Xe bay: Tương lai của thế giới hay hố đen nuốt tiền của nhà đầu tư?
Giấc mộng trăm năm
Xe bay là giấc mơ mà các doanh nhân và nhà đầu tư trên khắp thế giới đã ấp ủ gần trăm năm qua.
Năm 1926, Henry Ford trình làng Ford “Flivver”, một chiếc xe bay được hy vọng là sẽ giúp cách mạng hóa ngành hàng không như những gì mẫu Model T đã làm được với ngành công nghiệp ô tô. Nhưng sau khi chuyến bay thử nghiệm thất bại và khiến phi công tử vong, Flivver cũng lùi vào dĩ vãng.
Bước sang thế kỷ 21, thế giới lại một lần nữa nhen nhóm hy vọng về một phương tiện có thể cất cánh và hạ cánh như trực thăng, di chuyển trên bầu trời như máy bay và thuận tiện như ô tô.
Giới doanh nghiệp gọi chúng là phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL). Nhưng truyền thông và người bình thường quen thuộc hơn với cách gọi “xe bay”. Một số công ty đặt mục tiêu đưa sản phẩm đi vào hoạt động vào năm 2024 và 2025.
Nhiều công ty đã vẽ ra hàng loạt thiết kế hiện đại và phức tạp cho xe bay. Đa số chúng yêu cầu người điều khiển có bằng phi công và được sử dụng để cung cấp dịch vụ taxi bay, ít nhất là trong khoảng thời gian ban đầu. Lợi ích của xe bay là giúp người dùng tiết kiệm thời gian bằng cách tránh được tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn.
Gã khổng lồ ngành hàng không của Mỹ là United Airlines đã đầu tư vào startup taxi bay Archer Aviation. Mục tiêu là trong hai năm nữa, các chiếc taxi bay 4 chỗ ngồi mang logo của United Airlines sẽ cất cánh lên bầu trời, bỏ lại dưới đất những cỗ xe chen chúc nhau và nhanh chóng đưa đón hành khách giữa hai thành phố New York và Newark.
Ô tô hoặc phương tiện công cộng có thể cần đến hơn một tiếng để di chuyển giữa hai thành phố trên. United Airlines và Archer cho biết taxi bay của họ sẽ chỉ cần 10 phút. Giá khách hàng phải trả cho mỗi chuyến sẽ là 100 USD.
Ông Mike Leskinen, Giám đốc của United Airlines Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm của United Airlines, tự tin: “Chúng tôi sẽ có một phương tiện tuyệt vời để chở người dân trong những chuyến đi dưới 80 km”.
Các tay chơi lớn
Theo tờ Financial Times, các nhà đầu tư đã rót 7 tỷ USD vào ô tô bay trong vòng ba năm qua. Các tay chơi lớn trong ngành nằm rải rác ở Mỹ và châu Âu. Trung Quốc và Brazil cũng có các công ty đang phát triển ô tô bay. Hầu hết các công ty là startup, số khác được cấp vốn bởi những đại gia hàng không như Airbus, Boeing và Embraer.
Stellantis, tập đoàn ô tô sở hữu các thương hiệu Peugeot, Fiat và Chrysler, đã đồng ý mua tới 150 triệu USD cổ phiếu Archer. Đồng thời, Stellantis cũng đang sản xuất mẫu xe bay của riêng mình có tên gọi là Midnight. Như đã nói ở trên, United Airlines cũng đầu tư cho Archer và đã trả trước 10 triệu USD cho đơn đặt hàng xe bay trị giá 1 tỷ USD.
Toyota đầu tư gần 400 triệu USD vào Joby Aviation và là cổ đông lớn nhất của công ty xe bay Mỹ này. Delta Air Lines cũng góp 60 triệu USD cho Joby.
Startup xe bay Vertical Aerospace của Anh nhận được sự hỗ trợ của American Airlines và công ty công nghệ hàng không Honeywell. Vertical Aerospace cũng đã nhận được đơn đặt hàng từ American Airlines và Virgin Atlantic.
Một số startup bao gồm Joby, Archer và Vertical đã cố gắng tiếp cận nguồn vốn đại chúng bằng cách niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, sự hứng khởi của nhà đầu tư dành cho những cổ phiếu này đã giảm mạnh trong hai năm qua. Cả ba đều đang được giao dịch với mức giá thấp hơn hẳn giá niêm yết.
Ông Sergio Cecutta, nhà sáng lập công ty tư vấn SMG Consulting, cho biết hàng không nổi tiếng là ngành thâm dụng vốn. Ông nói rằng cho đến khi những công ty này thu được lợi nhuận, “lưỡi hái tử thần vẫn còn lơ lửng trên đầu họ”.
Kẻ dị biệt
Dù đại đa số các nhà phát triển xe bay muốn cung cấp dịch vụ taxi, một công ty khác đang đi ngược với số đông và tham vọng bán cho người dân một phương tiện bay phổ thông hơn. Đó là Pivotal, công ty có trụ sở tại Thung lung Silicon.
