|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Warren Buffett thủng thỉnh hốt bạc từ hai thương vụ ‘nhàm chán’ nhưng tạo lợi nhuận khủng

13:47 | 04/12/2024
Chia sẻ
Tỷ phú đầu tư Warren Buffett đã sớm nhận ra rằng các công ty nhàm chán nhất lại có tiềm năng mang về lợi nhuận phi thường trong dài hạn, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng hoặc suy thoái.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Bankrate). 

Sự nghiệp của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã chứng tỏ rằng sự nhàm chán vẫn có thể đem lại lợi nhuận phi thường. Các khoản đầu tư của ông thường liên quan tới những sản phẩm và dịch vụ cơ bản nhất, từ dao cạo râu, nước tẩy rửa cho đến nước ngọt và bảo hiểm xe cộ. 

Quy tắc chủ đạo trong chiến lược của “nhà hiền triết xứ Omaha” là đầu tư vào những công ty tạo ra giá trị trong dài hạn, thay vì những trào lưu hoặc công nghệ có thể tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng nhiều khả năng sẽ sớm bị đào thải.

Tìm kiếm giá trị lâu dài

Vào thập niên 1980, Buffett từng đưa ra một lời giải thích nổi tiếng: “Tôi sẽ nói cho bạn nghe vì sao tôi thích các công ty thuốc lá. Mỗi điếu thuốc chỉ tốn một xu để sản xuất, nhưng lại bán được với giá 1 USD. Sản phẩm này gây nghiện. Các khách hàng lại cực kỳ trung thành với thương hiệu họ đã lựa chọn”.

Dù cuối cùng Buffett không đầu tư vào ngành thuốc lá vì e ngại các vấn đề xã hội, lời giải thích vẫn trên vẫn có thể tóm gọn suy nghĩ của ông về một khoản đầu tư hoàn hảo.

Tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư 94 tuổi sở hữu nhiều công ty con có tiếng như hãng bảo hiểm Geico, doanh nghiệp đường sắt BNSF, thương hiệu trang sức Borsheims,...

Đồng thời, Berkshire còn có một danh mục đầu tư gồm lượng lớn cổ phiếu trong các công ty đại chúng Mỹ. Ví dụ, Berkshire là cổ đông lớn nhất của Coca-Cola và Kraft Heinz, cả hai đều là những cái tên có mặt khắp các siêu thị trên toàn nước Mỹ.

Tờ Investopedia đánh giá những lựa chọn sáng suốt nhất của Buffett là mua lại See’s Candies và đầu tư vào Gillette. Cả hai đều có vẻ “tầm thường” đến mức đa số nhà đầu tư không nhận ra rằng họ có năng lực tạo ra lợi nhuận đáng nể mà hầu hết các công ty khác chỉ có thể mơ ước.

See’s Candies: Chiến thắng ngọt ngào

Năm 1972, Buffett mua lại công ty kẹo See’s Candies từ gia tộc See với giá 25 triệu USD. See’s được thành lập từ năm 1921 và các cửa hàng của hãng có thể được tìm thấy trên khắp miền Tây nước Mỹ cũng như ở nhiều sân bay.

Các loại kẹo mà See’s sản xuất không hào nhoáng hay sành điệu, nhưng cũng không bao giờ lỗi mốt. Trong những thập niên tiếp theo, Buffett đầu tư thêm 32 triệu USD vào công ty này. Kể từ thương vụ mua lại đến nay, Investopedia cho biết See’s đã đem lại cho Berkshire 1,35 tỷ USD.

Điều gì đã thu hút Buffett tìm tới công ty này? Về cơ bản, See’s là doanh nghiệp có khả năng sinh lãi cao với các yếu tố cơ bản cực kỳ hấp dẫn. Lợi nhuận trước thuế của See’s bằng 60% vốn đầu tư. Và công ty cũng không vướng vào bất cứ khoản thu khó đòi nào do kinh doanh sản phẩm theo kiểu “tiền trao cháo múc”.

Về dòng tiền, tốc độ quay vòng sản phẩm nhanh chóng kết hợp với chu kỳ phân phối ngắn giúp See’s giảm thiểu hàng tồn kho. Các chiến lược như tăng giá bán trước dịp Lễ tình nhân giúp tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận bổ sung.

