạt hơn gần 1.700 tỷ trong khi năm ngoái lỗ.
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất trong quý III của Đạm Hà Bắc đạt 1.746 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 347 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần nhờ thị trường thuận lợi, giá phân bón tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều cao, trong khi chi phí lãi vay giảm mạnh.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đạm Hà Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.294 tỷ đồng, tăng 73% và lợi nhuận sau thuế 1.693 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 293 tỷ.
Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 4.498 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 8,8 tỷ đồng. Với lợi nhuận trước thuế là 1.693 tỷ đồng, DHB đã vượt 17,6% chỉ tiêu về doanh thu và gấp 192 lần kế hoạch lợi nhuận trong năm.
Bên cạnh doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III khả quan, còn 3 doanh nghiệp bao gồm Phân bón Bình Điền, DAP-Vinachem, Phân bón miền Nam ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 2.285 tỷ đồng tăng 28% so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế giảm 92% còn 3 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp đạt 6.684 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế giảm 11% xuống 164 tỷ đồng.
Công ty cho biết 9 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ phân bón đều ghi nhận giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt ở mức 400.500 tấn và 408.096 tấn. Với kết quả này, Phân bón Bình Điền mới thực hiện được 66,4% kế hoạch sản xuất; 67,7% kế hoạch tiêu thụ cả năm 2022.
Năm nay, phân bón Bình Điền đặt mục tiêu 6.428 tỷ đồng doanh thu, 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng, doanh nghiệp đã vượt 4% kế hoạch doanh thu và 6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, phân bón miền Nam và DAP Vinachem là hai doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý III đi xuống, song kết quả chung 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương.
Xuất khẩu phân bón sắp chạm mốc 1 tỷ USD, cơ hội cho doanh nghiệp vẫn còn
Trong quý III vừa qua, tiêu thụ và xuất khẩu phân bón có phần chậm lại so với hai quý liền kề do ở giai đoạn thấp điểm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong quý III, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 390 nghìn tấn, tương đương 239 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 28% về giá trị so với quý II.
Tuy nhiên bước sang quý IV, nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới và trong nước được dự báo đi lên, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp lập kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận.
Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết các chuyên gia thế giới đánh giá rằng nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, giá phân bón có thể tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
“Dư địa xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp vẫn còn khi công suất thiết kế của các nhà máy phân bón tại Việt Nam theo giấy phép sản xuất phân bón của Bộ NNPTNT lên tới 29 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn", ông Phùng Hà nhận định.
Tuy nhiên, ông Phùng Hà cho rằng hiện phân bón Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á như Campuchia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan… Các thị trường chưa mặn mà với thị trường châu Âu, Trung Đông, Biển Đen vì chưa có thương hiệu và chi phí vận chuyển lớn.
Đại diện FAV cho biết các doanh nghiệp sản xuất phân urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn. Do đó, các nhà máy phân bón đang tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu vụ Đông-Xuân trong nước và tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho Việt Nam.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đã đạt gần 1,4 triệu tấn, tương đương gần 886 triệu USD, tăng 45% về lượng và gấp gần 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 636 USD/tấn.
Xuất khẩu phân bón tăng cả về lượng và giá so với cùng kỳ giúp kim ngạch xuất khẩu phân bón 9 tháng đầu năm vượt 58% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.
"Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam có thể vượt qua mốc 1 tỷ USD, con số cao kỷ lục”, ông Phùng Hà nói.