Pivotal đã chế tạo phương tiện bay dành cho một người có tên là Helix. Chiếc xe bay này đáp ứng các tiêuchuẩn của Mỹ dành cho máy bay siêu nhẹ.
Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ ai có 190.000 USD cũng có thể đặt mua một chiếc Helix vào năm 2024, bất kể họ có bằng phi công hay không. Tuy nhiên, phải đến tháng 6 các khách hàng mới có thể nhận được xe.
Helix đạt được tốc độ tối đa 100 km/h, nhưng phạm vi hoạt động chỉ là 30 km. Helix chạy bằng điện và thời gian sạc cần thiết có thể lên đến 4,5 tiếng. Thời gian đó có thể giảm xuống còn 75 phút nếu chiếc xe được sạc bằng hệ thống năng lượng cao đặc biệt.
Và Helix cũng sẽ chỉ được phép bay qua những khu vực chưa được xây dựng. Những nhược điểm của Helix cũng là điểm yếu của hầu hết các xe bay khác.
Thách thức của xe bay
Vấn đề kỹ thuật
Các kỹ sư thiết kế xe bay đang phải đối mặt với nhiều thử thách.
Năng lượng cần thiết để cất cánh và hạ cánh của xe bay cao hơn so với các phương tiện có cánh như máy bay. Trong khi đó, pin lại có mật độ năng lượng thấp hơn nhiên liệu máy bay. Điều đó có nghĩa là xe bay điện không thể di chuyển xa hoặc mang theo nhiều người bằng máy bay.
Ông Farhan Gandhi, chuyên gia về xe bay tại Viện Bách khoa Rensselaer, cho biết các công ty sử dụng vật liệu siêu nhẹ để giảm bớt sức nặng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Pin cũng có thể bắt lửa. Tờ Financial Times cho biết đã có ít nhất hai vụ cháy liên quan đến pin cho xe bay.
Khả năng vận hành và an toàn
Để cung cấp dịch vụ đáng tin, taxi bay sẽ cần cơ sở hạ tầng thích hợp để hạ cánh. Các cơ quan quản lý hàng không đang nghiên cứu về thiết kế và tiêu chuẩn của những bãi đáp đặc biệt gọi là vertiport. Các vertiport sẽ phải có kích thước khác nhau tương ứng với các phương tiện đa dạng và cung cấp cổng sạc điện.
Các nhà vận hành sẽ phải tính đến những yếu tố khác, ví dụ như tiếng ồn, thời tiết và chất lượng chuyến bay. Tiếng của một taxi bay có thể sẽ không đáng chú ý trong đô thị ồn ào, nhưng một đoàn taxi bay thì khác.
Ông Sergio Cecutta, nhà sáng lập SMG Consulting, ví von: “Bạn không bao giờ để ý tiếng của một con ong, nhưng chắc chắn sẽ thấy ồn ào khi đứng cạnh một tổ ong”.
Ông John Cox, chuyên gia về an toàn hàng không, cho biết taxi bay sẽ có phạm vi hạn chế. Khi gặp thời tiết xấu, chúng sẽ cần có chỗ để hạ cánh trước khi pin cạn. Doanh nghiệp sẽ phải vạch ra sẵn các tuyến đường thay thế.
Chi phí và lợi nhuận
Một số nhà phân tích dự đoán thị trường taxi bay có thể đáng giá tới 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Một số công ty taxi bay hứa hẹn với hành khách rằng dịch vụ của họ có giá tương đương với taxi và rẻ hơn so với trực thăng. Họ phải cố gắng duy trì mức giá hợp lý cho khách hàng trong lúc cố gắng cân bằng chi phí phát triển, sản xuất hàng loạt và vận hành.
Ông Alan Epstein, Giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chỉ ra: “Chắc chắn rằng chúng ta có thể chế tạo ô tô bay. Câu hỏi là liệu chúng có thể sinh lợi nhuận hay không?”
Doanh nghiệp sẽ phải sản xuất số lượng lớn những chiếc xe này để bù đắp chi phí sản xuất. Ông đặt câu hỏi: “Ai sẽ chịu lỗ cho mỗi chiếc ô tô bay được sản xuất trong 5 năm đầu tiên?”.
Tổng giám đốc Archer là ông Adam Goldstein cho biết ban đầu, chi phí sản xuất mỗi chiếc taxi bay sẽ nằm trong khoảng 2 - 2,5 triệu USD. Con số này sẽ giảm xuống 1 triệu USD khi quy mô kinh doanh mở rộng. Tuy nhiên, Archer không nói bao giờ hãng sẽ tạo ra lợi nhuận.
Ông Stephen Fitzpatrick, Giám đốc điều hành của Vertical Aerospace, cảnh báo rằng ngành xe bay sẽ không cất cánh nhanh chóng.
“Liệu chúng ta có thể thấy một lượng lớn ô tô bay trên bầu trời vào năm 2025 hay không? Câu trả lời là không. Dù các phương tiện này được cấp phép hoạt động sớm hay muộn, quá trình công nghiệp hóa và tăng tốc sản xuất sẽ tốn thời gian”, vị CEO bày tỏ.