Điều đó cho thấy See’s có mô hình kinh doanh hoàn hảo. Ngoài việc tự tài trợ cho quá trình tăng trưởng của mình qua các năm, See’s đã trở thành cỗ máy tạo tiền mặt có thể giúp Berkshire tăng thêm “hỏa lực” nhằm thực hiện những vụ mua lại khác.

Gillette: Cỗ máy kiếm tiền sắc bén

Trong hàng chục năm qua, dao cạo râu và các lưỡi dao cạo vẫn đóng góp phần lớn cho lợi nhuận của Gillette, giúp công ty chiếm thị phần áp đảo và trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu nước Mỹ.

Nhưng tới những năm 1980, ngành này bị rung chuyển với sự xuất hiện của các loại dao cạo dùng một lần. Bản thân Gillette cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm nặng nề. Năm 1988, Coniston Partners cố gắng thực hiện một cuộc thâu tóm thù địch với Gillette nhưng công ty đã chống trả được.

Năm 1989, Buffett can thiệp bằng khoản đầu tư 600 triệu USD vào Gillete, giúp công ty chống lại ý đồ thâu tóm của Coniston. Đổi lại, Berkshire nắm 11% cổ phần công ty này và được trao một ghế trong hội đồng quản trị.

Cũng trong năm đó, Gillette tái định hình lại ngành dao cạo râu bằng cách cho ra mắt Sensor Razor - dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nam giới về dao cạo có chất lượng và công nghệ cao.

Gillette đã trở thành một món quà lớn đối với tập đoàn của Buffett. Năm 2005, số cổ phiếu Gillette mà Berkshire nắm giữ được định giá 5,1 tỷ USD khi công ty này bán lại cho Proctor & Gamble (P&G).

Mô hình kinh doanh hoàn hảo

Tôn chỉ của Warren Buffett là kiên nhẫn, do đó ông kiên trì nắm giữ Gillette trong hàng chục năm dẫu lợi nhuận của công ty sụt giảm vào cuối thập niên 1990 và một cổ đông lớn thoái vốn.

Năm 2005, Gillette được bán lại cho P&G. Số cổ phần Berkshire sở hữu được định giá hơn 5 tỷ USD. Nhưng thay vì nhận về tiền mặt, Berkshire đổi lấy cổ phiếu của chính P&G và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Phương thức giao dịch này cũng giúp tập đoàn tiết kiệm một khoản tiền thuế đáng kể.

Thoạt nhìn, See’s và Gillette là hai doanh nghiệp cực kỳ khác biệt. Nhưng Buffett đã nhìn thấy cả hai có công thức kinh doanh giá trị bậc nhất, đó là sở hữu những sản phẩm có thương hiệu trường tồn và sinh lời.

Qua nhiều thế hệ, kẹo đóng hộp đã trở thành mặt hàng không thể thiếu trong xã hội Mỹ. Các sản phẩm của See’s lại được yêu thích đặc biệt, thậm chí công ty vẫn tăng trưởng trong giai đoạn Đại Khủng hoảng bắt đầu từ năm 1929.

Dao và lưỡi cạo râu của Gillette thì phục vụ cho một nhu cầu sẽ không bao giờ biến mất. Các sản phẩm của công ty có mặt trong những căn nhà trên toàn nước Mỹ và thế giới.

Về mặt tài chính, cả hai doanh nghiệp đều có những chiến lược thành công. Chi phí sản xuất kẹo đóng hộp thường thấp hơn chi phí đóng gói và tiếp thị sản phẩm. Điều đó tạo ra lợi nhuận phi thường.

Còn mô hình kinh doanh thông minh của Gillette là đem tặng một sản phẩm ít khi được thay thế (dao cạo râu) để bán những sản phẩm nhỏ hơn, thường xuyên được mua bán (lưỡi dao dùng một lần) cho khách hàng trong suốt cuộc đời. Cách làm này thành công và nổi tiếng trong giới kinh doanh đến mức được đặt tên gọi riêng là “Mô hình Dao cạo - Lưỡi cạo”.

Giang